Nông thôn mới là công cuộc thay đổi, phát triển nông nghiệp, nông thôn theo hướng bền vững. Chính vì vậy, Gia Lâm đã tập trung chỉ đạo quyết liệt việc triển khai thực hiện chương trình xây dựng Nông thôn mới (NTM) trên địa bàn. Các nguồn lực xây dựng NTM được khai thác tối đa, góp phần làm thay đổi bộ mặt nông thôn, từng bước cải thiện đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân.
Với sự nỗ lực của hệ thống chính trị và sự chung tay, góp sức của toàn thể nhân dân địa phương, đến nay, diện mạo của huyện có bước thay đổi căn bản. Đến nay, 20/20 xã đạt chuẩn NTM. Gia Lâm cũng đã hoàn thành 9/9 tiêu chí của huyện NTM.
Thúc đẩy nông nghiệp
Trong quá trình xây dựng nông thôn mới, không ít mô hình sản xuất của các xã đã trở thành điểm nhấn trong phát triển nông nghiệp nông thôn của huyện. Tiêu biểu là mô hình nuôi trùn quế từ phân bò của HTX Phát triển nông nghiệp và Dịch vụ thương mại Hiệp Thư ở xã Phù Đổng, không những mở hướng đi mới về phát triển kinh tế mà mô hình của HTX còn góp phần bảo vệ môi trường vì đã xử lý khối lượng lớn phân của đàn bò sữa.
Mô hình sản xuất rau an toàn của HTX Văn Đức đã đáp ứng nhu cầu rau sạch của thị trường. Nhờ chú trọng sản xuất theo chuẩn VietGAP, làm tốt công tác liên kết, tiêu thụ, mỗi ngày, HTX cung cấp ra thị trường trung bình 100 tấn rau.
Gia Lâm đã hình thành được một số vùng chuyên canh cây trồng |
Đặc biệt, trong lĩnh vực nông nghiệp, huyện thực hiện các mô hình sản xuất nông nghiệp theo quy hoạch vùng, ứng dụng một số mô hình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Hiện, Gia Lâm đã hình thành nhiều vùng sản xuất chuyên canh tập trung và chăn nuôi trang trại cho hiệu quả cao như vùng lúa nếp cái hoa vàng rộng 100ha tại xã Dương Xá, vùng rau an toàn tại xã Văn Đức, Đặng Xá, chăn nuôi tập trung tại xã Phù Đổng, Lệ Chi...
Diện tích các loại cây trồng có giá trị kinh tế cao ngày càng tăng như: Rau, hoa, cây cảnh, cây ăn quả… hình thành nhiều mô hình sản xuất cho thu nhập 300 - 500 triệu đồng/ha/năm, thậm chí 700 triệu - 1 tỷ đồng/năm, một số vùng rau chuyên canh giá trị thu nhập đạt 400 - 500 triệu/ha/năm. Điều đặc biệt là các vùng sản xuất này đều do các HTX làm bệ đỡ, liên kết người dân cùng sản xuất.
Thay đổi toàn diện
Để tạo đột phá trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng, Gia Lâm luôn coi trọng công tác quy hoạch và dự báo thị trường cho sản phẩm. Từ đó, căn cứ vào điều kiện thực tế của mỗi địa phương để xác định quy mô, loại cây trồng chuyển đổi cho phù hợp.
Cụ thể, tại các xã có tốc độ đô thị hóa nhanh, diện tích đất nông nghiệp còn ít, huyện định hướng chuyển đổi sang các mô hình công nghệ cao. Đối với các xã vùng bãi, huyện hỗ trợ về hạ tầng đường điện, giao thông nội đồng, đặc biệt là xây dựng thương hiệu cho sản phẩm chủ lực để nông dân thuận lợi tiêu thụ.
Huyện Gia Lâm cũng đã đạt nhiều kết quả tích cực khi tăng trưởng kinh tế cao, phát triển toàn diện. Tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn 2010 - 2018 là 12,7%. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực, tỷ trọng ngành công nghiệp - xây dựng, thương mại - dịch vụ tăng; tỷ trọng ngành nông nghiệp - thủy sản giảm mạnh, tăng tỷ trọng thương mại - dịch vụ và công nghiệp - xây dựng, giảm tỷ trọng ngành nông nghiệp. Tính đến tháng 6/2019, giá trị sản xuất các ngành kinh tế chủ yếu do huyện quản lý ước tăng 10,37% so với cùng kỳ năm trước.
Từ năm 2010 đến tháng 6/2019, tổng nguồn vốn xây dựng NTM trên địa bàn huyện Gia Lâm đạt trên 5.015 tỷ đồng, trong đó, có có trên 550 tỷ đồng vốn ngoài ngân sách. Huyện đã đầu tư xây dựng, cải tạo, nâng cấp 227km đường giao thông, 68km kênh cấp 3; đầu tư đồng bộ trên 411km hệ thống chiếu sáng; xây dựng mới và cải tạo, sửa chữa 151 điểm trường học, 3 trung tâm văn hóa tại các xã, 188 nhà văn hóa tại các thôn...
Không chỉ đồng bộ về thiết chế văn hóa, đường giao thông, thủy lợi, Gia Lâm còn nổi bật với hệ thống cơ sở vật chất trường học được đầu tư khang trang, hiện đại, đáp ứng tối đa nhu cầu dạy và học của thầy và trò trên địa bàn. Tiêu biểu như Trường Mầm non Lệ Chi (xã Lệ Chi) được đầu tư hiện đại, bảo đảm cơ sở vật chất cho sự chăm sóc, giáo dục tốt nhất cho trẻ.
Phó Chủ tịch UBND huyện Gia Lâm Nguyễn Ngọc Thuần cho biết NTM đã giúp nâng cao đời sống cho người dân trong huyện. Nếu như năm 2010, thu nhập bình quân của huyện mới chỉ đạt 17,9 triệu đồng/người/năm thì đến năm 2018, mức thu nhập bình quân đã đạt 47,6 triệu đồng/người/năm.
Như Yến