Phú Xuyên từ lâu được biết đến là vùng đất giàu truyền thống văn hóa với những di tích lịch sử và cái nôi của các làng nghề nổi tiếng Hà Nội. Có thể kể đến làng nghề khảm trai – sơn mài Chuyên Mỹ; làng nghề đồ gỗ Tân Dân, Văn Nhân; làng nghề cơ kim khí Đại Thắng…
Lực đẩy từ HTX
Tuy nhiên, việc có được những sản phẩm đặc trưng làng nghề ở Phú Xuyên không hề dễ dàng. Vốn là vùng đất "chiêm khê, mùa úng", sản xuất nông nghiệp của người dân không thuận lợi. Cùng với đó, quá trình tổ chức sản xuất của làng nghề truyền thống đã phát sinh các vấn đề về rác thải, ô nhiễm môi trường, khó khăn đầu ra, chậm đáp ứng nhu cầu thị trường…
Để giải quyết những điều này, ngoài chú trọng đầu tư nguồn kinh phí thích hợp, bố trí quy hoạch, huyện còn đẩy mạnh phát triển các mô hình HTX làm lực đẩy phát triển nông nghiệp cũng như các làng nghề.
Như tại xã Phú Túc - vốn có làng nghề guột tế (đan cỏ tế), để phát triển nghề truyền thống, xã đã quan tâm phát triển HTX guột mây tre lá Hồng Kỳ.
HTX đẩy mạnh hoạt động theo Luật HTX năm 2012, chú trọng đổi mới mẫu mã, kết hợp nguyên liệu cỏ và lục bình để sản xuất các mặt hàng thủ công mỹ nghệ. HTX cũng đầu tư máy móc, thiết bị kỹ thuật, mở rộng sản xuất, nâng cao chất lượng, từng bước cải thiện và nâng cao thu nhập cho người lao động.
Ngoài ra, xã Phú Túc còn có 10 tổ hợp tác (THT) mây tre giang đan, guột tế xuất khẩu. Các THT, HTX đã liên kết với các doanh nghiệp để bao tiêu đầu ra cho người dân. Các THT, HTX chú trọng đến việc đăng ký thương hiệu, logo, bảo hộ thương hiệu. Để phục vụ cho hướng phát triển làng nghề đi kèm du lịch trải nghiệm, các HTX, THT đã cùng địa phương đầu tư xây dựng và nâng cấp các hệ thống giao thông, phát triển các sản phẩm đa dạng nhằm đáp ứng thị hiếu khách du lịch.
![]() |
Làng nghề cỏ tế Phú Túc đã có HTX nên mẫu mã và nguyên liệu sản xuất sản phẩm thủ công đa dạng hơn trước. |
Nhờ đó mà trung bình mỗi năm, Phú Túc đã thu hút được hàng trăm đoàn khách với vài nghìn lượt người trong nước và ngoài nước. Đặc biệt, mô hình cụm công nghiệp làng nghề nơi tập trung sản xuất kinh doanh của các HTX, THT chính là điểm nhấn trong hành trình tham quan, mua sắm của du khách khi đến với nơi đây.
Nhờ phát triển mô hình THT, HTX, nghề cỏ tế đã mang về hàng trăm tỷ đồng mỗi năm cho địa phương, giúp người dân nâng cao thu nhập.
Trong khi đó, với thế mạnh phát triển chuyên canh cây chuối và nghề đan dây, xã Khai Thái đã thành lập HTX Thương mại và Dịch vụ nông nghiệp Khai Thái. Các thành viên HTX đã tìm hiểu để phát triển nghề rút sợi tơ chuối và làm sản phẩm thủ công mỹ nghệ từ loại tơ này.
Với nhiều sản phẩm có kiểu dáng độc đáo, HTX đã đáp ứng được các đơn đặt hàng của đối tác nước ngoài. Sản phẩm thủ công mỹ nghệ từ tơ chuối của HTX đã tham dự Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) của TP Hà Nội: Túi, lọ hoa, giỏ đựng đồ... và được Hội đồng đánh giá phân hạng sản phẩm OCOP TP Hà Nội chấm điểm đạt 4 sao. Đây là nền tảng để nâng cao thu nhập cho người dân và thu hút khách du lịch đến tham quan trải nghiệm.
Lợi thế từ mảnh đất trăm nghề
Với chất lượng và uy tín của mình, những sản phẩm thủ công mỹ nghệ làng nghề Phú Xuyên do các HTX, THT sản xuất có mặt khắp thị trường trong nước và quốc tế. Không chỉ giải quyết vấn đề việc làm cho lao động, nâng cao thu nhập và chất lượng sống của người dân, các HTX, THT đã tạo điều kiện phát triển kinh tế địa phương và giúp giữ gìn, phát huy giá trị tốt đẹp làng nghề truyền thống ông cha để lại.
Nhằm khai thác hiệu quả giá trị văn hoá nghề và làng nghề truyền thống thông qua mô hình kinh tế tập thể, huyện Phú Xuyên đã triển khai nhiều chương trình phát triển du lịch làng nghề. Cụ thể là việc tăng cường nghiên cứu nhiều hình thức du lịch mới kết nối tour, tuyến du lịch thông qua việc kết nối các doanh nghiệp lữ hành với các HTX, THT. Việc này đang từng bước đánh thức và khai thác hiệu quả tiềm năng du lịch làng nghề Phú Xuyên.
![]() |
Tham gia các hội chợ, lễ hội giúp sản phẩm đặc trưng của các làng nghề ở Phú Xuyên được nhiều người quan tâm. |
Đặc biệt, sau thời gian dài bị ảnh hưởng vì dịch bệnh Covid-19, huyện đã tổ chức các lễ hội nhằm giúp các HTX, làng nghề quảng bá, sản phẩm nông sản, sản phẩm làng nghề truyền thống. Thông qua các hoạt động này, các HTX, THT cũng có thêm cơ hội kết nối, giới thiệu sản phẩm OCOP, sản phẩm thế mạnh địa phương ra thị trường trong và ngoài thành phố.
Ông Nguyễn Đức Tuấn, Giám đốc HTX Thương mại và Dịch vụ nông nghiệp Khai Thái cho biết: Tham gia chương trình OCOP, nhiều sản phẩm của HTX mở rộng đầu ra, tiếp cận được thị trường khắp tỉnh thành. Một số sản phẩm được nhiều khách hàng ưa chuộng và đặt hàng.
Với những tiềm năng sẵn có cùng sự đầu tư khai thác hiệu quả từ chính quyền địa phương, ngành du lịch huyện Phú Xuyên đang dần phát triển mạnh mẽ, hình thành nên nhiều điểm đến thú vị, góp phần gìn giữ truyền thống làng nghề. Từ đó, tạo điều kiện thúc đẩy kinh tế - xã hội địa phương và trở thành địa bàn kinh tế - du lịch quan trọng của TP Hà Nội.
Tùng Lâm