Anh Phan Văn Tuân, Giám đốc HTX Trần Phú cho biết, hiện nay mức sản xuất của HTX Trần Phú chưa đủ để cung cấp cho thị trường. Chia sẻ về những dự định trong thời gian tới, Giám đốc Phan Văn Tuân cho biết, HTX dự kiến sẽ mở rộng sản xuất nhằm đáp ứng với nhu cầu thị trường...
Phấn đấu nhiều HTX đạt tốt, khá
"Chúng tôi mong muốn các cấp có thẩm quyền tiếp tục hỗ trợ HTX mở rộng vùng sản xuất và tiếp cận với các cơ chế, chính sách ưu đãi để phát triển HTX, tạo sinh kế bền vững cho bà con dân tộc thiểu số”, ông Tuân nói.
Các HTX mong muốn được tạo điều kiện để mở rộng quy mô sản xuất, chăn nuôi. |
Trong khi đó, bà Nguyễn Thị Hoan - Giám đốc HTX Tài Hoan mong muốn sản phẩm của HTX chinh phục được nhiều thị trường, từ đó quay trở lại giúp nhiều người dân địa phương có được công ăn việc làm ổn định, thu nhập được nâng cao. Điều này cần chính sách hỗ trợ của địa phương, Chính phủ trong việc giúp các HTX xúc tiến quảng bá sản phẩm của mình đến nhiều thị trường trên thế giới.
Theo phản ánh hiện nay, các HTX, THT trên địa bàn huyện Na Rì cơ bản đã chú trọng sản xuất theo hướng an toàn, xây dựng thương hiệu, nhãn mác cho sản phẩm, từng bước hình thành vùng sản xuất hàng hóa tập trung. Tuy nhiên, hầu hết còn khó khăn trong việc liên kết sản xuất, tiêu thụ; một số HTX sản xuất mang tính thời vụ, quy mô nhỏ; kiến thức về kinh doanh còn nhiều hạn chế; hoạt động sản xuất, kinh doanh còn đơn điệu, manh mún, chưa năng động, chậm khắc phục tình trạng khó khăn, yếu kém; việc tiếp cận các nguồn vốn vay còn rất khó khăn...
Trước thực tế trên, ông Phạm Ngọc Thịnh, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Na Rì cho biết: Huyện đặt mục tiêu phát triển kinh tế tập thể, HTX tập trung phát triển ngành nghề có giá trị kinh tế cao, có tiềm năng phát triển gắn với lợi thế của từng địa phương.
Đặc biệt, Huyện Na Rì đang có chính sách thu hút doanh nghiệp, nhân lực về địa phương, cơ chế hỗ trợ về đất đai, tạo điều kiện thuận lợi về môi trường kinh doanh cho các doanh nghiệp.
“Vì vậy, chúng tôi tập trung phát triển HTX để xây dựng các chuỗi giá trị của sản phẩm, tạo sự liên kết chặt chẽ giữa vùng nguyên liệu - sản xuất - tiêu thụ, giúp người dân yên tâm sản xuất, nâng cao thu nhập. Trong tương lai, chúng tôi định hướng liên kết các HTX thành liên hiệp để sản xuất hàng hóa quy mô lớn mà vẫn đảm bảo chất lượng”, ông Thịnh nói.
Tập trung hỗ trợ cho HTX
Trong khi đó, ông Hoàng Văn Thiên, Bí thư Huyện ủy Na Rì cho biết, xác định Na Rì là huyện miền núi, giao thông hiện nay chưa thuận lợi, nên phát triển công nghiệp hay dịch vụ, du lịch là chưa phù hợp. Vì vậy, định hướng phát triển kinh tế bền vững cho nhân dân các dân tộc trên địa bàn huyện là sản xuất nông, lâm nghiệp.
Huyện Na Rì chú trọng công tác xóa đói giảm nghèo bằng cách hỗ trợ phát triển các mô hình sản xuất hiệu quả cho đồng bào dân tộc thiểu số. |
"Chúng tôi lựa chọn các mô hình kinh tế về trồng cây, chăn nuôi hiệu quả để nhân rộng. Ví dụ như lợn đen hoặc gia súc,… Huyện đã xây dựng các phương án thực hiện trong thời gian tới là phát triển nông, lâm nghiệp phải bài bản, tập trung mới nâng cao được đời sống người dân”, Bí thư Huyện ủy Na Rì nhấn mạnh.
Cũng cần nói thêm, thời gian qua, huyện Na Rì luôn chú trọng công tác xóa đói giảm nghèo thông qua việc phát triển các HTX kiểu mới, đây chính là nền tảng quan trọng để xây dựng thành công Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống người dân.
Xuất phát từ mục tiêu đó, về trước mắt và lâu dài, huyện sẽ triển khai nhiều chương trình, dự án ưu tiên cho vùng đồng bào các dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa. Đồng thời, tổ chức thực hiện tốt Chương trình 135, Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới, phát triển sản phẩm OCOP…
Những hiệu quả thiết thực mà các chương trình, dự án mang lại đã góp phần cải thiện cơ sở hạ tầng vùng nông thôn, nâng cao dân trí, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân, tạo động lực quan trọng đẩy nhanh công tác xoá đói giảm nghèo cho đồng bào các dân tộc thiểu số.
Đặc biệt, tháng 4 vừa qua, tỉnh Bắc Kạn cũng ban hành Nghị quyết Hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh lần thứ ba (khóa XII) về phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã. Cụ thể, đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2025, toàn tỉnh có ít nhất 2 liên hiệp HTX, 350 HTX, trong đó có khoảng 70% là HTX nông nghiệp và nông nghiệp tổng hợp; tỷ lệ HTX hoạt động khá, tốt đạt từ 75% trở lên; thu nhập bình quân các thành viên HTX đạt 6 triệu đồng/người/tháng; trung bình mỗi HTX có từ 15 thành viên trở lên; có ít nhất 20% hộ nông dân sản xuất nông nghiệp tham gia thành viên THT, HTX hoặc có liên kết sản xuất với HTX, doanh nghiệp.
Để triển khai thực hiện, tỉnh sẽ tập trung vào các giải pháp trong lãnh đạo, chỉ đạo; công tác tuyên truyền; vận dụng triển khai có hiệu quả các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước về hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể, HTX; nâng cao hiệu quả hoạt động của các tổ chức kinh tế tập thể; nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về kinh tế tập thể, HTX; tăng cường vai trò, trách nhiệm của Liên minh HTX tỉnh...
Những giải pháp này nếu được đẩy mạnh thực hiện, chắc chắn sẽ tạo điều kiện để khu vực kinh tế tập thể, HTX của tỉnh Bắc Kạn phát triển hơn nữa trong thời gian tới, trong đó có huyện Na Rì.
Thy Lê