Để hoạt động hiệu quả, tích cực hỗ trợ người dân, tháng 8/2018, HTX Thanh niên Bắc Kạn (thôn Nà Cà, xã Nguyên Phúc) tái cơ cấu lại, chuyển sang lĩnh vực chưng cất tinh dầu, đổi tên thành HTX Hương Ngàn với 9 thành viên tham gia, do chị Dương làm Giám đốc.
"Nhà khoa học" của nhà nông
Không chỉ thử nghiệm và đưa vào sản xuất thành công nhiều loại tinh dầu từ thiên nhiên như tinh dầu sả, quế, bưởi, gừng, nghệ…, mấy năm gần đây, chị Dương còn được biết đến là một nữ giám đốc HTX năng động, không ngừng học hỏi và ứng dụng công nghệ, tạo ra những sản phẩm có giá trị cao từ vỏ cam, quýt.
Chị Dương cho biết, do diện tích ngày càng tăng nên người trồng quýt ở địa phương thường hay rơi vào cảnh “được mùa mất giá, được giá mất mùa”. Đầu ra khó khăn, lại có ít cơ sở chế biến quýt là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng này và phụ thuộc hoàn toàn vào thương lái. Xác định rõ hạn chế này, chị Dương đã tích cực nghiên cứu thị trường, vùng nguyên liệu và đi đến quyết định chế biến sâu các sản phẩm từ quýt.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam (phải), Bộ trưởng Bộ KH&CN Huỳnh Thành Đạt (trái) trao Bằng khen tôn vinh "Nhà khoa học của nhà nông" năm 2020 cho Giám đốc HTX Hương Ngàn Vi Thùy Dương (giữa). |
Từ cơ sở chế biến vốn có, cũng trong năm 2018, HTX tiếp tục đầu tư máy móc và bắt tay vào chiết xuất tinh dầu quýt. Những quả quýt khi thu mua về chỉ sử dụng vỏ để chưng cất lấy tinh dầu, phần ruột quả đem ủ vi sinh làm phân bón cho cây trồng. Tuy nhiên, nhìn số lượng lớn ruột quả không mang lại giá trị kinh tế khiến chị Dương luôn trăn trở.
“Nếu chỉ dừng lại ở sản xuất tinh dầu thì đã được coi là thành công đối với HTX. Nhưng với những người nông dân gắn bó với cây quýt, việc bán quả tươi theo mùa vụ thì giá cả sẽ luôn phụ thuộc vào thương lái. Chỉ khi nào quả quýt có nhiều lựa chọn thì khi đó giá trị mới được nâng lên”, chị Dương chia sẻ.
Ý tưởng làm ra sản phẩm nước vang quýt từ đó mà hình thành. Mặc dù là bước đi mới nhưng đã thành công, tạo nên chuỗi giá trị trong chế biến sản phẩm từ quả quýt bản địa. Nhờ chế biến đa dạng sản phẩm từ quýt mà giá trị của cây quýt bản địa đã được nâng lên. Qua đó góp phần tăng thêm thu nhập cho bà con từ việc tận dụng, thu mua quýt rụng, quýt bi. Trung bình mỗi năm, HTX chế biến hơn 50 tấn quýt, lợi nhuận thu được 23.636.000 đồng/tấn.
“Thông qua việc chế biến quýt được xử lý theo chuỗi, chế biến thành nhiều sản phẩm khác nhau đã tăng giá trị lên nhiều lần so với việc bán quýt thô, hơn nữa còn tận dụng được quýt rụng, quýt loại và quýt bi để đưa vào sản xuất, góp phần tăng thêm thu nhập cho bà con”, chị Dương nói.
Với đề tài chế biến nâng cao chuỗi giá trị sản phẩm từ quả quýt bản địa với tinh dầu quýt, năm 2020, chị Dương là một trong những cá nhân xuất sắc được vinh danh tại Lễ tôn vinh “Nhà khoa học của nhà nông” lần thứ 3 do Trung ương Hội Nông dân Việt Nam chủ trì phối hợp với Bộ NN&PTNT, Bộ KH&CN, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam tổ chức. Đây cũng là động lực để chị tiếp tục gắn bó với mảnh đất quê hương, cùng bà con nông dân sản xuất, vươn lên phát triển bền vững.
Mở rộng thị trường tiêu thụ
Theo chị Dương, khi bắt tay vào làm nước vang quýt, chị phải đầu tư nhiều thời gian nghiên cứu, học hỏi để tìm ra công thức, quy trình phù hợp. Vì là nước quả tươi nên tỷ lệ pha chế cần chính xác. Ruột quả sau khi lột vỏ thì được bổ sung thêm đường, mục đích là để giảm chua, có độ ngọt vừa phải, sau đó được cấy men vi sinh, rồi ủ trong khoảng thời gian nhất định, khi đạt thì đem lọc thành phẩm. Một quy trình chung để sản xuất là như vậy nhưng trên thực tế, chị Dương đã phải trải qua rất nhiều lần thử nghiệm mới có thể cho ra chất lượng mong muốn, và đạt các tiêu chuẩn cần thiết.
Chị Đỗ Thị Thái Hà, Phó Giám đốc HTX Hương Ngàn cho biết, mặc dù không thông qua các đại lý, các đầu mối tiêu thụ nhưng sản phẩm nước vang quýt lan tỏa rất nhanh đến với người tiêu dùng và nhận được nhiều phản hồi tích cực. Bản thân chị cũng như các thành viên HTX rất nể phục tinh thần sáng tạo, quyết tâm của Giám đốc Vi Thùy Dương.
Đại diện HTX Hương Ngàn giới thiệu các sản phẩm của đơn vị cho Tập đoàn Sao Thái Dương để lựa chọn và ký kết hợp đồng thu mua sản phẩm. |
“Hiện, sản phẩm đã có đầy đủ tem nhãn, mã vạch, được thiết kế dưới dạng chai 330ml. Do hiệu quả đem lại qua các năm, bước sang năm 2021, HTX đang mở rộng quy mô sản xuất để nâng số lượng nước vang quýt thành phẩm, mở rộng thị trường tiêu thụ”, chị Hà phấn khởi nói.
Không chỉ dừng lại ở nước vang quýt, chị Dương còn bắt tay vào chế biến mứt quýt. Theo đó, chị tận dụng những quả quýt bi, quýt loại nhỏ có giá thành rẻ, bà con khó tiêu thụ trên thị trường. Không giống như những loại mứt khác, mứt quýt do chị Dương chế biến có vị ngăm đắng của trần bì, màu sậm cánh gián nhưng lại rất tốt cho người bị ho, giảm triệu chứng đầy hơi, hôi miệng. Những miếng mứt không sử dụng đường, mà được tẩm mật ong rừng cùng với nước gừng gió, sau đó đem sấy dẻo.
“Khi bắt tay làm bất cứ sản phẩm gì, tôi đều đặt ra câu hỏi “sản phẩm có ích cho người sử dụng không?”. Chính vì điều này mà tôi cùng các thành viên HTX luôn đặt chất lượng lên hàng đầu, từng bước đưa những sản phẩm thực sự hữu ích đến với người tiêu dùng”, chị Dương chia sẻ.
Nhằm mở rộng thị trường, ổn định đầu ra, HTX Hương Ngàn thường xuyên tham gia các hội chợ thương mại, hội chợ kết nối và các chương trình khởi nghiệp trên toàn quốc. Hiện, các sản phẩm tinh dầu của HTX được phân phối chủ yếu tại thị trường bán lẻ trong và ngoài tỉnh, như: Hà Nội, Lạng Sơn, Sơn La, Thái Nguyên… HTX cũng thiết lập gian hàng giới thiệu sản phẩm tại cửa hàng miễn thuế Hữu Nghị (cửa khẩu Hữu Nghị, Lạng Sơn) để tiếp cận khách hàng, đẩy mạnh xuất khẩu ra thị trường nước ngoài.
Phạm Duy