Nếp ngự hay còn gọi là nếp tiến vua là sản vật nổi tiếng có từ lâu đời của vùng đất Sa Huỳnh.
Bảo tồn giống nếp đặc trưng
Thiên nhiên ban tặng cho vùng đất ven biển Sa Huỳnh những cánh đồng có chất đất đặc biệt thích hợp để trồng nếp ngự (Ảnh: Tư liệu) |
Hạt nếp Sa Huỳnh dẻo và thơm đặc trưng so với những nơi khác. Đặc biệt là nếp ngự rất kén chọn đất. Chỉ có ở xã Phổ Châu và Phổ Thạnh (Đức Phổ) được thiên nhiên ban tặng cho những cánh đồng có chất đất đặc biệt thích hợp mới trồng được nếp ngự. Nếu đem giống nếp này đến trồng ở nơi khác thì sẽ không còn thơm ngon nữa. Cư dân nơi đây chỉ canh tác 2 vụ là đông xuân và vụ mùa, khoảng thời gian dịu mát trong năm.
Để bảo tồn giống nếp đặc sản vốn có tiếng với hạt to, tròn, dẻo, thơm hơn các loại nếp khác và quảng bá sản phẩm, nâng cao đời sống của người dân trong vùng, thời gian qua, UBND huyện Đức Phổ, Sở KH&CN Quảng Ngãi và chính quyền 2 xã Phổ Châu, Phổ Thạnh phối hợp xây dựng thương hiệu cho nếp ngự Sa Huỳnh.
Theo ông Nguyễn Tấn Lái, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Đức Phổ: Diện tích canh tác nếp Sa Huỳnh hiện gần 100ha với hơn 500 hộ dân tham gia sản xuất. Năng suất mỗi vụ hơn 40 tạ/ha. Vùng chuyên canh nếp ngự Sa Huỳnh được UBND tỉnh Quảng Ngãi chấp thuận với diện tích gần 218 ha. Trong đó, xã Phổ Thạnh gần 75ha, xã Phổ Châu hơn 143ha.
"Thời gian tới, chúng tôi sẽ tham mưu cho UBND huyện hỗ trợ kinh phí để HTX phục tráng, bảo tồn nguồn giống quý; kêu gọi đơn vị chức năng hỗ trợ kinh phí mở rộng diện tích trồng nếp, xây dựng cơ sở chế biến sản phẩm... nhằm đưa nếp ngự Sa Huỳnh đến với đông đảo người tiêu dùng...", ông Lái nói.
Là người rất tâm huyết với việc xây dựng thương hiệu nếp ngự Sa Huỳnh, ông Nguyễn Hoành Sơn - Chủ tịch HĐQT HTX Nông nghiệp xã Phổ Châu cho hay: Hiện nay, 2 xã đã dồn điển đổi thửa, xây dựng vùng chuyên canh trồng nếp ngự, với diện tích 128/217ha theo quy hoạch. Thời gian tới, rất mong các cấp tiếp tục hỗ trợ kinh phí để địa phương hoàn thành việc chỉnh trang, dồn điển đổi thửa, nhằm tạo thuận lợi cho việc phát triển vùng chuyên canh nếp ngự.
"Vừa qua, HTX đã tiến hành dồn điền đổi thửa được 34ha ở thôn Tấn Lộc và cũng đã thực hiện xong việc quy hoạch các xứ đồng ở các thôn Hưng Long, Châu Me, Vĩnh Tuy, với tổng diện tích gần 152ha để xây dựng thành vùng chuyên canh nếp ngự theo hướng sản xuất hàng hóa", ông Sơn cho biết thêm.
Đưa hương nếp ngự bay xa
Nếp ngự và sản phẩm từ nếp Sa Huỳnh tại hội chợ năm 2019 ở TP.HCM (Ảnh: Tư liệu) |
Để tạo điều kiện thuận lợi cho việc sản xuất, ông Sơn đã đề nghị cấp trên hỗ trợ mua máy cấy để việc canh tác của bà con được thuận lợi, giảm ngã đổ khi đến mùa mưa bão. Bên cạnh đó, HTX đã đề nghị cấp trên và kêu gọi thành viên đóng góp kinh phí xây dựng nhà xưởng, lắp đặt thiết bị chế biến thức ăn, đồ uống từ nếp. Như vậy sẽ tránh được tình trạng tư thương ép giá và thương hiệu nếp ngự Sa Huỳnh ngày càng bay xa.
Ông Sơn cho biết thêm: HTX nông nghiệp Phổ Châu đang thực hiện dự án liên kết phục tráng giống và đẩy mạnh sản xuất, tiêu thụ nếp ngự. Đây là sản phẩm truyền thống có từ ngàn đời nay của địa phương, hạt giống do người dân tự chọn bằng phương pháp thủ công. Sau nhiều năm, giống dần bị thoái hóa dẫn đến năng suất thấp, giảm khả năng chống chịu sâu bệnh. Do đó, để bảo tồn gen giống nếp ngự Sa Huỳnh, cần phục tráng lại giống theo hướng nâng cao năng suất và chất lượng.
Theo đó, HTX đã phối hợp với Trung tâm Giống tỉnh tiến hành chọn lọc, phục tráng giống nếp ngự. Vụ đông xuân vừa qua, HTX tiến hành gieo sạ giống G1 đã qua chọn lọc trên diện tích 5ha. Đến nay đã thu hoạch 4ha trồng thí điểm, năng suất đạt từ 40-45tạ/ha, cao hơn giống truyền thống. Thời gian tới, Trung tâm Giống tỉnh sẽ cho gieo sạ giống G2, với chất lượng cao hơn G1 và tiếp tục quá trình phục tráng cho ra dòng nếp ngự siêu nguyên chủng với chất lượng tốt, cho năng suất cao hơn 5 tạ/ha so với hiện nay.
Giá thu mua nếp ngự Sa Huỳnh hiện khoảng 16.000 đồng/kg, cao hơn một số loại nếp thường. Tuy nhiên, so với giá các loại nếp có thương hiệu như nếp cái hoa vàng, nếp nương Điện Biên... thì giá nếp ngự Sa Huỳnh còn khá thấp, mặc dù chất lượng không thua kém.
Từ năm 2019 đến nay, HTX nông nghiệp Phổ Châu đã tiến hành xây dựng khu sơ chế và chế biến các sản phẩm từ nếp ngự mang nhãn hiệu “Nếp ngự Sa Huỳnh” như bánh nổ, cốm, bánh phu thê, rượu nếp, gạo nếp...
Khi xây dựng được thương hiệu, giá trị nếp ngự Sa Huỳnh sẽ tăng cao. HTX sẽ tổ chức thu mua, chế biến, đóng gói bao bì theo thương hiệu, giúp cho nông dân và thành viên HTX an tâm sản xuất, làm giàu từ cây nếp ngự nổi tiếng của quê hương mình, góp phần đưa hương thơm nếp ngự Sa Huỳnh ngày càng bay xa.
Ngọc Giang