Đến Trà Giang, một xã thuần nông ven đê Trà Lý, hỏi thăm nhà anh Hoàng Văn Nhất, hiếm ai không biết, bởi anh là một điển hình nông dân khởi nghiệp thành công tại địa phương. Cách đây gần 20 năm, anh Nhất là một trong những người đầu tiên đứng ra đấu thầu bãi bồi ven đê để phát triển sản xuất.
Thành công nhờ... dám thay đổi
Nhớ lại con đường khởi nghiệp của mình, anh Nhất không khỏi bồi hồi bởi những sóng gió đã trải qua.
Năm 2006, với diện tích đấu thầu được, anh bắt đầu với mô hình trồng lúa kết hợp nuôi rươi, cáy. Mô hình sản xuất tổng hợp “2 con, 1 cây” mang lại hiệu quả kinh tế khá, tuy nhiên rất bấp bênh bởi việc nuôi trồng còn thô sơ, lạc hậu, phụ thuộc quá nhiều vào thời tiết, thời tiết thuận lợi thì năng suất cao, ngược lại thì mất mùa. Điệp khúc được mùa mất giá cũng liên tục lặp đi lặp lại.
Mô hình trồng lúa kết hợp nuôi rươi đang là lựa chọn của nhiều nông dân trên địa bàn huyện Kiến Xương. |
Quá trình sản xuất phụ thuộc vào “ông trời” đó kéo dài tới hàng chục năm, câu hỏi làm thế nào để cải thiện hiệu quả kinh tế cứ luẩn quẩn trong đầu anh nông dân Thái Bình. Để rồi, đến đầu năm 2020, sau một chuyến tham quan thực tế tại Hải Phòng và Hải Dương, bước ngoặt đã xảy ra.
“Sau chuyến đi, tôi nhận ra mình cần phải thay đổi tư duy sản xuất, không thể cứ mãi nhìn trời. Với suy nghĩ đó, tôi cùng vài người bạn đã tiến hành một cuộc “đại tu” khu trang trại, ứng dụng các loại kỹ thuật mới theo phương thức sản xuất hữu cơ, an toàn sinh thái, đồng thời mở rộng cánh đồng lên 3,5 ha, tập trung chủ lực vào con rươi”, anh Nhất chia sẻ.
Tìm ra con đường mới nhưng không phải cứ làm là thành công. Dù đã đầu tư rất lớn cho việc cải tạo môi trường nước, kiên cố hóa hệ thống bờ giữ nước, điều chỉnh nhiệt độ khi nắng nóng..., nhưng vì thiếu kinh nghiệm nên sự cố đã xảy ra. Cánh đồng không sử dụng hóa chất đã bị các loại sâu bệnh hại tấn công gây thiệt hại nghiêm trọng, năng suất lúa cuối vụ đầu thử nghiệm giảm hơn 90%.
Không bỏ cuộc, anh Nhất chấp nhận thiệt hại để tiếp tục theo đuổi phương pháp sản xuất mới, vừa làm vừa rút kinh nghiệm. Cuối cùng, những nỗ lực đã cho "trái ngọt": vụ rươi năm 2022, gia đình anh thu hoạch được 1,8 tấn rươi, bán với giá 250.000 đồng/kg. Năm 2023, gia đình anh thu về 2,1 tấn rươi, với giá 270.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí, lợi nhuận thu về đạt hàng trăm triệu/ năm.
Năm 2024, nhờ những thành công bước đầu và những bài học kinh nghiệm thu được, gia đình anh Nhất đã mở rộng diện tích thêm 1,5 ha (chủ yếu là ruộng ven đê thấp trũng cấy lúa kém hiệu quả bị bỏ hoang) để cấy lúa và chủ yếu là khai thác rươi.
Ứng dụng công nghệ để nâng cao giá trị
Nếu anh Nhất là một điển hình ở xã Trà Giang, thì ông Nguyễn Thái là một trong những tấm gương sáng ở xã Bình Định. Năm 2017, ông Thái quyết định đầu tư gần 700 triệu đồng để chuyển đổi toàn bộ diện tích trồng lúa kém hiệu quả sang trồng dưa lưới. Quyết định bị nhiều người nói là “gàn dở” khi đó, nhưng những kết quả hiện tại khiến mọi người đều phải trầm trồ.
Sau thời gian thử nghiệm, trải qua không ít khó khăn, ông Thái cho hay trang trại của ông hiện có trên 1.000 gốc dưa chuột và 2.000 gốc dưa lưới được trồng 3 vụ/năm với diện tích 1.500m2 trong nhà màng theo quy trình khép kín, bảo đảm an toàn từ khâu chăm sóc đến thu hoạch.
Diện mạo nông nghiệp huyện Kiến Xương khởi sắc nhờ những nông dân năng động, sáng tạo. |
Đặc biệt, khu sản xuất được ông Thái trang bị hệ thống tưới nước, tưới phân và phòng trừ sâu bệnh tự động bằng công nghệ tưới nhỏ giọt của Israel. Các công đoạn chăm sóc cây đều được cài đặt trên điện thoại thông minh, qua đó giảm thiểu công lao động, nâng cao hiệu quả.
Để gia tăng giá trị sản xuất, theo ông Thái, chất lượng sản phẩm là yếu tố quyết định. Vì vậy, ông cùng các lao động làm việc tại trang trại đều đặc biệt chú ý đến 3 giai đoạn phát triển của dưa, từ nhỏ đến khi có hoa, từ hoa đến đậu quả, cuối cùng là giai đoạn tạo ngọt.
Trong 3 giai đoạn trên, giai đoạn 3 cũng là giai đoạn quyết định đến năng suất, giá trị cây trồng, do đó được ông Thái dành nhiều tâm huyết, công chăm sóc. Một trong những khâu quan trọng là tưới kali để tạo ngọt và thường xuyên đo nồng độ đường đạt tiêu chuẩn mới cho ra thị trường.
Ngoài ra, sản phẩm làm ra phải bảo đảm sạch, kiểm soát chặt chẽ mọi vấn đề về an toàn thực phẩm, các loại hóa chất độc hại bị loại bỏ hoàn toàn, qua đó đáp ứng tiêu chuẩn khắt khe của mọi khách hàng, từ tiểu thương đến các siêu thị.
Nhờ sản xuất khoa học, mỗi năm, ông Thái bán ra thị trường 12-15 tấn dưa lưới, 6 tấn dưa chuột, trừ chi phí thu lãi 250-300 triệu đồng. Năm 2024 này, lợi nhuận của trang trại dự kiến cao hơn các năm trước.
Liên kết để phát triển bền vững
Đáng chú ý, không chỉ là những “cánh chim lẻ”, nhiều nông dân ở Kiến Xương đã chủ động bắt tay, liên kết thành lập HTX, tổ hợp tác để nâng cao nội lực, sức cạnh tranh, hướng tới sản xuất chuỗi, từ đó gia tăng hiệu quả kinh tế.
HTX dịch vụ nông nghiệp xã Vũ An là một trong những điển hình trong tổ chức sản xuất, tạo hiệu quả cao cho nông dân địa phương. Với đóng góp của HTX, rất nhiều sản phẩm chủ lực của xã như khoai tây, dưa gang, lạc đỏ... đang cho giá trị ngày càng cao.
Đặc biệt, để hướng tới xây dựng sản phẩm đặc trưng, đạt tiêu chuẩn OCOP, HTX đã đồng hành cùng ngành nông nghiệp xã Vũ An xây dựng kế hoạch phát triển cụ thể cho từng sản phẩm, trong đó có sản phẩm lạc đỏ, bởi đây là sản phẩm mà ít địa phương có được.
Ông Nguyễn Quang Thế, Giám đốc HTX dịch vụ nông nghiệp xã Vũ An, cho hay lạc là cây trồng có thời gian sinh trưởng sau 100 ngày cho thu hoạch, năng suất thấp cũng đạt 2 tạ/sào, cao là 2,8 tạ/sào với giá bình quân từ 14.000 - 15.000 đồng/kg. Riêng năm 2023, giá bán cao từ 17.000 - 21.000 đồng/kg, người dân thu về bình quân trên 4 triệu đồng/sào.
Cũng vì hiệu quả kinh tế của cây lạc nên xã Vũ An đã quy hoạch mở rộng, từ 2 thôn đến nay phát triển ở 5/5 thôn trồng 53ha. Thời gian tới, xã sẽ tiếp tục mở rộng ra những vùng có thể trồng được với khoảng 80ha, cho ra sản phẩm đóng túi bán trên thị trường.
Tương tự, HTX Sản xuất kinh doanh nông sản Quang Lanh, xã Bình Minh, cũng đang ghi nhận những thành công nhờ mạnh dạn ứng dụng công nghệ kỹ thuật mới vào sản xuất.
Chị Trần Thị Lanh, Chủ tịch HĐQT, Giám đốc HTX, chia sẻ ngay từ những ngày đầu thành lập, chị và các thành viên HTX đã chủ động áp dụng triệt để cơ giới hóa để thay thế hình thức sản xuất truyền thống, giảm sức lao động, chi phí, tăng năng suất, hiệu quả cây trồng.
Bên cạnh đầu tư cho cơ sở vật chất, hoàn thiện quy trình sản xuất, HTX Quang Lanh còn chú trọng thực hiện liên kết bao tiêu sản phẩm, bình quân mỗi vụ xuất bán 300 tấn thóc đi các tỉnh, thành trên cả nước.
Kết quả, HTX đang duy trì sản xuất và bao tiêu sản phẩm cho hơn 200 ha lúa chất lượng cao, bao gồm 100 ha của HTX và hơn 100 ha cho người dân các xã lân cận, đem lại doanh thu trên 500 triệu đồng/năm, tạo việc làm thời vụ cho 30 lao động với thu nhập 5 triệu đồng/người/tháng.
Có thể thấy, cuộc cách mạng trong tư duy và cách thức sản xuất đang giúp nhiều nông dân trên địa bàn huyện Kiến Xương giải phóng sức lao động, nâng cao giá trị canh tác, vươn lên làm giàu bền vững. Sự thay đổi của nông dân chính là nền tảng giúp ngành nông nghiệp huyện liên tục vươn tầm.
Minh Khuê