Năm 2011, thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, xã miền núi Yên Hòa mới chỉ đạt 3/19 tiêu chí, là xã đứng trong tốp cuối của huyện Yên Mô. Thế nhưng chỉ 3 năm sau, xã đã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới. 5 năm sau, tức là vào năm 2020, xã tiếp tục được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu và trở thành mô hình điểm trong xây dựng nông thôn mới của huyện.
Phát triển sản xuất hàng hóa, nâng cao thu nhập
Trước tình hình thực tế của địa phương, UBND xã đã rà soát, bổ sung quy hoạch mở rộng diện tích lúa gieo vãi, lúa chất lượng cao; mở rộng vùng sản xuất rau rút, rau cần – ươm nuôi cá giống; chuyển đổi diện tích cấy lúa kém hiệu quả sang sản xuất lúa - cá; chuyển diện tích trồng lúa kém hiệu quả sang trồng cây ăn quả kết hợp nuôi thủy sản, xây dựng các mô hình “ao nổi”, thâm canh thủy đặc sản...
Để đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp sớm đi vào cuộc sống thông qua việc đồng hành cùng người dân, HTX tháo gỡ các vướng mắc trong sản xuất đồng thời tổ chức các buổi tham quan mô hình chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp tại các tỉnh lân cận.
Rau rút là một trong những đặc sản ở xã Yên Hòa được chú trọng phát triển. |
Nhằm tạo thuận lợi cho liên kết sản xuất và tiêu thụ các sản phẩm đặc sản của xã, năm 2017 xã đã thành lập HTX sản xuất, tiêu thụ cây con đặc sản an toàn Yên Hòa với 54 thành viên. HTX đã thực hiện ký kết hợp đồng cung ứng giống và bao tiêu toàn bộ sản phẩm cá chạch sụn với 1 doanh nghiệp ở tỉnh Nam Định với giá thu mua là 80.000 đồng/kg.
HTX cũng tích cực đẩy mạnh tìm kiếm, mở rộng thị trường; xây dựng thương hiệu cho sản phẩm rau rút – rau cần làng Liên Trì và các sản phẩm khác như chuối tây, rau màu, đồng thời mở rộng thị trường tiêu thụ cho các mặt hàng sản xuất.
Đến nay, Yên Hòa đã hình thành các vùng sản xuất chuyên canh hàng hóa tập trung, đảm bảo an toàn thực phẩm có quy mô lớn. Trong đó, vùng sản xuất chuyên canh rau cần, rau rút kết hợp ương nuôi cá giống có diện tích gần 70 ha. Diện tích sản xuất lúa - cá là 84 ha, diện tích trồng chuối tây Thái Lan kết hợp nuôi cá là 15 ha.
Để thuận tiện cho việc sản xuất, xã đẩy mạnh tích tụ ruộng đất, sử dụng các loại giống mới đi liền với cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp. Hiện 100% khâu làm đất, 100% diện tích lúa được thu hoạch bằng máy gặt đập liên hợp.
Sản xuất hàng hóa đi liền với tái cơ cấu nông nghiệp đã giúp đời sống nhân dân được nâng cao. Đến nay, thu nhập bình quân của người dân là 51,8 triệu đồng. 100% đường trục xã, liên xã được nhựa hóa và bê tông đạt chuẩn. Tỷ lệ các trục chính khu trung tâm xã, thôn, ngõ xóm có lề đường và có đèn chiếu sáng đạt trên 87%.
Xây dựng làng, xã thông minh
Sau khi đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu, Yên Hòa tiếp tục thực hiện chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới, hướng tới nông thôn mới thông minh trong giai đoạn 2021-2025.
Việc đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ số không chỉ trong hoạt động quản lý, điều hành, giám sát của cơ quan chính quyền mà còn được chú trọng ngay trong quá trình sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, HTX, làng nghề, nhất là trong Chương trình OCOP.
Tiêu biểu như HTX sản xuất, tiêu thụ cây con đặc sản an toàn Yên Hòa đã đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào quảng bá, giới thiệu, tiêu thụ nông sản cho người dân và thành viên.
HTX Yên Hòa đổi mới phương thức đóng gói cá chạch sụn sau quá trình đưa sản phẩm lên sàn thương mại điện tử. |
Ngoài sử dụng mạng xã hội như zalo, facebook cá nhân, HTX còn xây dựng trang điện tử http://dacsanyenhoa.com/, đưa sản phẩm lên sàn giao dịch thương mại điện tử PostMart, thực hiện giao hàng tận nơi cho khách hàng. Nhờ đó, sản phẩm của HTX đã có mặt ở các tỉnh thành phố trên cả nước và còn phục vụ xuất khẩu. Trung bình một tháng, HTX bán được 700-800 niêu cá chạch sụn kho niêu đất, tăng gấp 3 lần so với phương thức kinh doanh truyền thống.
Để thuận tiện cho việc chuyển đổi số, xã Yên Hoà đã thiết lập mạng nội bộ LAN đồng bộ. 10/10 thôn, xóm đã được kết nối Internet. Tỷ lệ người dân sử dụng điện thoại thông minh (smartphone) chiếm tỷ lệ cao, khoảng 70% dân số. Tỷ lệ hộ dân trên địa bàn xã được tiếp cận và sử dụng Internet chiếm tỷ lệ 90%. 100% các cơ quan, đơn vị trên địa bàn xã được trang bị máy tính và có kết nối Internet phục vụ cho công việc.
Xã đã lắp đặt và triển khai hệ thống thanh toán điện tử thông qua chuyển khoản tài khoản ngân hàng, quét mã QR tại trụ sở UBND xã và Trạm y tế, hệ thống thanh toán máy bằng quẹt thẻ ngân hàng tại UBND xã.
Việc xây dựng được mã địa chỉ trên nền tảng bản đồ số, mỗi gia đình, cơ quan, đơn vị được mã hóa bởi 1 địa chỉ cũng được thực hiện. Đến nay, trên địa bàn xã đã thu thập được 2.065 địa chỉ gia đình, cơ quan, đơn vị. 100% thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền của xã (115 thủ tục) được tiếp nhận và giải quyết trên hệ thống một cửa điện tử. Hệ thống camera an ninh được lắp đặt tại 72 điểm, phủ 100% địa bàn xã. Người dân cũng nhận thức rõ hơn và hợp tác thực hiện chuyển đổi số trên địa bàn.
Tùng Lâm