Hiện Lai Châu còn các huyện Mường Tè, Nậm Nhùn, Sìn Hồ và Phong Thổ là 4 địa phương còn lại của tỉnh nằm trong danh sách danh sách huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn.
Tập trung xây dựng mô hình KTTT, HTX
Huyện Mường Tè có 13 dân tộc sinh sống, với trên 90% là đồng bào DTTS sinh sống, trình độ dân trí thấp, đời sống của người dân nơi đây còn gặp nhiều khó khăn, hạ tầng giao thông và các công trình phúc lợi phục vụ sinh hoạt, sản xuất chưa được đầu tư đồng bộ dẫn tới tỷ lệ hộ nghèo cao.
Trước thực trạng trên, Đảng bộ và chính quyền huyện Mường Tè đã chủ động xây dựng kế hoạch, phương án triển khai các chương trình xóa đói, giảm nghèo phát triển các mô hình kinh tế tập thể, HTX nhằm góp phần giúp Mường Tè thay đổi diện mạo.
Tỉnh Lai Châu đã có nhiều giải pháp thiết thực, giúp đồng bào sống ở khu vực “lõi nghèo” có thêm điều kiện vươn lên thoát nghèo. |
Hiện, huyện Mường Tè có trên 30 HTX đang hoạt động tại 6 xã, thị trấn, trên các lĩnh vực xây dựng, nông - lâm - ngư - nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, thương mại, dịch vụ… Với tổng doanh thu các HTX trên địa bàn huyện đạt 908 triệu đồng/năm, thu nhập bình quân lao động làm việc thường xuyên trong HTX là 52,75 triệu đồng/năm. Thu nhập bình quân thành viên HTX đạt 45 triệu đồng/năm.
Thời gian qua, các HTX trên địa bàn huyện luôn đổi mới về tổ chức hoạt động đúng nguyên tắc, bản chất. Đồng thời, phát triển đa dạng các loại hình HTX trong mọi lĩnh vực, trong đó, ưu tiên phát triển HTX nông nghiệp đa ngành nghề gắn với vùng nguyên liệu, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Một số HTX hoạt động sản xuất kinh doanh tiêu biểu và có sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao như: mật ong rừng, chè dây leo (HTX Bình An); ớt trung đoàn ngâm dấm, thảo quả (HTX Thanh Nga); thịt trâu sấy ở Bum Nưa (HTX Thắng Tuế).
Ông Kiều Hải Nam, Phó Chủ tịch UBND huyện Mường Tè cho biết, huyện Mường Tè đang quan tâm khai thác tiềm năng, lợi thế của địa phương, từng bước chuyển đổi cây trồng kém hiệu quả sang trồng cây có giá trị kinh tế, chuyển từ hình thức chăn nuôi gia súc nhỏ lẻ sang chăn nuôi theo hướng hàng hóa, với quy mô lớn. Các chính sách giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội cũng được huyện triển khai đầy đủ, kịp thời và đi vào cuộc sống.
“Huyện tiếp tục định hướng cho các HTX phát triển, mở rộng diện tích cây trồng chủ lực nhằm tạo ra sản phẩm nông nghiệp hàng hóa, nâng cao chất lượng liên doanh, liên kết với công ty, doanh nghiệp trong sản xuất nông nghiệp theo chuỗi. Đổi mới toàn diện về tổ chức và hoạt động HTX bảo đảm đúng nguyên tắc”, ông Kiều Hải Nam cho hay.
Nỗ lực vượt khó để giảm nghèo bền vững
Tính đến nay tại Lai Châu có hơn 400 HTX và chi nhánh HTX, trong đó HTX hoạt động tại lĩnh vực nông - lâm nghiệp, thuỷ sản, dịch vụ nông nghiệp là chủ yếu.
Tại huyện Nậm Nhùn, nhiều năm nay, HTX Nậm Hàng, xã Nậm hàng đã tận dụng tiềm năng, thế mạnh của địa phương đầu tư vốn phát triển mô hình chăn nuôi gia súc, với quy mô chăn nuôi từ 80-100 con trâu, bò.
Ông Lò Văn Trường, Giám đốc HTX Nậm Hàng cho biết: HTX xây dựng quy định nghiêm ngặt từ việc lựa chọn con giống, thuốc thú y, thức ăn và quy trình chăn nuôi khép kín, bảo đảm cho đàn trâu, bò sinh trưởng, phát triển tốt. Hằng tháng, HTX duy trì việc làm cho 4 lao động địa phương với mức lương bình quân từ 4 -5 triệu đồng.
"Thời gian tới, HTX dự tính sẽ mở rộng quy mô chăn nuôi khoảng 120 con trâu, bò, lúc đó sẽ cần thêm nhân công giải quyết được việc làm cho nhiều bà con địa phương. HTX mong muốn các cấp, các ngành tiếp tục quan tâm giúp đỡ về vốn để HTX phát triển bền vững", ông Trường cho hay.
Toàn huyện Nậm Nhùn hiện có gần 30 HTX đang hoạt động trong lĩnh vực nông, lâm nghiệp. Mặc dù gặp nhiều khó khăn, quy mô hoạt động còn nhỏ lẻ, nhưng với sự chủ động, các HTX đã mở rộng quy mô, chuyển đổi mô hình hoạt động phát triển nhiều ngành nghề, lĩnh vực kinh tế để tạo việc làm, tăng thu nhập cho các thành viên và người dân địa phương.
Ông Hà Văn Sơn, Chủ tịch UBND huyện Nậm Nhùn cho biết, các HTX trên địa bàn đã có đóng góp tích cực vào việc thúc đẩy kinh tế của huyện, tạo ra sản phẩm có giá trị, mang lại việc làm ổn định, nâng cao thu nhập cho người dân.
Các HTX phát triển, mở rộng diện tích cây trồng chủ lực nhằm tạo ra sản phẩm hàng hóa, nâng cao đời sống thành viên. |
Trên cơ sở các chính sách hỗ trợ HTX phát triển của Trung ương, của tỉnh, huyện Nậm Nhùn đã chỉ đạo cơ quan chuyên môn, giúp các HTX tiếp cận các chính sách ưu đãi về đầu tư cơ sở hạ tầng, giao đất, cho thuê đất, tín dụng, xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu… giúp các HTX phát triển về quy mô, số lượng, chất lượng và là đòn bẩy để hướng tới xây dựng các sản phẩm OCOP.
“Chúng tôi khuyến khích phát triển HTX trong lĩnh vực nông nghiệp, xây dựng mô hình HTX kiểu mới. Đẩy mạnh liên doanh, liên kết giữa các HTX, tranh thủ sự hỗ trợ của các nhà khoa học, cơ quan quản lý Nhà nước để phát huy hiệu quả hoạt động của các HTX. Triển khai thực hiện có hiệu quả các chính sách ưu đãi của Nhà nước đối với HTX về thuế, tín dụng, đất đai, tạo điều kiện cho HTX tham gia vào các chương trình, dự án phát triển kinh tế-xã hội ở địa phương”, ông Sơn chia sẻ.
Khởi sắc vùng "lõi nghèo"
Có thể thấy, trong thời gian qua, các mô hình phát triển kinh tế tập thể, HTX hoạt động trong lĩnh vực nông, lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh Lai Châu đang thể hiện đây là hướng đi đúng, phù hợp với tình hình thực tế. Hầu hết các HTX hoạt động hiệu quả đã tạo việc làm, thu nhập cho bà con nông dân, góp phần nâng cao vị thế và giá trị nông sản trên thị trường.
Để giúp người dân ở khu vực “lõi nghèo” thoát nghèo, tỉnh Lai Châu đã tập trung triển khai đồng bộ Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững qua các giai đoạn, đồng thời, có nhiều cách làm sáng tạo, hỗ trợ người dân giảm nghèo một cách hiệu quả.
Ông Tống Thanh Hải, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lai Châu cho biết, từ năm 2019 đến nay, thông qua các nguồn lực đầu tư, đã có gần 600 công trình hạ tầng thiết yếu, với tổng kinh phí đầu tư hơn 1 nghìn tỷ đồng tại các xã nghèo được sửa chữa, xây dựng mới, phục vụ đắc lực cho đời sống và sản xuất của người dân. Đến hết năm 2022, số thôn, bản có đường trục giao thông cứng hóa đạt trên 90%; tỷ lệ thôn, bản có điện lưới đạt 95%; 100% số xã xóa phòng học tạm…
Để tạo việc làm, tăng thêm thu nhập cho người dân, các địa phương ở Lai Châu đã xây dựng kế hoạch sản xuất từng vùng, từng huyện, xã, từng thôn bản theo hướng đa canh, mở rộng nhiều ngành nghề để phát huy thế mạnh của từng vùng, gắn việc giải quyết lương thực tại chỗ với phát triển lâm nghiệp, chăn nuôi theo mô hình nông, lâm kết hợp, sắp xếp lại dân cư hợp lý, vừa thuận tiện sản xuất, vừa bảo đảm an ninh quốc phòng.
Có thể thấy rằng, việc thực hiện các chương trình, chính sách giảm nghèo bền vững đã có những tác động tích cực đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương trên cả nước. Đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân nói chung và người nghèo nói riêng từng bước được cải thiện, cơ sở hạ tầng nông thôn được tăng cường trên cơ sở triển khai thực hiện xây dựng nông thôn mới; tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh và các huyện nghèo, xã, bản đặc biệt khó khăn giảm nhanh, chính sách an sinh xã hội được bảo đảm, hệ thống chính trị cơ sở được củng cố, giữ vững an ninh, quốc phòng. Người nghèo, hộ nghèo ngày càng có ý thức tự phấn đấu vươn lên giảm nghèo, biết học hỏi cách làm ăn, tận dụng các cơ hội và sử dụng có hiệu quả sự hỗ trợ của Nhà nước và cộng đồng.
Đoàn Huyền