Nhìn cơ ngơi của HTX hôm nay, ít ai biết rằng CCB Nguyễn Đăng Thể, Giám đốc HTX đã trải qua không ít gian truân trong những ngày đầu lập nghiệp. Nhớ lại những ngày tháng đó, ông Thể cho biết, xuất thân từ vùng quê huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh, sau khi rời quân ngũ, năm 1998, ông quyết định khởi nghiệp và làm giàu trên chính mảnh đất quê hương.
Làm giàu trên chính mảnh đất quê hương
Với tinh thần của người lính bộ đội cụ Hồ, cùng những kinh nghiệm bôn ba khắp nơi làm thuê với nhiều ngành nghề khác nhau, nhận thấy ở địa phương mình có đặc thù sản xuất nông nghiệp, sau mỗi vụ lúa, thời gian nông nhàn rất nhiều. Trong khi đó, sản xuất công nghiệp của địa phương chưa có điều kiện phát triển để thu hút lao động, do vậy tổ chức ngành nghề tiểu thủ công nghiệp và may mặc là phù hợp. Phải chăng đây sẽ là điểm mà mình muốn tạo dựng sự nghiệp? Ý nghĩ đó chợt loé lên trong ông.
HTX luôn là ngôi nhà thứ hai với người lao động (Ảnh: TL) |
Từ những trăn trở đó, ông đã liên hệ Tổng công ty may 10 về công việc và một số công ty khác, cố gắng thuyết phục họ bằng chính sự mộc mạc, chân thành, cùng với bao tâm huyết của một người cựu chiến binh yêu nghề. Cuối cùng, ông đã được công ty đồng ý hợp tác.
Ban đầu, ông chỉ nhận một lượng hàng nhỏ về cho chị em ở xung quanh nhà làm, sau một thời gian từ người này mách người kia nên từ trong thôn, trong xã và các xã lân cận bảo nhau ra tận nhà học nghề. Ông đã truyền đạt những kỹ năng, kinh nghiệm của mình, bà con cảm thấy công việc này phù hợp cho mọi lứa tuổi trong nhà và còn kiếm thêm thu nhập để lo cho cuộc sống gia đình nên đã quyết định theo nghề cùng ông.
Đến năm 2000, khi đã nhận thấy đủ điều kiện chín muồi, ông quyết định thành lập HTX may Phượng Hoàng. Chính thức bước sang một trang mới có rất nhiều thay đổi về hình thức tổ chức quản lý từ cá thể gia đình sang mô hình kinh tế hợp tác, HTX, đồng thời nhận được sự quan tâm của các cấp, ngành, đặc biệt là Liên minh HTX tỉnh nên HTX cũng dần bắt nhịp được.
"Với tình yêu nghề nên tôi đã cố gắng nâng cao chất lượng, đa dạng hóa sản phẩm, cải tiến sản xuất để giảm chi phí đầu vào, tìm kiếm thêm những đối tác mới và phát triển thị trường." ông Thể nói.
HTX là ngôi nhà thứ hai với người lao động
Chị Nguyễn Thị Lan, thôn Ngô Xá, một thành viên của HTX hồ hởi khoe: "HTX chính là cầu nối giúp chị em có công việc ổn định, nâng cao thu nhập và xây dựng gia đình hạnh phúc, từ người lao động chưa biết may, nhưng chỉ sau 6 tháng vừa học vừa làm, đến nay, tôi đều đảm đương tốt các công đoạn được giao. Hiện tại, thu nhập bình quân của tôi dao động khoảng 6 triệu đồng/tháng."
Từ năm 2017 đến nay, HTX may Phượng Hoàng đã phối hợp với Phòng Lao động & Thương binh xã hội Huyện, UBND các xã tổ chức được 8 lớp đào tạo nghề cho 348 học viên tại địa phương và các xã Việt Đoàn, Cảnh Hưng và Hoàn Sơn, nhiều người dân đã trở thành lao động chính hướng dẫn cho thành viên trong gia đình làm sản phẩm cho HTX.
HTX tạo việc làm cho hơn 500 lao động ở các địa phương, thu nhập thường xuyên từ 5 đến 7 triệu đồngtháng (Ảnh: TL) |
Từ vài công nhân ban đầu, đến nay, HTX tạo việc làm cho hơn 500 lao động ở các địa phương, thu nhập thường xuyên từ 5 đến 7 triệu đồng/tháng; đối với người làm thêm sản phẩm thu nhập bình quân từ 3 triệu đến 5 triệu đồng/tháng.
Ông Nguyễn Khắc Huấn, xã Chi Lăng (Quế Võ), một công nhân giao vận làm ở HTX được 2 năm cho biết: “Mặc dù mỗi ngày phải vượt qua quãng đường 12 cây số mới tới trụ sở HTX nhưng bù lại ông có công việc ổn định, ngoài mức lương 7 triệu đồng/tháng, còn được đóng Bảo hiểm xã hội, được quà động viên vào ngày lễ, Tết. "Chúng tôi luôn coi đây là ngôi nhà thứ hai của mình”, ông Huấn nói.
Hiện nay, HTX có 150 máy may, 25 máy cắt đầu bàn, 3 ô tô chuyên chở. Lúc cao điểm, bên cạnh sản xuất 60.000-70.000 chiếc màn/tháng, HTX còn chuyển sang may gia công 20.000-30.000 chiếc cặp da/tháng. HTX cũng đứng ra mua máy làm đất, máy gặt đập liên hợp để phục vụ nhu cầu của các thành viên HTX và nông dân trong lúc thời vụ. Những hoạt động này đem lại doanh thu 4-5 tỷ đồng/năm, bảo đảm lợi nhuận và thu nhập ổn định cho các lao động chính.
Trong suốt quá trình phát triển HTX, kinh nghiệm rút ra để gắn kết được các thành viên HTX và tạo được lòng tin của người lao động là phải vạch ra đường hướng phát triển sản xuất kinh doanh phù hợp với năng lực thực tế cũng như nhu cầu của thị trường. Nghị quyết của tập thể thành viên luôn được tập trung chỉ đạo kiên quyết, coi trọng công tác động viên, khen thưởng các tổ chức, cá nhân có thành tích trong quá trình triển khai nhiệm vụ. Thực hiện đúng Luật lao động, Bảo hiểm xã hội, làm đúng các chế độ, chính sách và quy định của HTX, chăm lo đời sống lao động. HTX cũng luôn thực hiện tốt nghĩa vụ nộp thuế đầy đủ cho nhà nước, tích cực tham gia các hoạt động xã hội như đóng góp hiện vật trong các đợt phát động của xã, huyện; thăm hỏi, động viên các gia đình chính sách; ủng hộ người nghèo…
Với những kết quả đạt được, HTX vinh dự nhận được nhiều Bằng khen, Giấy khen của các cấp, ngành trao tặng. Chưa bằng lòng với những thành tựu đó, ông Nguyễn Đăng Thể nói rằng, thời gian này, HTX gặp khó khăn về đầu ra do các đơn hàng may mặc bị cắt đơn hàng, nhiều lao động phải tạm nghỉ do ảnh hưởng bởi dịch Covid - 19. Vì vậy, chúng tôi đang chuẩn bị máy móc, mặt bằng chuyển hướng sang sản xuất nông nghiệp công nghệ cao để người lao động có công ăn việc làm ổn định, phù hợp với năng lực và hoàn cảnh sống.
"Chúng tôi muốn xứng đáng với niềm tin của những người lao động đã cống hiến trọn vẹn cho HTX suốt thời gian qua”. Ông Thể nói.
Minh Thành