Phát huy nội lực, khơi dậy giá trị
Thành lập năm 2016, HTX Sản xuất nấm sạch và kinh doanh nông nghiệp Tuấn Linh (HTX Tuấn Linh) ở xã Sơn Lộc (huyện Bố Trạch, Quảng Bình) đã thành công trong việc trồng các loại nấm và sản xuất các sản phẩm từ nấm.
Ông Nguyễn Quốc Hương, Chủ tịch HĐQT HTX Tuấn Linh cho biết, HTX đã ứng dụng khoa học kỹ thuật công nghệ cao cho hệ thống máy móc, nhà xưởng phục vụ sơ chế, chế biến. Từ khâu giống, nguyên liệu, bịch phôi, nấm thành phẩm, đến chế biến nấm ra các sản phẩm hàng hóa là quy trình khép kín. Qua đó, mang lại hiệu quả kinh tế cao và tăng năng suất, hiệu quả kinh tế cho các thành viên.
Định hướng của HTX là quyết tâm đưa thực phẩm an toàn để phục vụ tốt cho người tiêu dùng trên khắp mọi miền và hướng đến thị trường xuất khẩu. Từ định hướng này, HTX đã xây dựng chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ nấm và ứng dụng công nghệ cao để sản xuất các loại giống bấm, nấm ăn và nấm dược liệu… Sản phẩm sản xuất sạch theo quy trình khép kín, bảo đảm các tiêu chuẩn nông nghiệp sạch theo hướng hữu cơ. Qua đó đã góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh của HTX.
Hằng năm, HTX sản xuất 170 vạn bịch nấm, sản lượng 170 tấn nấm (gồm các loại nấm linh chi, nấm sò, mộc nhĩ, kim phúc, hoàng đế, nấm rơm...), tổng doanh thu khoảng 7 tỷ đồng. Theo đó, HTX thực hiện dự án đầu tư phát triển chuỗi cung ứng sản phẩm nấm ăn và nấm dược liệu giữa HTX với các hộ dân, tổ hợp tác (THT) trồng nấm. Đầu tư nâng cao năng lực thiết bị chế biến và chất lượng sản phẩm, xúc tiến thương mại và phát triển thị trường. Để bảo đảm nguyên liệu đầu vào và thị trường tiêu thụ cho sản phẩm nấm, HTX đã liên kết trực tiếp với 28 THT trên địa bàn huyện Lệ Thủy, Quảng Ninh, Tuyên Hóa, Bố Trạch, Quảng Trạch...
Trà nấm linh chi của HTX Tuấn Linh được công nhận sản phẩm OCOP 4 sao tỉnh Quảng Bình năm 2020 (Ảnh: TL) |
Sản phẩm nấm sạch, chất lượng cao của HTX Tuấn Linh đã được thị trường chấp nhận. HTX đã ký kết hợp đồng và liên kết sản xuất, tiêu thụ nấm thương phẩm với các công ty, Siêu thị Co.opmart Quảng Bình, Co.opmart Hà Tỉnh, Co.opmart Huế, Co.opmart Quảng Trị, các cửa hàng nông sản trong và ngoài tỉnh, thậm chí cả thị trường nước ngoài như Thái Lan, Lào, Nga tin tưởng, lựa chọn.
Từ kết quả trên, HTX Tuấn Linh đã được Sở Công thương Quảng Bình công nhận là doanh nghiệp đầu mối bao tiêu sản phẩm nấm linh chi, nấm mộc nhĩ trên địa bàn tỉnh, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT tặng Bằng khen điển hình liên kết, sản xuất nông nghiệp. Đặc biệt, đầu năm 2020, UBND tỉnh Quảng Bình đã ban hành Quyết định số 136/QĐ-UBND công nhận kết quả đánh giá, phân hạng sản phẩm và công nhận sản phẩm trà nấm linh chi Tuấn Linh của HTX Tuấn Linh đạt OCOP 4 sao cấp tỉnh năm 2019.
Huy động sức mạnh tổng hợp
Hiện, Quảng Bình xây dựng 189 sản phẩm OCOP có nguồn gốc lợi thế địa phương. Đến đầu năm 2020, đã xếp hạng 59 sản phẩm đạt tiêu chuẩn sản phẩm OCOP, trong đó 28 sản phẩm đạt từ 2 - 4 sao và 31 sản phẩm đạt 1 sao.
Theo đó, ngoài trà nấm linh chi Tuấn Linh của HTX Tuấn Linh được công nhận sản phẩm OCOP 4 sao, có 23 sản phẩm OCOP được xếp hạng 3 sao, trong đó nhiều sản phẩm của các HTX như: Đũa gỗ Quảng Thủy của HTX Sản xuất kinh doanh thương mại Đũa gỗ Quảng Thủy; Dầu lạc nguyên chất Trường Thủy của HTX Nông sản Trường Thủy; Bánh mè xát Tân An của HTX Làng nghề bánh mè xát Tân An; Mật ong Thanh Hóa của HTX Dịch vụ nông nghiệp tổng hợp 19/5; Đồ thủ công mỹ nghệ trang trí của HTX Mây tre đan Vân Sơn; Thịt thỏ Ruby của HTX Sản xuất kinh doanh dịch vụ Hưng Phát; Nước mắm cá của HTX Mua bán, chế biến thủy hải sản Xuân Hồng; Gạo sạch Lệ Thủy của HTX Sản xuất kinh doanh và Dịch vụ nông nghiệp Mỹ Lộc Thượng; Khoai gieo Lâm Hường của HTX Sản xuất kinh doanh và dịch vụ Khoai lang Lâm Hường; Cao cà gai leo Thanh Bình của HTX Sản xuất cây dược liệu sạch và Kinh doanh nông nghiệp xã Cự Nẫm; Hạt tiêu Phú Quý của HTX Nông nghiệp Phú Quý; Rau sạch An Nông của HTX Nông nghiệp An Nông...
Ông Hoàng Tiến Cường, Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn Quảng Bình cho biết, dù mới triển khai nhưng chương trình OCOP ở Quảng Bình nhận sự tham gia của nhiều tổ chức kinh tế.
Nhiều HTX ở Quảng Bình tích cực chung tay xây dựng nông thôn mới (Ảnh: TL) |
“Sản phẩm OCOP đã mang lại thu nhập cao cho người dân. Ổn định kinh tế gia đình cũng là sức mạnh lớn trong thực hiện xây dựng NTM ở từng địa phương. Trong giai đoạn tiếp theo của chương trình OCOP, Quảng Bình xác định phải khơi dậy sức sáng tạo của người dân để có nhiều sản phẩm thế mạnh của địa phương. Tiếp tục xây dựng hệ thống hỗ trợ phát triển và thương mại hóa sản phẩm OCOP từ cấp tỉnh, huyện, đến xã phường, đồng thời kiến nghị với UBND tỉnh ban hành chính sách hỗ trợ sản phẩm chưa đạt chuẩn OCOP nhưng có tiềm năng để phát huy lợi thế về cảnh quan, văn hóa và tính cộng đồng của từng địa phương”, ông Cường cho biết.
Hoài Nam