Ông Trần Phước Sơn, Chủ tịch HĐQT HTX cây ăn trái Thái Thanh, xã Thới Hưng, huyện Cờ Đỏ cho hay thanh nhãn là giống nhãn đặc sản có hương vị thơm ngon đặc biệt. Việc xử lý cho cây ra hoa, đậu quả và chín sớm là một "bài toán đánh đổi". Quả chín sớm thì có giá cao, nhưng ẩn chứa nhiều rủi ro khi hoa dễ bị cháy, rụng, năng suất giảm.
“Liều ăn nhiều”
Theo vị đại diện HTX, nếu xử lý tốt, thời tiết thuận lợi, thanh nhãn chín sớm vẫn có thể cho năng suất 15-20 tấn/ha, nhưng đòi hỏi nhà vườn phải thu hoạch kịp thời để đảm bảo chất lượng, đặc biệt là khi xuất khẩu. Nếu thu hoạch chậm, thời tiết xấu, trái sẽ xuống mã rất nhanh.
Hiểu rõ những rủi ro khi xử lý thanh nhãn cho trái chín sớm nhưng không ít nhà vườn ở Cần Thơ những năm gần đây vẫn chấp nhận, vì… “liều ăn nhiều”.
Vụ mùa năm 2024 này là một trong những vụ “liều ăn nhiều” như vậy, thanh nhãn sớm đầu mùa ở Cờ Đỏ (Cần Thơ) đang có giá rất cao, các nhà vườn hái đến đâu bán hết đến đó, vừa phục vụ người tiêu dùng trong nước vừa xuất khẩu, lãi dự kiến đạt 300-500 triệu đồng/ha sau khi trừ chi phí.
Thanh nhãn chín sớm ở Cần Thơ đang có giá cao, tiêu thụ thuận lợi. |
Sở hữu vườn thanh nhãn rộng hơn 2,5 ha, anh Đặng Thanh Tâm, thành viên HTX cây ăn trái Thái Thanh (xã Thới Hưng), hồ hởi tiết lộ vụ mùa năm 2024 tiếp tục là một vụ thắng lớn của gia đình anh. Năm nay, vườn thanh nhãn nhà anh Tâm có năng suất tương đương năm trước, đạt hơn 20 tấn/ha.
“Năm nay năng suất thanh nhãn chín sớm không như kỳ vọng, nhưng đổi lại giá cao, đạt bình quân trên dưới 80.000 đồng/kg, lượng hàng xuất khẩu cao. Nhãn cho trái sớm dù năng suất không cao bằng chính vụ nhưng bán được giá, hạn chế tình trạng được mùa dội chợ. Nhờ có thanh nhãn chín sớm, rất nhiều nông dân ở Cờ Đỏ đã thành tỷ phú trong vài năm trở lại đây", anh Tâm chia sẻ.
Cũng là một thành viên của HTX cây ăn trái Thái Thanh, anh Bùi Văn Tài, cho biết nhà anh có 2,5ha trồng thanh nhãn, đã cho 4 vụ thu hoạch trái, năng suất bình quân trên 15 tấn/ha. “Với giá bán ở mức cao trong 3 năm qua, mỗi ha nhãn tôi có lợi nhuận từ 300-400 triệu đồng/năm, cao gấp 10 lần so với khi còn trồng lúa", anh Tài nói.
Thúc đẩy liên kết theo chuỗi giá trị
HTX Cây ăn trái Thái Thanh hiện có 24 thành viên, với diện tích trồng cây ăn trái hơn 133 ha, trong đó có hơn 100 ha trồng thanh nhãn và hơn 30 ha trồng nhãn Ido.
Nhờ liên kết trồng cây ăn trái theo hướng chất lượng, an toàn và có mã số vùng trồng, mặt hàng thanh nhãn của HTX Thái Thanh đã tiêu thụ tốt tại thị trường nội địa và được doanh nghiệp thu mua xuất khẩu vào các thị trường khó tính như Úc, Nhật Bản, Hoa Kỳ...
Các thành viên của HTX Thái Thanh đều có diện tích trồng thanh nhãn khá lớn, hộ thấp nhất có khoảng 2,5ha, hộ cao nhất có thể đạt 15-20ha, tạo điều kiện thuận lợi để phát triển sản xuất lớn, liên kết với các doanh nghiệp để phục vụ xuất khẩu.
Các vùng trồng nhãn ở Cần Thơ đang đẩy mạnh xây dựng vùng trồng chất lượng cao, hướng tới xuất khẩu. |
Một điểm dễ thấy khi về “thủ phủ” thanh nhãn huyện Cờ Đỏ là rất nhiều hộ sản xuất đang bắt tay liên kết thành lập các HTX, tổ hợp tác, hỗ trợ nhau trong sản xuất, từ đó hình thành các vùng trồng nhãn tập trung theo tiêu chuẩn VietGAP, hữu cơ, tạo thuận lợi trong xây dựng mã số vùng trồng, đáp ứng các tiêu chuẩn an toàn phục vụ thị trường trong nước và xuất khẩu.
Thông qua việc hình thành các HTX, tổ hợp tác, gắn với các vùng trồng tập trung, các hộ trồng nhãn có điều kiện, cơ hội để kết nối với các doanh nghiệp, qua đó mở rộng thị trường tiêu thụ, ổn định và nâng cao giá bán sản phẩm nhờ xuất khẩu trái thanh nhãn thành công vào các thị trường khó tính.
Bên cạnh HTX Thái Thanh, HTX Nhãn Thanh Hữu Tâm cũng đang là một trong những lá cờ đầu trong phát triển mô hình trồng thanh nhãn cho hiệu quả vượt trội ở Cờ Đỏ.
Ông Phan Hữu Lợi, Phó Giám đốc HTX Nhãn Thanh Hữu Tâm, cho hay cây thanh nhãn ở Cờ Đỏ cho trái theo mùa tự nhiên, với thời gian thu hoạch trái từ khoảng tháng 7 đến tháng 9 âm lịch. Đây là loại nhãn trái to, cơm dày, ráo nước, hạt nhỏ, ăn thơm ngon và có vị thanh, được người tiêu dùng ưa chuộng.
“Nhờ liên kết với doanh nghiệp đưa hàng xuất khẩu nên thời gian qua thành viên của HTX bán thanh nhãn được giá khá cao, quá đó đảm bảo lợi nhuận từ 250-300 triệu đồng/ha trở lên”, ông Lợi nói, đồng thời cho biết hiện HTX có 12 thành viên, với diện tích canh tác 60 ha và sản lượng trái đạt 500 tấn/năm.
Mở rộng thị trường tiêu thụ
Theo lãnh đạo Phòng NN&PT nông thôn huyện Cờ Đỏ, những năm gần đây, diện tích trồng cây ăn trái trên địa bàn huyện đã liên tục tăng và hiện toàn huyện đã có hơn 4.921 ha cây ăn trái, trong đó có hơn 656 ha nhãn các loại.
Hiện nhãn được trồng tập trung nhiều tại xã Thới Hưng và một số xã ở lân cận như Đông Hiệp và Đông Thắng, với các loại nhãn chất lượng cao như nhãn Ido, thanh nhãn, nhãn xuồng cơm vàng, tiêu da bò...
Đáng chú ý, cây thanh nhãn trồng tại huyện Cờ Đỏ cho chất lượng trái rất ngon và mang lại hiệu quả kinh tế vượt trội cho các các hộ canh tác nhờ nhờ thị trường tiêu thụ ổn định, giá bán cao.
Đặc biệt, như đã nhắc ở trên, nông dân trồng thanh nhãn tại Cờ Đỏ đã chủ động liên kết thành lập các HTX để hình thành các vùng trồng nhãn tập trung, có mã số vùng trồng và sản xuất đạt theo tiêu chuẩn VietGAP và các tiêu chuẩn an toàn để đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước và xuất khẩu.
Đến nay, trái thanh nhãn ở Cờ Đỏ đã được nhiều doanh nghiệp thu mua xuất khẩu thành công vào các thị trường khó tính như Hoa Kỳ, Úc, Canada, Nhật Bản…
Với hiệu quả kinh tế mang lại khá cao và thị trường tiêu thụ còn rộng mở, Cờ Đỏ còn nhiều tiềm năng để phát triển trồng cây thanh nhãn, do vậy huyện đang chủ trương đẩy mạnh hỗ trợ nông dân, HTX phát triển sản xuất theo hướng chất lượng cao, hướng đến xuất khẩu để nâng cao giá trị gia tăng.
Có thể nói, trái thanh nhãn tại huyện Cờ Đỏ nói riêng, tại TP Cần Thơ nói chung đang ngày càng khẳng định thương hiệu, tạo được tiếng vang. Sau những thành công ban đầu, thời gian tới, cả địa phương, các HTX và hộ sản xuất cần chú trọng nâng cao chất lượng sản phẩm, quy hoạch vùng trồng bài bản, xây dựng chỉ dẫn địa lý, từ đó tiếp tục nâng cao uy tín tại thị trường trong nước và mở rộng tên tuổi trên thị trường quốc tế.
Song Ngư