Tỉnh Bắc Kạn có nhiều tiềm năng và lợi thế để phát triển nông nghiệp hữu cơ. Đơn cử như quỹ đất để quy hoạch sản xuất nông nghiệp tập trung chưa khai thác hết, nguồn nguyên liệu hữu cơ khá phong phú. Cùng với đó, nhiều cơ chế mở hiện nay đang từng bước giúp HTX tăng gia sản xuất các sản phẩm hữu cơ. Đây là bước đệm vững chắc để tỉnh Bắc Kạn sớm trở thành vùng sản xuất nông nghiệp hữu cơ của khu vực miền núi phía Bắc.
Những mô hình hiệu quả
Thực hiện Đề án “Cơ cấu lại ngành nông nghiệp tỉnh Bắc Kạn theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững giai đoạn 2020-2025, tầm nhìn đến 2035”, nhiều mô hình sản xuất hữu cơ đã hình thành trên địa bàn tỉnh, trong đó có vai trò tiên phong của các HTX.
Nông nghiệp hữu cơ đã và đang được các HTX, nhà sản xuất và người tiêu dùng đặc biệt quan tâm |
Có thể kể đến HTX Phúc Ba (xã Quảng Khê, huyện Ba Bể) với mô hình dưa lưới. Ông Lý Phúc Ba người dân tộc Dao, Giám đốc HTX chia sẻ: Đây là loại cây ngắn ngày, phát triển rất nhanh nên đòi hỏi người trồng phải am hiểu đặc tính sinh trưởng và thường xuyên theo dõi, kiểm tra để kịp thời bổ sung chất dinh dưỡng đúng thời điểm.
Với mong muốn tạo ra sản phẩm sạch, bảo đảm chất lượng, HTX đã thay thế phân bón hóa học bằng nguồn phân hữu cơ, sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật sinh học để diệt trừ sâu bọ, côn trùng gây hại cây trồng. Sản phẩm đã được Liên hiệp HTX Nông dược và Du lịch cộng đồng Bắc Kạn hỗ trợ kết nối, tiêu thụ tại các thị trường trong và ngoài tỉnh.
Trong khi đó, HTX Hoàn Thành (xã Phương Viên, huyện Chợ Đồn) canh tác lúa Nhật Japonica và lúa Bao Thai theo hướng hữu cơ, không sử dụng các loại phân bón, thuốc trừ sâu hóa học. Cây lúa được chăm sóc kỹ nên kháng bệnh tốt, hạt mẩy. Sản phẩm gạo bán ra thị trường có thêm thông tin về quy trình canh tác hữu cơ in trên bao bì, nhằm quảng bá, thu hút người tiêu dùng.
Còn HTX Yến Dương (xã Yến Dương, huyện Ba Bể) lựa chọn giống lúa Nếp Tài trồng thử nghiệm ở các thôn vùng cao nhằm khai thác lợi thế về nguồn đất, nước ít bị ô nhiễm, khí hậu trong lành, đồng thời thay đổi tập quán canh tác, nâng cao kiến thức cho bà con nông dân.
Trước đó, diện tích gieo trồng cũng được làm sạch thông qua việc dẫn nước vào chân ruộng, làm tơi xốp để tăng độ phì nhiêu, tăng hàm lượng dinh dưỡng trong đất. Với diện tích 3ha của 21 hộ thành viên người dân tộc Tày, năng suất, sản lượng lúa vụ mùa đã tăng lên, trước đây chỉ đạt từ 2,5 tạ/1.000m2, nay đạt 3,2 tạ.
Trao đổi về tiềm năng phát triển nông nghiệp hữu cơ trên địa bàn, nhất là sự tham gia tích cực của các HTX, tổ hợp tác trong lĩnh vực này, ông Dương Văn Huấn, Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh Bắc Kạn cho hay: “Thời gian gần đây, các cấp, ngành đã chú trọng đến phát triển nông nghiệp hữu cơ, đặc biệt từ khi Chính phủ ban hành Nghị định 109 về nông nghiệp hữu cơ, trong đó có nhiều chính sách hỗ trợ HTX, hộ gia đình sản xuất nông nghiệp hữu cơ vùng đồng bào DTTS. Vì vậy, xu hướng phát triển nông nghiệp hữu cơ đã và đang được các HTX, nhà sản xuất và người tiêu dùng đặc biệt quan tâm”.
Định hướng cho sản xuất hữu cơ
Phát triển nông nghiệp hữu cơ là một hướng đi có tiềm năng, lợi thế phát triển. Tuy nhiên, thực tế thời gian qua, sản xuất nông nghiệp hữu cơ ở Bắc Kạn, đặc biệt là vùng khó khăn, vùng đồng bào DTTS phát triển thiếu đồng bộ, mang tính phong trào. Các mô hình sản xuất hiện tại ở vùng DTTS chưa tận dụng được hết lợi thế bởi quy mô nhỏ lẻ, chưa có vùng tập trung, chưa có tiêu chuẩn đối với các sản phẩm, chưa có định hướng chiến lược sản xuất, tiêu thụ.
Khi tham gia HTX, thành viên được tạo việc làm, giúp tiêu thụ sản phẩm và tăng thu nhập |
Để giải quyết vấn đề này, theo ông Hà Phúc Mịch, Chủ tịch Hiệp hội nông nghiệp hữu cơ Việt Nam, tỉnh Bắc Kạn cần hoàn thiện hệ thống chính sách theo tiêu chuẩn, quy chuẩn sản xuất, chế biến.
Đồng thời, hướng dẫn về phát triển sản phẩm nông nghiệp hữu cơ từ sản xuất đến tiêu thụ, có cơ chế khuyến khích các HTX và đồng bào DTTS tham gia phát triển nông nghiệp hữu cơ, nâng cao nhận thức cho các HTX, nhà sản xuất tuân thủ quy trình sản xuất nông nghiệp hữu cơ, bảo đảm chất lượng sản phẩm.
Bên cạnh đó, rà soát, nghiên cứu sửa đổi, bổ sung, ban hành mới các chính sách thu hút thúc đẩy phát triển nông nghiệp, phát triển các loại cây trồng, vật nuôi, thủy sản có giá trị kinh tế cao.
Trong kế hoạch phát triển, tỉnh Bắc Kạn đặt mục tiêu đến năm 2025, khu vực DTTS có 40% các sản phẩm nông, lâm nghiệp chủ lực (gỗ, dược liệu, cam, quýt, hồng không hạt, trâu, bò, lợn, miến dong, chè) có truy xuất nguồn gốc và đạt các tiêu chuẩn hữu cơ hoặc VietGAP, 30% sản phẩm miến dong đạt tiêu chuẩn sản phẩm hữu cơ, 100% diện tích cây ăn quả đạt các tiêu chuẩn về vệ sinh an toàn thực phẩm, trong đó ít nhất 50% được cấp giấy chứng nhận sản phẩm hữu cơ.
Ngoài ra, tỉnh đã thực hiện các đề tài, dự án khoa học trong lĩnh vực nông nghiệp vùng DTTS sản xuất theo hướng hữu cơ như: “Ứng dụng khoa học công nghệ tổ chức sản xuất, chế biến và tiêu thụ chè Shan tuyết tại Bằng Phúc, huyện Chợ Đồn tỉnh Bắc Kạn”, “Xây dựng mô hình phục tráng bí xanh thơm Ba Bể đảm bảo năng suất cao, chất lượng tốt”, chương trình xây dựng nông thôn mới, phát triển sản phẩm OCOP.
“Có thể nói, sản xuất nông nghiệp hữu cơ nói chung và tại vùng đồng bào DTTS tỉnh Bắc Kạn nói riêng không còn là vấn đề kỹ thuật mà là vấn đề chính sách. Chính phủ và các Bộ, ngành có liên quan đến nông nghiệp hữu cơ cần có những chính sách cụ thể, khả thi để hỗ trợ nông nghiệp hữu cơ phát triển, như: Quy hoạch và bảo vệ đất đai và nguồn nước hiện chưa hoặc ít bị ô nhiễm và còn thích hợp cho sản xuất nông nghiệp hữu cơ theo hướng hàng hóa. Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ vốn sản xuất, ưu đãi cho các tổ chức, cá nhân tham gia sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp hữu cơ. Đồng thời, hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn sản xuất, chế biến, chứng nhận chất lượng, thanh tra, giám sát liên quan đến nông nghiệp hữu cơ; hỗ trợ HTX xây dựng thương hiệu, phát triển thị trường và quảng bá sản phẩm”, ông Mịch lưu ý.
Minh Thành