Một trong những điểm nhấn quan trọng để thúc đẩy kinh tế địa phương là mô hình sản xuất của HTX Phát triển xanh. Đây là mô hình sản xuất theo hướng chú trọng chế biến, từ đó gia tăng giá trị sản xuất, đem lại hiệu quả kinh tế cho người dân, từ đó, thúc đẩy nhiều hộ giảm nghèo.
Chú trọng chế biến
Bình Liêu là một trong những địa phương nổi tiếng với cây sở (loài cây thuộc giống chè, được người dân Bình Liêu trồng để lấy hạt ép dầu). Không chỉ thu hút khách thập phương tới tìm hiểu, tham quan, cây sở còn mang lại giá trị kinh tế cao cho người dân.
Cây sở còn được huyện Bình Liêu quan tâm khi ban hành dự án khôi phục và phát triển cây sở. Nhận thấy thế mạnh, giá trị của cây sở, HTX Phát triển xanh đã đầu tư dây chuyền sản xuất dầu sở với công suất chế biến 5 tấn/ngày, sản lượng dầu đạt trên 1.000 lít/năm.
Cây sở mang lại giá trị kinh tế lớn cho người dân Bình Liêu |
Nếu như trước đây, cây sở được người dân trồng, thu hoạch theo quy mô hộ và chủ yếu xuất sang Trung Quốc ở dạng hạt với giá thấp, bấp bênh. Người dân tự ép dầu để gia đình sử dụng, ít bán ra thị trường nên giá trị không cao.
“Từ khi Quảng Ninh nói chung và huyện Bình Liêu nói riêng triển khai chương trình “Mỗi làng một sản phẩm” (OCOP), nhận thấy giá trị kinh tế mà dầu sở mang lại, HTX đã mạnh dạn đầu tư thiết bị, máy móc để chế biến dầu sở xuất ra thị trường Ông Hoàng Tiến Thắng, Giám đốc HTX Phát Triển Xanh, cho biết.
Để có sản phẩm dầu sở chất lượng, quả tươi được HTX đứng ra thu mua, sau đó được vận chuyển về xưởng chế biến. Quả sở được ủ cho đến khi nứt, sau đó tách lấy hạt rồi đem phơi khô. Tiếp theo hạt sở được cho vào máy để tách riêng vỏ và phần lõi hạt bên trong. Sau đó, phần lõi hạt được đem rang khô bằng máy ở nhiệt độ 150 độ C trong 30 phút.
Hạt rang khô đủ độ sẽ được cho vào khuôn ép để lấy dầu thô. Sau đó, dầu thô tiếp tục được đưa vào máy lọc để gạn sạch phần bã còn sót lại và đóng vào chai hoặc can. Chính nhờ quy trình này mà sản phẩm dầu sở đạt chất lượng tốt nhất, có màu sắc bắt mắt và mùi thơm đặc trưng riêng. Dầu sở chứa nhiều dưỡng chất tốt cho cơ thể.
Hiện, mỗi ngày HTX bán ra thị trường gần 100 lít dầu sở với giá 300.000 đồng/lít. Trung bình mỗi năm, HTX sản xuất khoảng 2.000-3000 lít dầu sở để cung cấp cho thị trường trong nước và có thể xuất khẩu.
Sản phẩm dầu sở của HTX hiện mang thương hiệu “Dầu sở Bình Liêu” có tem, nhãn mác và trở thành thương hiệu của địa phương, được người tiêu dùng lựa chọn và đánh giá cao.
Ngoài ép dầu sở, HTX còn tận dụng các bộ phận của cây sở để phát triển đa dạng các mặt hàng như: quả bị xấu được sấy khô phục phụ nhu cầu làm màu thực phẩm, vỏ sở sấy khô được tận dụng làm chất đốt, than hoạt tính, phần bã thừa sau khi ép lấy dầu thô có tác dụng làm sạch đầm tôm, dùng sản xuất thuốc trừ sâu, làm phân bón với giá 10.000 đồng/kg…
Giúp người dân giảm nghèo
Để sản xuất ra dầu, HTX đã liên kết với người dân phát triển diện tích cây sở với diện tích hàng trăm ha. Theo Ban giám đốc HTX, việc huyện Bình Liêu tập trung phát triển khoảng 1.700ha sở với sản lượng 5.000 tấn hạt là điều kiện thuận lợi cho HTX bảo đảm đầu vào cho sản xuất.
Hiện nay, HTX cùng địa phương tích cực hướng dẫn kỹ thuật, hỗ trợ người dân trồng cây sở bảo đảm chất lượng thu hoạch để chế biến. Hiện nay, trung bình mỗi ha sở, những gia đình chăm sóc tốt thì có thể đạt năng suất đến gần 5 tấn/ha và được HTX thu mua với giá cao hơn thị trường 1,5-2000 đồng. Trung bình 1 ha sở người dân bán quả cho HTX thu về 40 triệu đồng. Trong đó, chi phí chăm sóc cây sở thấp.
Ông Nguyễn Văn Thái-xã Lục Hồn, cho biết: Đối với người dân xã Lục Hồn cây sở đang là cây trồng ưu tiên số 1 vì là cây giúp người dân giảm nghèo. Ngoài việc mang lại hiệu quả kinh tế cao, cây sở đang giữ cho đất xanh tốt, bảo vệ môi trường, nguồn nước. Người dân rất vui khi địa phương có chủ trương mở rộng diện tích trồng sở.
Ngoài tạo nguồn thu ổn định cho hàng trăm hộ dân trên địa bàn huyện, cơ sở sản xuất của HTX Phát triển xanh cũng đang tạo việc làm và thu nhập cho hàng chục lao động nông thôn với thu nhập 3-5,5 triệu đồng/người/tháng.
Hiện nay, phát triển cây sở là một trong những mục tiêu quan trọng của huyện Bình Liêu. Chính vì vậy, trong thời gian qua, huyện đã hỗ trợ đến 70% giá cây giống, cho người dân, đồng thời tích cực hỗ trợ HTX Phát triển xanh phát triển chuỗi sản xuất theo Chương trình xây dựng nông thôn mới và Chương trình 135. Đây là nền tảng quan trọng giúp phát triển kinh tế địa phương bền vững khi bảo đảm được quá trình sản xuất từ phát triển nguyên liệu đến chế biến và tiêu thụ.
Tuy mới có mặt trên thị trường được vài năm nay nhưng sản phẩm dầu sở do HTX Phát triển xanh sản xuất đã trở thành thương hiệu riêng có của Bình Liêu. Cây sở đã góp phần mở rộng vùng dược liệu trên địa bàn Quảng Ninh, góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động theo hướng tích cực, từ đó góp phần xóa đói giảm nghèo, nâng cao đời sống đồng bào dân tộc.
Số hộ nghèo của huyện cuối năm 2018 chỉ còn 840 hộ, bằng 11,35% tổng số hộ. Hộ thoát cận nghèo 769 hộ, hộ thoát nghèo chuyển cận nghèo là 612, hộ tái cận nghèo chỉ có 2, số hộ cận nghèo cuối năm 2018 là 1.250 hộ bằng 16,89% tổng số hộ. Điều này cho thấy giá trị mà cây sở mang lại là giúp người dân Bình Liêu vững tin hơn, cuộc sống ngày càng đổi mới ấm no hơn.
Huyền Trang