Trong khi các vùng trồng dong riềng lớn như Tam Đường (Lai Châu), Bình Liêu (Quảng Ninh), Thái Nguyên,... đang gặp khó khăn trong việc mở rộng quy mô, sản xuất hàng hóa tập trung vì đất đai nhỏ hẹp, xen kẽ thì ở xã Côn Minh (huyện Na Rì) lại “hóa giải” hết vướng mắc đó. Nhờ có diện tích đất nông nghiệp lớn, HTX miến dong Huấn Liên đã góp phần hoàn thiện chuỗi, nâng tầm giá trị sản phẩm địa phương.
Chuyển biến theo nhu cầu thị trường
Thời điểm này, làng miến dong Côn Minh đang rộn rã chuẩn bị vào vụ chính sản xuất phục vụ cho những đơn hàng dịp cuối năm. Miến dong HTX Huấn Liên được lựa chọn là sản phẩm OCOP 3 sao cấp tỉnh và người tiêu dùng ưa chuộng với hương vị thơm ngon, dai, ngọt đặc trưng.
HTX Huấn Liên chú trọng đầu tư vào nhãn hiệu, bao bì để nâng cao giá trị miến dong. |
Cứ vào độ tháng 9 hằng năm, từ 2-3 giờ sáng, công nhân và các thành viên ở xưởng sản xuất miến dong của HTX Huấn Liên đã thức dậy bắt tay vào công việc, chờ cho đến sương tan, ánh mặt trời tỏa xuống thung lũng thì mang những mảng miến đã cắt ra phơi.
Không biết từ bao giờ, cây dong riềng đã bén rễ và sinh sôi ở vùng đất Côn Minh. Do hợp khí hậu thổ nhưỡng, củ dong riềng cho chất lượng cao, có gốc cho củ lên đến 20kg, ít xơ, nhiều bột, vị ngọt dịu, thơm nhẹ. Tuy nhiên, trước đây việc sản xuất chủ yếu theo quy mô hộ gia đình nên chưa phát triển được thương hiệu và nâng cao giá trị sản xuất.
Sự ra đời và đi vào hoạt động của HTX miến dong Huấn Liên (năm 2020) là một trong những yếu tố quan trọng giúp người dân nơi đây từng bước thay đổi cuộc sống, bởi nguồn thu nhập từ miến mang lại có thể cao gấp 15-20 lần thu nhập so với trồng lúa.
Ông Trịnh Xuân Huân, Giám đốc HTX miến dong Huấn Liên kể lại: Nghề làm miến dong của gia đình đã có từ lâu đời. Khi đó, miến hoàn toàn được làm theo phương thức thủ công, quy mô nhỏ lẻ, nên số lượng cung cấp ra tương tương đối ít. Nối nghiệp gia đình, ông Huấn không chỉ muốn làm nghề kiếm sống mà còn mong muốn sản phẩm miến có thương hiệu trên thị trường.
Thời gian qua, HTX Huấn Liên đã đầu tư hơn 500 triệu đồng đưa máy móc, công nghệ vào sản xuất, chế biến, kết hợp với phương pháp làm miến truyền thống. Bởi vậy, sản phẩm miến dong ở đây không những vẫn giữ được chất lượng đặc trưng, mà còn tăng thêm giá trị thẩm mỹ, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Đến nay, trung bình mỗi năm, HTX sản xuất được khoảng hơn 60 tấn miến khô.
Ngoài đầu tư cơ sở vật chất, HTX còn tổ chức các lớp tập huấn để người nông dân nắm bắt được kỹ thuật trồng, chăm sóc dong riềng và lập phương án phù hợp với nhu cầu sản xuất, kinh doanh.
Khi nương lúa chín vàng thu hoạch xong, cũng là lúc bà con đồng bào dân tộc vùng cao Côn Minh cùng thành viên HTX bắt tay vào thu hoạch dong riềng - nguyên liệu chính để sản xuất miến dong.
Nhờ sản xuất khoa học, thay đổi giống mới, vùng nguyên liệu dong riềng của HTX Huấn Liên phát triển tốt, phù hợp với điều kiện tự nhiên của địa phương, ít bị sâu bệnh, mang tín hiệu đầy triển vọng với năng suất trung bình trên 20 tấn/ha và cho lượng bột nhiều hơn 2 - 3 lần so với giống cũ ở địa phương.
Nắm bắt được phương pháp sản xuất cùng sự hỗ trợ của máy móc hiện đại, bà Phạm Thị Liên, thành viên HTX đã giảm được chi phí lao động và cho ra những sản phẩm miến dong sạch, bảo đảm vệ sinh an toàn.
“Trước làm thủ công cả năm chỉ được vài ba tấn miến, nhưng từ khi đầu tư máy móc đến nay, gia đình tôi đã sản xuất được hơn 10 tấn. Hơn nữa, miến cũng sạch hơn, đẹp hơn nên làm ra đến đâu bán hết đến đó”, bà Liên phấn khởi nói.
Chú trọng sản xuất hữu cơ bền vững
Những năm gần đây, nhu cầu đảm bảo chất lượng và vệ sinh an toàn thực phẩm của thị trường đối với miến dong ngày càng tăng cao, vì thế, HTX Huấn Liên đã chuyển sang trồng dong riềng lai DR1 theo phương pháp hữu cơ.
Để có nguồn nguyên liệu an toàn, HTX đã ký hợp đồng thu mua 1.000 tấn dong riềng/năm của thành viên, bà con tại địa phương. |
Với phương châm không chạy theo số lượng mà tập trung chỉ đạo sản xuất, HTX chế biến sản phẩm OCOP theo hướng “tinh”, đặc sản, giá trị cao.
Ban lãnh đạo HTX cho biết, sở dĩ là miến dong sạch là bởi HTX sản xuất theo quy trình khép kín. Theo đó, từ khâu trồng, chăm sóc, thu hoạch dong riềng, đến làm bột dong và sản xuất miến dong thành phẩm đều được HTX giám sát chặt chẽ, đảm bảo đúng quy trình kỹ thuật và đáp ứng các tiêu chí về vệ sinh an toàn thực phẩm.
Theo ban lãnh đạo, khi chưa được tỉnh hỗ trợ xây dựng thương hiệu, sản phẩm OCOP, quảng bá, miến dong tại HTX dù có tiếng nhưng chỉ bán loanh quanh vài tỉnh miền núi phía Bắc. Đến nay, miến dong Huấn Liên đã có mặt từ Nam chí Bắc, xây dựng chuỗi cung ứng được với các đại lý tiêu thụ ở Hà Nội, Bắc Ninh, Bắc Giang, Thái Nguyên,… ổn định thị trường.
Hiện, sản phẩm “Miến dong Huấn Liên” đã được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KHĐT) cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu hàng hóa; Sở Y tế xác nhận công bố phù hợp quy chuẩn an toàn thực phẩm.
“Khi có thương hiệu, khẳng định được chỗ đứng trên thị trường, HTX Huấn Liên sẽ từng bước nhân rộng vùng nguyên liệu, nâng cao giá trị tiềm năng địa phương”, ông Huấn nhấn mạnh.
Năm vừa qua, sản lượng của HTX đạt khoảng 70 tấn, giá bán tại xưởng 50.000 đồng/kg, mang lại nguồn thu nhập khá ổn định cho các thành viên, trung bình khoảng 5,5 - 6 triệu đồng/tháng.
Mặc dù, ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, nhưng hiện HTX vẫn cố gắng duy trì sản xuất và đảm bảo thu nhập cho mỗi thành viên từ 4 - 4,5 triệu đồng/tháng.
Hiện, HTX có 3 loại miến là miến sợi to, sợi nhỏ và miến rút; mẫu mã, bao bì sản phẩm đẹp mắt, đóng gói 0,25 kg và 0,5 kg cho phù hợp với nhu cầu của khách hàng.
Các sản phẩm miến của HTX đều có đầy đủ tem nhãn, mã vạch để truy xuất nguồn gốc, đạt các tiêu chuẩn về an toàn vệ sinh thực phẩm. Ngoài việc tập trung nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm thì HTX cũng nỗ lực quảng bá, giới thiệu sản phẩm, hàng hóa, khai thác và tìm kiếm, mở rộng thị trường.
Tuy nhiên, để thúc đẩy tiềm năng dong riềng ở địa phương phát triển bền vững, HTX Huấn Liên nói riêng và các HTX miến dong của huyện Na Rì nói chung rất cần những chính sách, cơ chế linh hoạt để thu hút doanh nghiệp đầu tư phát triển kinh tế nông nghiệp.
Vừa qua, UBND tỉnh Bắc Kạn đã xem xét và phê duyệt kế hoạch đầu tư chiến lược phát triển chuỗi giá trị dong riềng giai đoạn 2021 - 2023, với mục tiêu xây dựng các mối liên kết, phát triển trở thành chuỗi giá trị bền vững, ổn định, lâu dài với quy mô sản xuất tập trung, chuyên canh trên cơ sở khai thác các lợi thế về điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội và thị trường trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn.
Huyền Thương