Kể từ đầu năm 2024 đến nay, hàng tuần, HTX GAP Cù Lao Giêng (huyện Chợ Mới) đều đặn có những chuyến hàng xuất khẩu xoài tượng da xanh và xoài hạt lép sang thị trường Úc và New Zealand. Trong nửa đầu năm, HTX xuất khẩu thành công hơn 200 tấn xoài các loại.
Trái xoài vượt biển lớn
Ông Nguyễn Minh Hiền, Giám đốc HTX GAP Cù Lao Giêng, cho hay những năm qua, ảnh hưởng của thời tiết cực đoan, khô hạn kéo dài, khiến hoạt động sản xuất của thành viên HTX và nông dân địa phương gặp không ít khó khăn.
Tuy nhiên, với sự linh hoạt, sáng tạo trong ứng dụng khoa học kỹ thuật, hoàn thiện phương thức sản xuất theo hướng an toàn, các loại trái cây thế mạnh trên địa bàn huyện Chợ Mới, trong đó có xoài luôn đảm bảo chất lượng, từ đó chinh phục người tiêu dùng cả trong và ngoài nước.
Xoài An Giang đang được xuất khẩu đi nhiều thị trường lớn, khó tính nhờ chất lượng vượt trội. |
Riêng với trái xoài, năm 2024 đang có nhiều thuận lợi với sản lượng xuất khẩu tăng 30% so với cùng kỳ năm trước. Đáng chú ý, sau Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, quả xoài ở Chợ Mới chinh phục thêm thị trường Úc và Mỹ.
Việc có “visa” sang các thị trường vốn nổi tiếng khó tính là chìa khóa giúp HTX GAP Cù Lao Giêng nói riêng và những người trồng xoài ở Chợ Mới giải bài toán tiêu thụ, làm giàu bền vững. “Xuất khẩu thuận lợi nên các thành viên HTX ai cũng mừng, cứ đều đều mỗi tuần từ 6 đến 15 tấn xoài”, ông Hiền chia sẻ.
HTX GAP Cù Lao Giêng hiện có 35 thành viên, cùng với 243 hộ nông dân liên kết, sản lượng trái đạt trên 6.000 tấn/năm, chủ lực là xoài tượng da xanh và xoài hạt lép. Sắp tới, cùng với việc kết nối mở rộng thị trường tiêu thụ, HTX tiếp tục nâng cao diện tích theo hướng bền vững.
Chợ Mới là huyện cù lao có diện tích trồng xoài lớn nhất tỉnh An Giang, với hơn 6.400 ha xoài các loại. Trong đó, xoài tượng da xanh tập trung chủ yếu ở 3 xã Tấn Mỹ, Mỹ Hiệp, Bình Phước Xuân. Nhiều năm qua, cây xoài trở thành cây kinh tế chủ lực tại các địa phương.
Không chỉ ở Chợ Mới, trong những năm gần đây, cây xoài đang trở thành một trong những nông sản xuất khẩu chủ lực trên toàn tỉnh An Giang, mang lại thu nhập cao, góp phần xóa đói giảm nghèo cho người dân, phát triển kinh tế xã hội tại nhiều địa phương.
Điển hình, An Phú đang là huyện biên giới có diện tích trồng xoài lớn thứ hai của tỉnh An Giang, chỉ sau huyện Chợ Mới, với các giống xoài keo ngon, chất lượng, bắt đầu chinh phục nhiều thị trường khó tính. An Phú hiện có trên 2.048 ha trồng cây ăn quả, trong đó diện tích trồng xoài vào khoảng 1.950ha, sản lượng bình quân 40 - 70 tấn/ha/năm.
Ấn tượng trái nhãn xuồng
Cùng với trái xoài, nhãn xuồng cũng đang là một trong nhiều loại trái cây thế mạnh của tỉnh An Giang. Các xã Khánh Hòa, Mỹ Đức thuộc huyện Châu Phú đang là vùng trồng nhãn lớn và có tiếng nhất trên địa bàn tỉnh. Trong đó, xã Khánh Hòa đã có vùng quy hoạch nhãn khoảng 200 ha đất trồng.
Nhãn xuồng cũng là cây thế mạnh về xuất khẩu ở An Giang, mang lại thu nhập cao cho nông dân. |
Theo những người trồng nhãn địa phương, nhãn xuồng “bén rễ” đất Châu Phú từ khoảng những năm 2000. Từ những khu vườn nhỏ, nay nhãn xuồng được nhân rộng ra hàng trăm ha. Nhãn cho thu hoạch mỗi năm một vụ, bắt đầu từ sau Tết, vào chính vụ từ tháng 6 âm lịch và kéo dài đến độ tháng 7, tháng 8.
Nếu được chăm sóc tốt, nhãn xuồng cho năng suất bình quân 8-10 tấn/ha, giá bán thường ở mức 40-60 nghìn đồng/kg, lúc cao có thể lên tới 80-100 nghìn đồng/kg. Điều được đánh giá cao ở trái nhãn là ít khi gặp cảnh “được mùa dội chợ”.
HTX thương mại dịch vụ du lịch nông nghiệp Khánh Hòa là một trong những “lá cờ đầu” trong phát triển mô hình trồng nhãn ở Châu Phú. Hiện, HTX có 25 thành viên, diện tích canh tác trên 41ha và đang trong giai đoạn mở rộng diện tích.
Kể từ khi được thành lập, HTX đã giúp các thành viên và nông dân địa phương tìm kiếm thị trường tiêu thụ, đảm bảo đầu ra để người nông dân yên tâm canh tác, nâng cao chất lượng, nâng cao giá trị cho nhãn xuồng cơm vàng.
Ông Nguyễn Văn Thẳng, Giám đốc HTX, cho hay vùng trồng nhãn chất lượng cao của HTX đã được cấp mã số vùng trồng xuất khẩu chính ngạch sang thị trường các nước Úc, Hoa Kỳ và Trung Quốc.
Nhờ áp dụng khoa học kỹ thuật, nâng cao chất lượng nông sản sạch, sản phẩm nhãn xuồng Khánh Hòa đã được đánh giá, xếp hạng sản phẩm OCOP 3 sao. Đây là động lực thúc đẩy người nông dân tiếp tục chuyển đổi vùng đất lúa kém hiệu quả sang trồng cây ăn trái.
Mở rộng thị trường xuất khẩu
Cùng với nhãn xuồng, xoài, sầu riêng, ở An Giang còn rất nhiều loại trái cây khác đang được xuất khẩu, mang lại thu nhập cao cho nông dân, HTX.
Theo Sở Công thương tỉnh An Giang, trong 6 tháng đầu năm 2024, ước sản lượng rau quả xuất khẩu của địa phương đạt trên 68.000 tấn, tương đương 34,9 triệu USD, tăng 14,7% về kim ngạch so cùng kỳ năm 2023.
Trong đó, HTX, doanh nghiệp xuất khẩu đạt gần 14.000 tấn, tương đương 22,6 triệu USD, tăng gấp 2 - 3 lần so cùng kỳ về lượng và kim ngạch, thị trường chủ yếu xuất khẩu sang Trung Quốc, Malaysia, Ba Lan, Bỉ, Hồng Kông, Úc...
Với những thành công đang có, tỉnh An Giang đang tập trung phát triển sản xuất cây ăn trái chủ lực theo vùng chuyên canh tập trung; tổ chức lại sản xuất theo hướng tiên tiến, hiện đại theo yêu cầu thị trường, hướng tới đưa trái cây An Giang xuất khẩu sang các thị trường có yêu cầu cao.
Năm 2024, ngành nông nghiệp An Giang dự kiến chuyển đổi diện tích lúa sản xuất kém hiệu quả sang trồng các loại cây ăn trái chủ lực, xây dựng vùng chuyên canh cây ăn trái tập trung trên địa bàn tỉnh với quy mô trên 10.000ha.
Tỉnh cũng dành nguồn lực phát triển, hình thành vùng sản xuất chuyên canh cây ăn trái tập trung gồm xoài, chuối cấy mô, sầu riêng, nhãn, cây có múi… phân bổ trên địa bàn 33 xã, phường thị trấn tại 8 huyện, thành, thị xã như Chợ Mới, Tri Tôn, Tịnh Biên, An Phú, Tân Châu, Long Xuyên, Châu Phú và huyện Châu Thành.
Trong đó, tỉnh dự kiến mở rộng vùng chuyên canh xoài tập trung với tổng diện tích gần 8.950ha, vùng chuyên canh nhãn tập trung với diện tích 330ha. Tỉnh cũng sẽ mở rộng vùng chuyên canh sầu riêng tăng thêm 30ha, nâng tổng diện tích trồng sầu riêng trên toàn tỉnh là 280ha, tập trung tại các huyện Chợ Mới, Tri Tôn, Châu Phú và Châu Thành.
Cùng với mở rộng diện tích, tỉnh sẽ đẩy mạnh xuất khẩu trái cây chính ngạch của tỉnh sang thị trường Trung Quốc, đồng thời mở rộng xuất khẩu đối với các thị trường tiềm năng như EU, Nhật, Mỹ, Úc, Hàn Quốc…
Đến năm 2025, An Giang phấn đấu cấp mới 225 mã số vùng trồng cho vùng sản xuất chuyên canh cây ăn trái với diện tích gần 4.100ha, đáp ứng yêu cầu của thị trường xuất khẩu.
Mỹ Chí