Mặc dù, thời gian qua đã đạt được nhiều kết quả khả quan trong xây dựng NTM nhưng không vì thế mà Nà Bó lơ là phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Theo đó, năm qua do ảnh hưởng của dịch Covid-19, xã vẫn đặt mục tiêu cụ thể, tự làm khó mình để phấn đấu xây dựng NTM nâng cao.
Kinh tế nông nghiệp bứt phá
Ở Nà Bó, nhiều người biết đến HTX Nông nghiệp Ngọc Hoàng (tiểu khu 7, xã Nà Bó) không chỉ là nơi tạo nhiều công ăn việc làm cho người dân mà còn là một HTX đi đầu trong ứng dụng công nghệ vào sản xuất. Với quy mô hơn 70 ha trồng thanh long ruột đỏ, trong đó 50% diện tích ứng dụng công nghệ tưới phun tự động có kiểm soát, và lắp camera giám sát theo dõi quy trình chăm sóc, thu hái. HTX đang trở thành một hình mẫu trong sản xuất nông nghiệp trên địa bàn.
Mô hình thanh long ruột đỏ của HTX Ngọc Hoàng đã góp phát triển kinh tế Nà Bó khởi sắc. |
Giám đốc HTX Nguyễn Quang Vinh là một trong những tấm gương điển hình của Nà Bó về chuyển đổi sản xuất, đưa giống thanh long ruột đỏ về địa phương trồng từ năm 2011, mang sức lan tỏa đến nhiều hộ dân, tạo việc làm, tăng thu nhập cho các thành viên.
Với định hướng lâu dài, năm 2016 ông Vinh đã liên kết với 23 hộ nông dân thành lập HTX nông nghiệp Ngọc Hoàng, đầu tư trồng thanh long tạo vùng chuyên canh hàng hóa.
Trước đây, khi chưa biết đến HTX, kinh tế gia đình anh Nguyễn Văn Nam (tiểu khu 7, xã Nà Bó) chủ yếu phụ thuộc vào cây ngô, cây mía trên diện tích nương nên lúc nào cũng túng thiếu, nợ nần.
Nhận được sự tư vấn, hỗ trợ HTX Ngọc Hoàng, anh chuyển đổi 5.000 m2 sang trồng thanh long và nhận thấy đây chính là hướng đi đúng đắn. Hơn 4 năm qua, gia đình anh Nam đã vươn lên thoát nghèo, trở thành diện kinh tế khấm khá trong vùng, thu lãi hàng trăm triệu mỗi năm.
Không chỉ anh Nam mà hiện nay, hơn 52 thành viên và hơn 100 hộ nông dân tại các huyện Sông Mã, Thuận Châu… cũng được hỗ trợ, giúp đỡ kỹ thuật trồng cây thanh long ruột đỏ, cùng nhau xóa đói, giảm nghèo, làm giàu bền vững. Thanh long ở đây được trồng hoàn toàn theo hướng hữu cơ để bảo đảm chất lượng tốt nhất.
Hiện nay, giá thanh long ruột đỏ có giá 25.000-30.000 đồng/kg, cao gấp 2 lần giá bán ngoài thị trường, bình quân các hộ thu từ 250-270 triệu đồng/năm/ha.
Bên cạnh đó, nhờ sự hỗ trợ của huyện Mai Sơn trong việc quảng bá, giới thiệu sản phẩm nông sản, xúc tiến tiêu thụ và xuất khẩu sản phẩm, trái thanh long ruột đỏ của HTX đã có đầu ra ổn định tại hệ thống các siêu thị lớn và các cửa hàng thực phẩm sạch như:Vinmart, BigC, Lotte, Aeon...
Từ năm 2020, trái thanh long ruột đỏ của HTX đã được xuất khẩu sang thị trường Liên bang Nga. Đến nay, HTX đã ký kết bao tiêu 150 tấn thanh long ruột đỏ ở huyện Thuận Châu sang thị trường khó tính này. Đó là sự nỗ lực và thành công lớn của các cấp, ngành cùng HTX, đặc biệt đã tạo niềm tin và nâng cao thu nhập cho người nông dân.
Tương tự như ông Đoàn Văn Tấn, tiểu khu Thành Công là một trong những nông dân tiên phong chuyển đổi cây trồng từ trồng ngô sang trồng nhãn với hơn 3 ha. Năm nay là vụ thứ 6 vườn của ông Tấn cho trái, năng suất đạt 18-20 tấn/ha, thu lãi đều 250-300 triệu đồng/năm, tạo việc làm mùa vụ cho 15-20 lao động địa phương.
Từ mô hình quy mô mang tính đột phá, sáng tạo của HTX Ngọc Hoàng hay tiên phong chuyển đổi cây trồng như gia đình ông Tấn đã lan tỏa ra toàn xã và trở thành phong trào chuyển đổi cây trồng kém hiệu quả sang trồng các loại cây ăn quả có giá trị kinh tế cao.
Nếu như năm 2015, toàn xã có chưa đầy 60 ha cây ăn quả, thì đến năm 2020 đã có 554 ha, tăng gần 10 lần; giá trị thu hoạch đạt 156 triệu đồng/ha/năm, tăng 123 triệu đồng so với với năm 2015… góp phần thay đổi diện mạo nông thôn Nà Bó, tạo bước đệm xây dựng NTM nâng cao.
Duy trì, nâng cao chất lượng trong xây dựng NTM
Ông Lê Đình Thuân, Chủ tịch UBND xã Nà Bó, cho biết: Sau khi đạt chuẩn NTM, bên cạnh việc tiếp tục phát triển kinh tế nông nghiệp, xã tiếp tục rà soát, đánh giá, xây dựng kế hoạch, giải pháp giữ và nâng cao chất lượng các tiêu chí NTM, phấn đấu NTM nâng cao vào năm 2025.
Các tuyến đường liên xã được Nà Bó đầu tư và mở rộng, tạo điều kiện cho người dân đi lại thuận tiện. |
Bà Đào Thị Lý, tiểu khu 8, xã Nà Bó chia sẻ: Từ khi xã về đích NTM, cuộc sống của người dân chúng tôi cải thiện đáng kể. Được tuyên truyền, vận động về chủ trương Nhà nước và nhân dân cùng làm, chúng tôi mừng lắm. Gia đình tôi cũng đã tự nguyện hiến trên 500m2 đất, xê dịch các hàng rào và chỉnh trang tường nhà để con đường được sạch đẹp, góp phần xây dựng diện mạo của xã ngày càng giàu đẹp hơn.
Được biết, đến nay, toàn xã có 96,2% hộ được sử dụng điện thường xuyên, an toàn; 13/13 bản có nhà văn hóa, hoặc hội trường đa năng, sân thể thao, hệ thống loa truyền thanh; xã không còn nhà tạm, nhà dột nát; thu nhập bình quân đầu người đạt 37 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống 2,92%; tỷ lệ người có việc làm thường xuyên đạt trên 92%. Tính đến tháng 11/2020, xã đã đạt 19/19 tiêu chí.
Nhằm duy trì, nâng cao chất lượng trong xây dựng NTM, cụ thể, trong 9 tháng đầu năm 2021, xã đã triển khai trồng mới được 8 ha cây nhãn, na, dâu tây, nâng tổng diện tích cây ăn quả toàn xã lên hơn 545 ha, trong đó, một số diện tích cây ăn quả đã được thu hoạch, cho thu nhập ổn định; trồng mới hơn 42 ha cây lâm nghiệp. Nhờ vậy, đời sống của người dân không ngừng được cải thiện, thu nhập bình quân đầu người ngày càng tăng.
Bên cạnh đó, Nà Bó triển khai thi công hoàn thành và nghiệm thu bàn giao đưa vào sử dụng 6,2 km đường bê tông xi măng theo Nghị quyết 77 của HĐND tỉnh.
Nhờ sự chung sức đồng lòng của cả hệ thống chính trị và nhân dân, đến nay, đường xã và đường từ trung tâm xã Nà Bó đến huyện Mai Sơn đã được nhựa hóa đạt 8/8km. Tỷ lệ km đường trục bản, tiểu khu, và đường liên bản được cứng hóa đạt chuẩn theo cấp kỹ thuật của Bộ Giao thông Vận tải đạt 11,6/22,8km, đạt 50,88%. Tỷ lệ đường ngõ, xóm sạch và không lầy lội vào mùa mưa là 7,9/15,58 km, đạt 50,71%...
Tuy nhiên, Nà Bó vẫn còn khoảng hơn 20km đường chưa được bê tông hóa, tập trung tại 4 bản vùng cao. Trong đó, 2 bản khó khăn nhất là Sơn Tra, Cáp Na; chủ yếu là đồng bào Khơ Mú và đồng bào Mông sinh sống. Dân cư thưa thớt, kinh tế khó khăn, nên khi thực hiện xã hội hóa, để huy động sự đóng góp với nhân dân cũng đang là vấn đề nan giải với xã.
“Để thực hiện mục tiêu phấn đấu xây dựng xã đạt chuẩn NTM nâng cao đến năm 2025, Nà Bó tiếp tục vận động nhân dân thực hiện chuyển đổi hình thức sản xuất theo hướng liên kết bao tiêu sản phẩm, ứng dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật, mạnh dạn tham gia các mô hình kinh tế tập thể, HTX trong sản xuất trồng trọt, chăn nuôi gắn với bảo vệ môi trường”, ông Lê Đình Thuân, Chủ tịch UBND xã Nà Bó thông tin.
Huyền Thương