Đến nay, Thoại Sơn đã có 11/14 xã đạt chuẩn NTM nâng cao và phấn đấu xây dựng 100% xã trên địa bàn huyện đạt chuẩn NTM nâng cao ngay trong năm 2021.
Kinh tế tập thể là nền tảng
Khi mới bắt tay vào xây dựng NTM, Thoại Sơn đã tập trung huy động mọi nguồn lực để đầu tư, nâng cấp cơ sở hạ tầng nông thôn theo hướng đồng bộ, hiện đại phục vụ có hiệu quả yêu cầu về sản xuất, đời sống của nhân dân.
Huyện Thoại Sơn tăng cường liên kết sản xuất hàng hóa, ứng dụng công nghệ cao, nâng cao thu nhập cho bà con nông dân. |
Cùng với đó, huyện cũng tích cực đổi mới các hình thức tổ chức sản xuất nông nghiệp theo hướng tăng cường liên kết sản xuất hàng hóa, ứng dụng công nghệ cao, xác định kinh tế tập thể là nền tảng.
Đi vào hoạt động từ năm 2020, HTX nông nghiệp Sơn Hòa (xã Vọng Đông) đã thu hút hơn 20 thành viên tham gia với số vốn huy động ban đầu là 300 triệu đồng.
HTX được thành lập với mục tiêu phát triển kinh tế bền vững trong sản xuất hàng hóa tại địa phương và áp dụng công nghệ khoa học vào sản xuất nông nghiệp; cung cấp vật tư đầu vào như phân bón, giống, thuốc trừ sâu; dịch vụ phun xịt thuốc bảo vệ thực vật, dịch vụ cấy lúa, cày, xới, thu hoạch gặt đập liên hợp và tiêu thụ sản phẩm sau thu hoạch…; phục vụ cho hoạt động dịch vụ nông nghiệp với diện tích khoảng 400 ha.
Từ trước đến nay, mỗi khi vào mùa vụ, nỗi lo bài toán đầu ra nông sản của bà con nông dân, HTX lại thường trực, nhưng kể từ khi Liên hiệp HTX Thoại Sơn (ấp Sơn Lập, xã Vọng Đông) ra đời thì điều này đã hoàn toàn được hóa giải.
Đây là liên hiệp HTX chuyên ngành lúa gạo đầu tiên của An Giang, được thành lập với sự hỗ trợ của tỉnh, UBND huyện Thoại Sơn và Tập đoàn Lộc Trời, thu hút 7 thành viên là các HTX bao gồm Hòa Tân, Tân Đông, Vọng Thê, Thắng Lợi, Sơn Hòa, Bình Thành, An Bình.
Ông Nguyễn Thành Thân, Giám đốc Liên hiệp HTX Thoại Sơn cho biết: Liên hiệp HTX ra đời hoạt động sản xuất hàng hóa nông nghiệp tập trung gắn với chuỗi giá trị từ sản xuất, chế biến đến bao tiêu sản phẩm nhằm giúp nâng cao chất lượng, giá trị nông sản trên thị trường, mang lại thu nhập cho thành viên và người dân. Đồng thời, tạo điều kiện để các thành viên tương trợ, giúp đỡ lẫn nhau trong quá trình sản xuất, kinh doanh thông qua việc tổ chức tốt quy mô sản xuất.
Ông Phan Thành Bắc, Chủ tịch Hội đồng quản trị HTX nông nghiệp Sơn Hòa, thành viên Liên hiệp HTX Thoại Sơn cho hay: Từ mô hình Liên hiệp HTX cho thấy, việc liên kết với doanh nghiệp cho năng suất cao và có giá bán tốt hơn so với vụ trước, các thành viên thu lợi nhuận trên 30%, giảm thiểu rủi ro cho người trồng lúa.
Mô hình HTX nông nghiệp trên địa bàn huyện từng bước được củng cố và hoạt động hiệu quả hơn sau khi Luật HTX năm 2012 ra đời, góp phần xây dựng huyện NTM nâng cao.
Theo Phòng NN&PTNT huyện Thoại Sơn, 6 tháng đầu năm 2021, toàn huyện có 24 HTX nông nghiệp, với 1.048 thành viên, diện tích phục vụ của HTX đạt 5.266ha. Doanh thu bình quân một HTX nông nghiệp 6 tháng đầu năm 2021 đạt 1,74 tỷ đồng, lãi bình quân 125 triệu đồng, thu nhập bình quân của lao động làm việc thường xuyên 3,5 triệu đồng/tháng.
Tăng tốc về đích huyện NTM nâng cao
Những năm trở lại đây, người dân xã Vọng Thê phấn khởi bởi diện mạo NTM đã thay đổi rõ rệt. Những tuyến đường liên thôn, liền xóm đều được bê tông kiên cố, sạch sẽ.
Hiện, Thoại Sơn đã có 11/14 xã đạt chuẩn NTM nâng cao, phấn đấu sang năm 2022 trở thành huyện NTM nâng cao. |
Bồn hoa, đèn cao áp được xây dựng tạo nên cảnh quan rất ấn tượng cho đường làng ngõ xóm nơi đây, nhà cửa khang trang thay đổi diện mạo làng quê.
Ông Bùi Văn Ơn (xã Vọng Thê) cho biết: “Nhờ sự hỗ trợ của huyện, cùng các cấp chính quyền địa phương, người dân chúng tôi chung tay, chung sức làm đẹp quê hương mình. Giờ đây, đi đến đâu đều là bồn hoa, sạch sẽ, người dân rất phấn khởi”.
Không riêng gì xã Vọng Thê, kể từ khi thực hiện Chương trình NTM, nhiều xã trên địa bàn Thoại Sơn cũng từng ngày “thay da đổi thịt”.
Ông Lê Quốc Thắng, Chủ tịch UBND xã Vọng Thê chia sẻ: Vọng Thê đã về đích NTM nâng cao sớm hơn lộ trình của huyện một năm. Để duy trì và tiếp tục duy trì chuẩn xã NTM nâng cao, hiện người dân tại địa phương đã mạnh dạn chuyển đổi cây trồng, vật nuôi, diện tích giống lúa chất lượng cao hàng vụ từ 120 - 160ha, đảm bảo nhu cầu giống sản xuất trong xã và khu vực lân cận. Giá trị sản xuất nông nghiệp bình quân trên 1ha đất canh tác đạt 108,7 triệu đồng/năm.
Cùng với đó, hệ thống điện, nước, đường, trường, trạm… được đầu tư, nâng cấp. Tổng vốn đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng NTM của xã gần 155 tỷ đồng, trong đó vốn nhân dân đóng góp trên 40 tỷ đồng.
Đến nay, toàn huyện có 100% xã, thị trấn được công nhận đạt chuẩn NTM; 20 thôn đạt chuẩn NTM kiểu mẫu, 235 vườn mẫu đạt chuẩn. Phấn đấu sang năm 2022, Thoại Sơn trở thành huyện NTM nâng cao.
Bà Nguyễn Thị Minh Kiều, Chủ tịch UBND huyện cho biết: Tính đến thời điểm này, 3 xã Vọng Thê, Tây Phú và Vĩnh Khánh đạt 19/19 tiêu chí NTM và 35/35 chỉ tiêu xã NTM nâng cao, nâng số xã NTM nâng cao của huyện lên 11/14 xã. Đạt được những kết quả đó là do nỗ lực của 3 địa phương trong bối cảnh chịu tác động mạnh của dịch Covid-19. 3 xã đã làm tốt các tiêu chí về hạ tầng cơ sở, điện, công nghệ thông tin và cải thiện thu nhập người dân…, được xem là 3 xã điểm NTM nâng cao của huyện Thoại Sơn.
Lộ trình về đích huyện NTM nâng cao không còn xa, Thoại Sơn đang dồn hết nguồn lực, tăng tốc nâng cao thu nhập bình quân người dân khu vực nông thôn đạt 63 triệu đồng; giá trị sản xuất bình quân/ha đất nông nghiệp đạt 195 triệu đồng; phát triển mới 36 doanh nghiệp trên địa bàn; tỷ lệ trường học đạt chuẩn quốc gia đạt 75%; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 0,99%; tổng thu ngân sách 636 tỷ đồng; đầu tư mở rộng 36km đường và đầu tư xây dựng 9 cây cầu giao thông nông thôn…
Theo Chủ tịch UBND huyện Nguyễn Thị Minh Kiều: Để đạt mục tiêu vào năm 2022, huyện cần có thêm 3 xã đạt chuẩn NTM nâng cao, đề nghị tỉnh sớm ban hành bộ tiêu chí xã NTM nâng cao cùng những cơ chế, chính sách hỗ trợ cho chương trình, tạo điều kiện để huyện “cán đích” theo đúng lộ trình, góp phần xây dựng nên những “miền quê đáng sống”.
Mai Ngọc