Ứng dụng tiến bộ khoa học trong sản xuất
Ông Võ Văn Khinh, Giám đốc HTX Thượng Phong cho biết, những năm qua, sản xuất nông nghiệp tại địa phương gặp nhiều khó khăn do diễn biến thời tiết thất thường, hạn hán, bão lũ thường xuyên, rét đậm, rét hại kéo dài. Cùng với đó là giá cả vật tư nông nghiệp tăng cao trong khi thị trường tiêu thụ sản phẩm không ổn định. Mặc dù vậy, được sự chỉ đạo, phối hợp của các cấp, ngành và chính quyền địa phương cùng với sự đoàn kết, năng động của Ban quản trị HTX và thành viên, những năm qua, HTX Thượng Phong vẫn làm ăn có lãi, không ngừng lớn mạnh và ngày càng khẳng định vai trò “bà đỡ” vững chắc cho xã viên.
Để có được kết quả đó, HTX Thượng Phong đã chủ động ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Trong đó, chú trọng thực hiện chương trình “ba giảm, ba tăng” gồm giảm chi phí giống, giảm chi phí phân bón, giảm chi phí thuốc bảo vệ thực vật; tăng năng suất, tăng chất lượng, tăng hiệu quả, qua đó hạn chế chi phí đầu vào, đồng thời nâng cao hiệu quả sản xuất cho nông dân.
Liên kết sản xuất giúp nông sản trở thành hàng hoá có giá trị (Ảnh: TL) |
Cụ thể, HTX đã chủ động tiếp cận, sử dụng bộ giống có năng suất cao, chất lượng tốt, đưa vào sản xuất đại trà như: Xi 23, P6, TBR 225... Đồng thời, xây dựng và nhân rộng cánh đồng mẫu lớn với diện tích 60ha để sản xuất lúa giống cung ứng cho Công ty Giống cây trồng Quảng Bình, qua đó tăng giá trị cây trồng và nâng cao đời sống cho thành viên. Cơ giới hóa nông nghiệp cũng là yếu tố được HTX quan tâm từ các công đoạn gieo trồng, thu hoạch, vận chuyển... Đặc biệt, HTX đã chủ động hợp đồng với Viện Bảo vệ thực vật sản xuất bả sinh học để diệt chuột hết sức hiệu quả. Hiện tại, HTX đứng ra đảm nhận các khâu dịch vụ gồm làm đất, thủy lợi, bảo vệ đồng, bảo vệ thực vật, giống cây trồng, phân bón, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật, điện nông thôn, bảo vệ môi trường.
“Nhờ có sự đồng thuận cao giữa Ban quản trị HTX và thành viên trong việc đảm nhận các khâu dịch vụ nên bà con nông dân yên tâm sản xuất. Năng suất, sản lượng cây trồng của HTX luôn đạt cao so với bình quân chung của toàn huyện”, ông Võ Văn Khinh, Giám đốc HTX Thượng Phong chia sẻ.
Phát huy vai trò “bà đỡ” cho nông dân
HTX Thượng Phong đăng ký sản xuất kinh doanh dịch vụ sản xuất nông nghiệp gồm các khâu dịch vụ: làm đất, thủy nông, bảo vệ đồng, bảo vệ thực vật, cung ứng vật tư (giống, phân bón), tín dụng nội bộ, bao tiêu sản phẩm. Bên cạnh dịch vụ sản xuất nông nghiệp, sản phẩm chủ lực của HTX là lúa gạo và cung cấp dịch vụ nước sạch nông thôn.
Trong quá trình sản xuất, kinh doanh, HTX Thượng Phong đã liên kết với 2 HTX khác hoạt động trên địa bàn huyện Lệ Thủy để sản xuất ra thương hiệu Gạo sạch Lệ Thủy. HTX còn liên kết với Công ty giống Quảng Bình để sản xuất 50ha lúa giống, cung cấp cho Công ty 300 tấn mỗi năm. Ngoài ra, HTX liên kết với Công ty thương mại Thành Châu để tiêu thụ lúa gạo cho nông dân. Theo đó, bình quân mỗi năm, toàn HTX sản xuất được 2.700 tấn thóc, HTX đã bao tiêu 2.000 tấn thóc (tương đương với 74%), 700 tấn còn lại được người dân giữ lại làm lương thực, phục vụ nhu cầu sử dụng hàng ngày.
Các HTX nông nghiệp hoạt động hiệu quả và đóng vai trò quan trọng trong chương trình xây dựng nông thôn mới của tỉnh Quảng Bình (Ảnh: TL) |
Chủ tịch UBND xã Phong Thủy Nguyễn Văn Hoàng cho biết, những năm qua, HTX Thượng Phong chủ động phối hợp với chính quyền đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất, góp phần quan trọng để cùng với chính quyền địa phương và nhân dân trong xã thực hiện thành công các tiêu chí xây dựng nông thôn mới tại địa phương.
“HTX đã đầu tư xây dựng các công trình như kênh mương, giao thông nội đồng, phương tiện máy móc, thiết bị văn phòng...; phát quang bờ bãi, lắp đặt 40 bể chứa bao bì thuốc bảo vệ thực vật trên bờ ruộng; trồng cây xanh trên các trục đường; sử dụng phân bón và thuốc bảo vệ thực vật theo đúng kỹ thuật. Nâng cấp trạm cung ứng nước sạch, nhà văn hóa, hệ thống điện chiếu sáng trên các trục đường. Thường xuyên quan tâm hỗ trợ, động viên các tổ chức chính trị xã hội, các trường học... với tổng kinh phí hàng trăm triệu đồng”, Chủ tịch UBND xã Phong Thủy Nguyễn Văn Hoàng cho biết.
Cũng theo ông Võ Văn Khinh, công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ của HTX cũng luôn được Ban quản trị hết sức quan tâm như: cử cán bộ tham gia các lớp đào tạo nghiệp vụ quản lý, lý luận chính trị; đồng thời cử cán bộ tham gia đầy đủ các lớp tập huấn nghiệp vụ do Liên minh HTX tỉnh tổ chức. Hoạt động tổ chức tham quan, học hỏi kinh nghiệm quản lý từ các đơn vị trong và ngoài tỉnh cũng được HTX Thượng Phong chú trọng nhằm nâng cao khả năng tiếp cận thị trường và mở rộng các khâu dịch vụ, đáp ứng tốt nhu cầu của người dân. Quan tâm đến đời sống tinh thần, vật chất của người lao động cũng như thành viên HTX.
Có thể nói, những năm qua, HTX Thượng Phong đã không ngừng lớn mạnh, làm tốt vai trò “bà đỡ” cho xã viên, góp phần quan trọng để cùng với chính quyền địa phương thực hiện công cuộc xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới.
Phương Nam