Phúc Sơn là một xã vùng cao cách trung tâm huyện Chiêm Hóa 25 km. Toàn xã có 16 thôn bản với 1.853 hộ và 7.806 nhân khẩu, gồm 7 dân tộc cùng chung sống, trong đó dân tộc thiểu số chiếm 90%. Xác định lạc là cây trồng chủ lực, địa phương đã quy hoạch vùng sản xuất hàng hóa tập trung. Đến nay Phúc Sơn đang có diện tích trồng lạc lớn nhất huyện Chiêm Hóa, với trên 700ha, sản lượng trên 2.200 tấn/năm, giá trị kinh tế gần 40 tỷ đồng.
Vai trò của HTX
Nhằm nâng cao chất lượng và sản lượng cây lạc ở địa phương, huyện Chiêm Hóa chủ trương vận động nhân dân triển khai một số biện pháp kỹ thuật gieo trồng mới đối với cây lạc như: thực hiện chọn lọc, nhân giống lạc L14 nguyên chủng có chất lượng và năng suất cao; thực hiện thâm canh theo đúng quy trình kỹ thuật, ứng dụng khoa học - công nghệ; đẩy mạnh quá trình cơ giới hóa vào sản xuất.
Nông dân thôn Phiêng Tạ chăm sóc lạc xuân (Ảnh: Tư liệu) |
Ông Ma Phúc Giải, Giám đốc HTX Phúc Sơn cho biết: “Để nhân dân tin tưởng và làm theo cách làm mới, HTX đã triển khai làm thí điểm trên cùng một diện tích 1.000m2 giữa trồng lạc theo cách truyền thống của người dân (làm đất, trồng, chăm sóc, bón các lại phân, vun, xới theo thời vụ bình thường mà người dân thường thực hiện) với trồng lạc có áp dụng khoa học, kỹ thuật (làm đất, bón phân các loại, trồng, che phủ nilon, có thăm nom nhưng không phải làm cỏ, vun xới).
Kết quả sau khi thu hoạch, sản lượng lạc trồng trên diện tích có áp dụng khoa học, kỹ thuật cho sản lượng cao hơn, đạt 840kg, trong khi sản lượng lạc trồng theo cách truyền thống chỉ đạt 620kg. Giá trị kinh tế chênh lệch 1,76 triệu đồng/1.000 m2. Với kết quả tốt hơn như vậy, từ đó đến nay, các hộ dân trồng lạc trên địa bàn xã Phúc Sơn đã áp dụng cách trồng mới, có che phủ nilon.
Mô hình trồng lạc che phủ nilon có nhiều ưu điểm, cây lạc sinh trưởng, phát triển tốt, hạn chế được thoát hơi nước, cỏ mọc và đảm bảo giữ ẩm tốt. Ngoài ra, phương pháp này còn chống được xói mòn đất, phòng tránh được nhiều loại sâu bệnh; rút ngắn được thời gian sinh trưởng từ 10 - 15 ngày, lạc phát triển đều, sai củ, cho năng suất cao hơn 20%.
Để người dân chuyên tâm sản xuất, HTX đã làm tốt việc bao tiêu sản phẩm. Mỗi năm, HTX thu mua xấp xỉ 300 tấn lạc tươi của thành viên, hộ nông dân, với giá bình quân từ 10.000 - 12.000 đồng/kg, cao hơn so với giá các tiểu thương, thương lái vào thu mua từ 2.000 - 4.000 đồng/kg.
Với số lượng lạc thu mua được, ngoài cung cấp cho các cơ sở sản xuất ở các tỉnh như Ninh Bình, Cao Bằng, HTX còn triển khai xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc. Đồng thời, HTX đang hoàn tất các thủ tục đăng ký nhãn hiệu hàng hóa cho sản phẩm tinh dầu lạc Phúc Sơn, qua đó dần chuyển hướng sang chế biến sản phẩm, nâng cao giá trị sản phẩm lạc.
Chủ động xin thoát nghèo
Là cây trồng chủ lực ở Phúc Sơn, cây lạc đã giúp cho nhiều hộ dân trong xã thoát khỏi cái nghèo đeo bám bao đời nay, nhất là các hộ dân tái định cư công trình thủy điện Na Hang. Điển hình là thôn Phiêng Tạ, nơi sinh sống của 114 hộ, hơn 500 nhân khẩu, chủ yếu là đồng bào Dao đỏ trước đây sinh sống ở vùng lòng hồ Na Hang về tái định cư.
Lạc là cây chủ lực giảm nghèo ở Phúc Sơn (Ảnh: TL) |
Được cấp đất sản xuất và hỗ trợ giống, phân bón, bà con ở thôn Phiêng Tạ đã ổn định cuộc sống. Đặc biệt, được tiếp cận thông tin thường xuyên, đồng thời được tập huấn kỹ thuật, người dân thôn Phiêng Tạ đang “không cho đất nghỉ”, vừa thâm canh, vừa tăng vụ để tăng thu nhập trên cùng một diện tích đất canh tác.
Gia đình chị Bàn Thị Lái ở thôn Phiêng Tạ có một sào đất. Sau vụ lạc, chị lại làm đất để trồng lúa, cứ thế xoay vòng. Mỗi vụ lạc đem lại thu nhập cho gia đình trên dưới 10 triệu đồng; lúa thì để tích trữ. Ngoài ra, gia đình chị Lái còn có trên 2 ha vườn keo đã được 2 năm tuổi. Với nguồn thu nhập ổn định, gia đình chị Lái cùng với 4 hộ người Dao đỏ khác ở thôn Phiêng Tạ làm đơn xin thoát nghèo.
Ông Chẩu Văn Học, Chủ tịch UBND xã Phúc Sơn cho hay, để giảm nghèo hiệu quả, chính quyền xã tìm hiểu nguyên nhân dẫn đến tình trạng nghèo đói ở từng gia đình, từ đó chọn ra phương án phù hợp như: Mở các lớp tập huấn nâng cao kiến thức trồng trọt và chăn nuôi cho người dân; phát triển mô hình HTX đưa khoa học kỹ thuật vào sản xuất; tín chấp với ngân hàng tạo điều kiện cho người dân tiếp cận với nguồn vốn vay; thường xuyên tuyên truyền, nhân rộng các mô hình trong phát triển kinh tế để nhân dân học tập.
Nhờ đó, tỷ lệ hộ nghèo của xã Phúc Sơn đã giảm mạnh trong những năm qua. Mỗi năm, xã có hàng trăm hộ thoát nghèo, trong đó 50% là các hộ đồng bào dân tộc thiểu số tự nguyện rút khỏi danh sách hộ nghèo.
Thu Huyền