Thành lập năm 2000, bằng những phương án kinh doanh hợp lý, sự hỗ trợ của Hội CCB tỉnh Bắc Ninh, HTX may Phượng Hoàng (huyện Tiên Du) do CCB Nguyễn Đăng Thể làm Giám đốc đã giải quyết việc làm cho hàng trăm nông dân địa phương và vùng lân cận, giúp nâng cao đời sống người dân.
Tiên phong trên mặt trận xóa đói, giảm nghèo
CCB Nguyễn Đăng Thể chia sẻ, từ khi thành lập đến nay, HTX may Phượng Hoàng đã phối hợp với Phòng LĐ-TB &XH huyện, UBND các xã tổ chức được hàng chục lớp đào tạo nghề cho gần 500 học viên tại địa phương và các xã lân cận, với mức thu nhập thường xuyên từ 5 - 7 triệu đồng/tháng, nhiều người dân đã trở thành lao động chính, đồng thời hướng dẫn cho thành viên trong gia đình làm sản phẩm cho HTX.
Nhiều CCB vươn lên thoát nghèo bền vững và làm giàu chính đáng, góp phần xây dựng quê hương giàu mạnh. |
HĐQT HTX đã từng bước đa dạng hóa sản phẩm, cải tiến chất lượng để giảm chi phí đầu vào, tích cực tìm kiếm đầu ra để ổn định cuộc sống cho người lao động.
Hiện nay, HTX có 170 máy may, 30 máy cắt đầu bàn, 2 ô tô chuyên chở. Lúc cao điểm, bên cạnh sản xuất 60.000-70.000 chiếc màn/tháng, HTX còn chuyển sang may gia công 20.000-30.000 chiếc cặp da/tháng. HTX cũng đứng ra mua máy làm đất, máy gặt đập liên hợp để phục vụ nhu cầu của các thành viên HTX và nông dân trong lúc thời vụ. Những hoạt động này đem lại doanh thu 4-5 tỷ đồng/năm, bảo đảm lợi nhuận và thu nhập ổn định cho các lao động chính.
“Ngoài sản xuất may công nghiệp, HTX đã chuyển hướng thêm mảng sản xuất nông nghiệp công nghệ cao để người lao động có công ăn việc làm ổn định, phù hợp với năng lực và hoàn cảnh sống. Chúng tôi muốn xứng đáng với niềm tin của những người lao động đã cống hiến trọn vẹn cho HTX suốt thời gian qua, đồng thời giúp họ ổn định cuộc sống”, Giám đốc Nguyễn Đăng Thể bày tỏ.
Tại Sơn La, với ý chí kiên cường của người lính, tự lực, tự cường vươn lên phát triển kinh tế gia đình, ông Trần Trọng Bình (huyện Mộc Châu) đã liên kết với các CCB khác thành lập HTX Dịch vụ CCB Mộc Châu để cùng nhau lập nghiệp. Hiện, HTX tạo việc làm cho hàng trăm lao động địa phương với mức thu nhập bình quân trên 5 triệu đồng/người/tháng.
Chủ tịch HĐQT Trần Trọng Bình cho biết, HTX chủ yếu hoạt động kinh doanh dịch vụ du lịch, khai thác mật ong và các sản phẩm từ mật ong, chế biến các loại rau củ quả, nông sản ở địa phương, trong đó nuôi ong và khai thác các sản phẩm từ mật ong được xác định là ngành nghề chính.
HTX đang từng bước mở rộng quy mô nuôi ong, vừa chuyển đổi giống ong, vừa phổ biến cho cán bộ, hội viên áp dụng khoa học kỹ thuật nuôi theo mô hình VietGAP để nâng cao chất lượng sản phẩm và cung cấp dịch vụ vật tư, con giống, kỹ thuật nuôi ong cho các thành viên trong HTX.
Nuôi ong theo hướng VietGAP đã giúp đàn ong sinh trưởng mạnh, ít dịch bệnh, tăng sản lượng và chất lượng của mật ong, góp phần tăng hiệu quả kinh tế của nghề nuôi ong.
“Trong 5 năm trở lại đây, doanh thu từ ngành ong mang lại cho các thành viên HTX ước đạt 13,5 tỷ đồng, trừ chi phí mỗi năm HTX cũng thu được khoảng 500 triệu đồng. Trước hiệu quả từ khai thác mật ong và các sản phẩm từ mật ong của HTX, các cấp hội CCB trên địa bàn huyện đã học tập và triển khai nhân rộng mô hình sang các khu vực khác giúp nhiều thành viên thoát nghèo bền vững”, ông Bình chia sẻ.
Xứng danh "bộ đội Cụ Hồ"
Thượng tướng Nguyễn Văn Được, Chủ tịch Hội CCB Việt Nam đánh giá, các HTX do CCB làm lãnh đạo đã phát huy phẩm chất truyền thống Bộ đội Cụ Hồ trên mặt trận phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, làm giàu chính đáng, các cấp Hội đã đã thực hiện có hiệu quả Đề án “Phát triển kinh tế, giảm nghèo nhanh và bền vững giai đoạn 2018 - 2022”, đồng thời, đẩy mạnh phong trào “CCB giúp nhau giảm nghèo làm kinh tế giỏi” gắn với phong trào thi đua yêu nước.
Các CCB đang tiên phong trên mặt trận xóa đói giảm nghèo, cùng nhau phát triển kinh tế. |
Ngoài ra, với tinh thần "lá lành đùm lá rách", các HTX do CCB làm chủ đã không ngừng đổi mới và nâng cao chất lượng, qua đó thu hút và giải quyết việc làm cho hàng trăm lao động, trong đó ưu tiên giải quyết việc làm cho lao động là con em CCB.
“Điều đáng ghi nhận là thông qua phong trào giúp nhau giảm nghèo, làm kinh tế giỏi, các CCB đã thực sự là những tấm gương sáng về tinh thần, ý chí và nghị lực vươn lên, có sức lan tỏa rộng rãi trong cộng đồng dân cư”, Thượng tướng Nguyễn Văn Được nhấn mạnh.
Tại Bắc Kạn hiện có rất nhiều điển hình CCB sản xuất, kinh doanh giỏi, liên doanh, liên kết, tích cực hỗ trợ hội viên phát triển kinh tế. HTX Tân Phong, xã Quảng Bạch, huyện Chợ Đồn do CCB Triệu Văn Ngự làm Giám đốc là một trong những điển hình. Theo đó, mô hình trồng và chế biến quả hồng không hạt đã thu hút trên 30 lao động, doanh thu hằng năm đạt trên 1 tỷ đồng. Sản phẩm hồng không hạt của HTX hiện nay đã có thương hiệu, bán ra thị trường được khách hàng đón nhận.
Còn HTX Phja Khao, xã Bản Thi do CCB Phạm Hữu Nghiệp làm chủ cũng thu hút gần 20 lao động tham gia. HTX thực hiện trồng su su lấy ngọn, quả, chăn nuôi đại gia súc… mang lại thu nhập khá cho hội viên. Từ lợi thế về nông lâm nghiệp, nhiều CCB đã phát huy thế mạnh này trong phát triển kinh tế. Các mô hình kinh tế gia trại cho thu nhập cao ở huyện Chợ Đồn, tỉnh Bắc Kạn như mô hình trồng rừng của CCB Phạm Văn Trá (xã Yên Phong), CCB Hoàng Văn Ngụy, Nông Văn Thủy (xã Bình Trung), CCB Lý Văn Chấp, Vi Văn Huyền (xã Đồng Thắng)…
Ông Đồng Văn Lưu, Giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh Bắc Kạn chia sẻ, các HTX do CCB làm chủ không chỉ giúp nhau phát triển kinh tế mà còn tiên phong trong công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm. Nhiều HTX đã thu hút hội viên tham gia làm giàu chính đáng trên mảnh đất quê hương, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội địa phương ngày càng phát triển.
“Trong chiến tranh, họ kiên cường, bất khuất trước quân thù, giữa thời bình, những người lính Bộ đội Cụ Hồ lại tiên phong trên mặt trận chống đói nghèo và đã là CCB thì không cam chịu đói nghèo”, ông Lưu nói.
Hoàng Hằng