Đặc biệt, thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) giai đoạn 2018-2020, các HTX đã chú trọng nỗ lực hoàn thiện sản phẩm theo tiêu chí OCOP, mở ra cơ hội phát triển cho các sản phẩm nông nghiệp chủ lực và các sản phẩm có lợi thế, khai thác hiệu quả hơn tiềm năng, thế mạnh của mỗi địa phương.
Tích cực ứng dụng khoa học công nghệ
HTX dịch vụ chăn nuôi Sơn Nam (xã Hải Trung, huyện Hải Hậu) chuyên nuôi thỏ được thành lập năm 2016. Sau khi thành lập HTX, HĐQT đã liên kết và ký kết bao tiêu sản phẩm với Công ty NIPPON của Nhật Bản, chi nhánh tại Bắc Ninh. Từ 6 thành viên ban đầu, HTX đến nay đã phát triển lên 13 thành viên. Tổng đàn thỏ của HTX duy trì chăn nuôi trên 7.000 con.
Anh Nguyễn Trọng Bằng, Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc HTX Sơn Nam cho biết: “Để HTX phát triển, ngoài sự vào cuộc hỗ trợ tích cực của Liên minh HTX tỉnh, của các sở, ngành và chính quyền, vấn đề đặt ra là phải giải quyết tốt mối quan hệ và quyền lợi giữa thành viên và HĐQT HTX. Trong đó, HTX cung cấp thức ăn, hỗ trợ kỹ thuật và bao tiêu sản phẩm. Các thành viên xây dựng trang trại, tự chủ động nguồn giống và tổ chức chăn nuôi theo đúng tiêu chuẩn kỹ thuật và an toàn thực phẩm đặt ra, từ đó mới xây dựng được thương hiệu, nâng tầm giá trị của nông sản địa phương”.
HTX Sơn Nam nuôi thỏ an toàn để nâng cao giá trị (Ảnh: TL) |
Tại huyện Xuân Trường, HTX sản xuất kinh doanh dịch vụ nuôi trồng thủy sản Xuân Hòa (xã Xuân Hòa) được thành lập từ năm 2014 theo Luật HTX 2012. Những năm qua, HTX đã đóng vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ thành viên phát triển kinh tế, nuôi trồng thuỷ sản, góp phần thúc đẩy kinh tế hợp tác, HTX phát triển. Hiện, HTX có 18 thành viên là những chủ đầm có kinh nghiệm trong nuôi trồng thuỷ sản từ 15 năm trở lên, với tổng diện tích nuôi trồng thuỷ sản gần 20ha, doanh thu bình quân hằng năm đạt trên 500 triệu đồng/hộ.
Ông Lê Văn Bản, Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc HTX cho biết, trước đây, các hộ nuôi thủy sản chủ yếu theo mô hình hộ, điều kiện nuôi nhỏ lẻ và hầu hết là tự cung, tự cấp nguồn vào, đầu ra sản phẩm mà chưa có sự liên kết sản xuất, tiêu thụ. Do đó, quá trình nuôi bị ảnh hưởng vì rủi ro cao, thiếu kiến thức, thường bị tư thương ép giá, lợi nhuận thấp. Khi Luật HTX năm 2012 có hiệu lực, được Liên minh HTX tỉnh tư vấn, hỗ trợ về thủ tục pháp lý, HTX chính thức được thành lập và đi vào hoạt động. HTX hoạt động với phương châm: Hỗ trợ lẫn nhau về kinh nghiệm chăn nuôi, cung ứng con giống, thức ăn, thuốc thú y và hướng dẫn, giám sát quy trình, kỹ thuật chăn nuôi gia súc, nuôi trồng thủy sản và đầu ra tiêu thụ cho sản phẩm.
“Qua hơn 6 năm hoạt động, HTX nhận được sự hỗ trợ tích cực của Liên minh HTX tỉnh và các sở, ngành. Bên cạnh đó, HTX lại hỗ trợ các thành viên về kỹ thuật chăm sóc, chữa bệnh cho thuỷ sản, bao tiêu sản phẩm và cung cấp các dịch vụ cho thành viên, đã mang lại hiệu quả hoạt động sản xuất, kinh doanh rõ rệt. Các thành viên trong HTX thường xuyên chia sẻ kinh nghiệm trong chăn nuôi, áp dụng khoa học kỹ thuật…, đạt năng suất cao, tăng thu nhập cho các thành viên. Đây chính là điều kiện tốt để nâng cao giá trị sản phẩm, xây dựng thương hiệu thuỷ sản của địa phương”, ông Lê Văn Bản cho biết.
Hỗ trợ để nâng cao giá trị nông sản
Xác định HTX nông nghiệp có vai trò đặc biệt quan trọng trong phát triển nền nông nghiệp của tỉnh, góp phần trực tiếp tạo việc làm, nâng cao đời sống người dân nông thôn, đảm bảo an sinh, trật tự an toàn xã hội, Liên minh HTX tỉnh đã tham mưu với Tỉnh ủy, UBND tỉnh và đề xuất các giải pháp phát triển kinh tế tập thể, HTX; tuyên truyền, hướng dẫn thực hiện Luật HTX, các chính sách pháp luật liên quan tới kinh tế HTX; tích cực phối hợp với các sở, ngành liên quan tư vấn, hướng dẫn thành lập mới HTX, hỗ trợ HTX xây dựng chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp.
Bên cạnh đó, Liên minh HTX tỉnh tổ chức các lớp đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ quản lý, nghiệp vụ, phương pháp tổ chức sản xuất, kinh doanh cho cán bộ và thành viên HTX; phối hợp theo dõi, nắm bắt kết quả hoạt động của các HTX. Nhờ đó, nhiều HTX đã đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh gắn với chuỗi giá trị để phát triển bền vững; tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, xây dựng mô hình cánh đồng lớn, tạo ra sản phẩm nông nghiệp phục vụ trong nước và xuất khẩu. Một số HTX áp dụng công nghệ cao, quy trình nông nghiệp an toàn, nông nghiệp hữu cơ để sản xuất ra sản phẩm sạch, an toàn thực phẩm, có nguồn gốc xuất xứ; liên kết với doanh nghiệp trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm của các hộ thành viên
Ứng dụng công nghệ cao trong nuôi thuỷ sản sẽ giúp nâng cao giá trị (Ảnh: TL) |
Việc quan tâm phát triển kinh tế HTX đã góp phần nâng tầm giá trị nông sản; tác động tích cực đến sự phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương trong tỉnh. Đặc biệt, thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) giai đoạn 2018-2020, các HTX đã chú trọng nỗ lực hoàn thiện sản phẩm theo tiêu chí OCOP, mở ra cơ hội phát triển cho các sản phẩm nông nghiệp chủ lực và các sản phẩm có lợi thế, khai thác hiệu quả hơn tiềm năng, thế mạnh của mỗi địa phương. Năm 2019, toàn tỉnh đã có 36 sản phẩm của các HTX và doanh nghiệp được UBND tỉnh công nhận đạt từ 3 sao trở lên.
Phó Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh Nam Định Trần Văn Phiệt cho biết, điểm mấu chốt ở mô hình HTX kiểu mới chính là hình thành được chuỗi liên kết từ sản xuất, chế biến đến tiêu thụ sản phẩm, qua đó nhằm nâng cao giá trị của nông sản địa phương.
“Thời gian tới, Liên minh HTX tỉnh tiếp tục hỗ trợ các HTX nhân rộng các mô hình hoạt động có hiệu quả, các mô hình liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị gắn với các chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững, tái cơ cấu nền kinh tế nói chung và tái cơ cấu kinh tế nông nghiệp nói riêng”, ông Trần Văn Phiệt nhấn mạnh.
Hoài Nam