Ngày 3/11/2021 vừa qua, UBND tỉnh Tuyên Quang công bố Quyết định của Thủ tướng Chính phủ công nhận TP. Tuyên Quang hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới (NTM) năm 2020. Kết quả này, đã đánh dấu hành trình 10 năm phấn đấu với sự chủ động, tích cực của cả hệ thống chính trị; sự chung sức, đồng lòng của nhân dân thành phố trong xây dựng NTM...
Khởi sắc mọi mặt xây dựng NTM
Là một trong những xã đầu tiên được TP. Tuyên Quang lựa chọn chỉ đạo điểm NTM, thời gian qua, Đảng ủy, UBND xã An Khang đã tập trung lãnh đạo, vận động nhân dân phát triển kinh tế, huy động mọi nguồn lực để xây dựng, củng cố và tiếp tục nâng cao chất lượng các tiêu chí NTM.
Cơ sở hạ tầng NTM TP. Tuyên Quang được đầu tư xây dựng ngày càng hoàn thiện. |
Sau khi về đích NTM năm 2014, diện mạo, cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội xã An Khang được đồng bộ, hiện đại, đời sống người dân không ngừng được nâng cao, xã đã và đang tiếp tục hướng tới NTM nâng cao.
Bà Đỗ Thị Thu, Phó Chủ tịch UBND xã cho biết: Khi mới bắt tay vào xây dựng NTM, An Khang chỉ đạt 5/19 tiêu chí. Từ thực trạng đó, Đảng ủy và UBND xã đã dồn mọi nguồn lực, tranh thủ tối đa sự ủng hộ, đóng góp của các tổ chức, cá nhân và nhân dân, xác định đường giao thông nông thôn là nhiệm vụ trọng tâm và xuyên suốt.
Minh chứng cho điều này, chỉ riêng 9 tháng năm 2021, mặc dù ảnh hưởng từ tình hình dịch bệnh Covid-19, phát triển kinh tế gặp nhiều khó khăn nhưng xã vẫn triển khai bê tông hóa được 190m đường ngõ xóm tại thôn An Lộc A với tổng kinh phí trên 95 triệu đồng trong đó người dân đóng góp trên 57 triệu.
Nếu như khi hoàn thành xây dựng NTM năm 2014, thu nhập bình quân của xã chỉ đạt 21,79 triệu đồng/người/năm thì đến cuối năm 2020 đã tăng lên 40,9 triệu đồng/người/năm.
Phát huy thành quả đạt được, xã An Khang tiếp tục nâng cao chất lượng các tiêu chí. Tính đến hết tháng 9/2021, xã đã đạt 15/18 tiêu chí nông thôn mới nâng cao, cuối năm 2021 sẽ hoàn thành thêm tiêu chí môi trường và phấn đấu đến 2023 thu nhập bình quân đầu người đạt 54,9 triệu đồng/người/năm, về đích NTM nâng cao.
Xã An Khang chỉ là một trong nhiều ví dụ điển hình về xây dựng NTM ở TP. Tuyên Quang trong những năm vừa qua. Nói về sự thành công này, ông Tô Hoàng Linh, Chủ tịch UBND TP. Tuyên Quang cho biết: Hơn 10 năm triển khai xây dựng NTM, TP. Tuyên Quang đã có bước phát triển toàn diện và đạt được những thành tích tích cực, khích lệ trên tất cả các mặt; đặc biệt được công nhận đạt đô thị loại II, diện mạo nông thôn thay đổi rõ nét, hạ tầng kết nối được đầu tư đồng bộ, đạt chuẩn.
Đến nay, tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân của thành phố đạt trên 12%/năm; tổng thu ngân sách tăng 376,92% (từ 160,565 tỷ đồng năm 2011 lên 605,2 tỷ đồng năm 2020); giá trị sản phẩm/1ha đất trồng trọt và thủy sản đạt trên 87 triệu đồng.
Tổng nguồn vốn huy động xây dựng NTM TP. Tuyên Quang trên 570 tỷ đồng, thu nhập bình quân đầu người đạt trên 75 triệu đồng/người/năm, tỷ lệ hộ nghèo năm 2020 còn 0,66%. Chất lượng giáo dục, y tế, văn hóa được nâng cao; cảnh quan, môi trường nông thôn được cải thiện; quốc phòng, an ninh được giữ vững.
“Chúng tôi xác định, kết quả đạt được cũng chỉ là sự khởi đầu cho giai đoạn mới để quyết tâm xây dựng NTM thành phố nâng cao giai đoạn 2021-2025, NTM kiểu mẫu theo hướng văn minh, hiện đại, phát triển kinh tế nông thôn, làng nghề, cơ cấu lại ngành nông nghiệp trên cơ sở ứng dụng công nghệ cao, sản xuất nông nghiệp an toàn, hữu cơ, xây dựng thương hiệu nông sản, sản phẩm OCOP…”, ông Linh nói.
Đầu tư phát triển nông nghiệp sạch
Thời gian qua, ngoài việc tập trung cho hoàn thành NTM, thành phố đã ban hành nhiều Đề án phát triển nông nghiệp sạch, an toàn, trong đó tập trung đầu tư, xây dựng các mô hình sản xuất, chuỗi giá trị sản phẩm, sắp xếp lại hình thức sản xuất, thành lập các HTX nông nghiệp giúp đời sống vùng nông thôn ngày càng phát triển.
Triển khai xây dựng NTM, nhiều mô hình phát triển nông nghiệp sạch, an toàn được đầu tư mạnh mẽ giúp đời sống người dân phát triển. |
Đơn cử như HTX Sản xuất và Dịch vụ nông nghiệp Ỷ La (phường Ỷ La) là một trong những mô hình tiên phong của thành phố đi theo hướng sản xuất nông nghiệp an toàn.
Ông Nguyễn Văn Ngân, Giám đốc HTX cho biết, năm nay HTX tiếp tục triển khai 110 ha lúa sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, duy trì sản xuất 1 ha rau an toàn tại phường Tân Hà và 5 ha rau an toàn tại phường Ỷ La, tuyên truyền hướng dẫn người dân tuân thủ nghiêm ngặt quy trình sản xuất, không lạm dụng thuốc trừ sâu, thực hiện theo nguyên tắc 4 đúng.
Để ổn định đầu ra cho các thành viên, HTX ký kết hợp đồng bao tiêu sản phẩm ớt quy mô 3 ha với Công ty TNHH Việt Thắng (Hải Dương), liên kết trồng và bao tiêu sản phẩm cây dược liệu với HTX Nông nghiệp Hữu cơ An Khang (phường Tân Hà)...
Cũng nhờ định hướng kịp thời từ HTX Ỷ La về phát triển rau an toàn, từ năm 2019 đến nay anh Lê Đình Thanh, tổ 8, phường Hưng Thành đã mở rộng quy mô trồng rau từ 2 sào lên 1,5 ha với đủ các loại rau theo mùa, đáp ứng nhu cầu của khách hàng trong và ngoài tỉnh.
Theo đó, anh Thanh tuân thủ nghiêm ngặt quy trình sản xuất trồng rau sạch theo tiêu chuẩn an toàn từ khâu làm đất, chăm sóc rau đến thu hoạch và sơ chế, giúp gia đình có doanh thu 300 - 400 triệu đồng/năm.
Một ví dụ khác là HTX Chăn nuôi ong Phong Thổ (thôn Phúc Lộc A, xã An Khang), thời gian qua HTX đã phát huy lợi thế, tiềm năng sẵn có của địa phương, tập trung đầu tư, khai thác nguồn ong mật theo hướng an toàn sinh học. Đây là mô hình cải thiện sinh kế, góp phần thay đổi nhận thức của người dân, tăng hiệu quả kinh tế, nâng cao ý thức bảo vệ môi trường.
Giám đốc HTX Trần Xuân Phong cho biết, đến nay, HTX có hơn 7.000 đàn ong, trung bình mỗi năm xuất ra thị trường khoảng 300 - 400 tấn mật, 10 - 15 tấn phấn hoa, doanh thu đạt 7 tỷ đồng, tạo việc làm thường xuyên cho 30 - 40 lao động với mức thu nhập bình quân từ 4,5 - 5 triệu đồng/người/tháng.
Bên cạnh sản phẩm chính là mật ong hoa rừng, hoa nhãn, hoa vải, HTX còn có mật ong hoa bạc hà từ cao nguyên đá Đồng Văn, Mèo Vạc (Hà Giang).
Từ những mô hình mẫu như HTX Ỷ La hay HTX Phong Thổ đã lan tỏa cách làm hay, sáng tạo rộng rãi trên địa bàn. Đến nay, toàn TP. Tuyên Quang có 40 ha rau an toàn ở phường Hưng Thành, Ỷ La, Tân Hà và Đội Cấn; hơn 19.500 m2 đất trồng ổi ở xã Kim Phú, sản lượng đạt 38 tấn/năm được cấp giấy chứng nhận VietGAP; quy hoạch vùng sản xuất lúa chất lượng cao 410 ha theo hướng VietGAP tại xã Kim Phú, phường Tân Hà, Ỷ La theo dự án liên kết…
“Thời gian tới, để thúc đẩy phát triển sản xuất các mặt hàng nông sản theo hướng an toàn và bền vững, thành phố khuyến khích doanh nghiệp, HTX tham gia liên kết tiêu thụ nông sản an toàn cho người dân. Bên cạnh đó, ưu tiên nguồn lực tài chính xây dựng đồng bộ kết cấu hạ tầng và hỗ trợ nông dân, các tổ hợp tác, HTX mua sắm những loại máy móc hiện đại phục vụ khâu sản xuất, chế biến, bảo quản sản phẩm”, Chủ tịch UBND TP. Tuyên Quang Tô Hoàng Linh nói.
Mai Ngọc