HTX được thành lập năm 1998 với 12 thành viên đều là hội viên CCB sinh sống ở thôn 5 (Khe Sấu). Đến nay, số thành viên tăng lên 14 người. Hoạt động chính của HTX là trồng, chế biến, tiêu thụ sản phẩm nông lâm nghiệp, trong đó chủ yếu là sản phẩm từ cây quế.
Phương châm cùng làm cùng hưởng
Ông Nguyễn Tiến Nam, giám đốc HTX cho biết, trước khi thành lập HTX, đa phần cuộc sống của các hộ dân cựu chiến binh (CCB) ở thôn 5, xã Đào Thịnh gặp rất nhiều khó khăn. Sau khi đi tham quan một số mô hình HTX và thấy hoạt động có hiệu quả, những CCB cốt cán của HTX hiện tại đã vận động hội viên CCB có đất đai, chịu khó học hỏi, làm ăn cùng tham gia.
Các thành viên HTX Lâm, nông nghiệp 3-2 thu hoạch quế vỏ (Ảnh: Tư liệu) |
"Chúng tôi đều là những người lính, trải qua biết bao gian khó, trở về địa phương vẫn phát huy tinh thần đoàn kết đó để chống lại giặc nghèo. Tuy nhiên, đất đai thì có, nhưng "đơn thương độc mã" làm kinh tế thì sẽ vất vả. Vì vậy, chúng tôi đoàn kết lại, tương trợ lẫn nhau, động viên nhau thi đua cùng phát triển kinh tế. Đến nay, các thành viên trong HTX đều đã trở thành những hộ khá, giàu, nhà nào cũng được xây dựng khang trang”.Ông Nguyễn Tiến Nam - Giám đốc HTX nói.
Là thành viên tham gia HTX từ những ngày đầu, CCB Nguyễn Cao Văn nhớ lại: "Lúc đầu, khi được vận động tham gia HTX, tôi vẫn còn khá băn khoăn. Tuy nhiên, tôi vẫn quyết định tham gia và khi cùng bỏ công sức, tiền bạc, thấy HTX hoạt động thật sự có hiệu quả. Giá cả đầu ra của sản phẩm sau khi tham gia vào HTX cũng ổn định, nhờ vậy, kinh tế gia đình tôi ngày càng khá hơn”.
Với phương châm hoạt động "cùng nhau lao động, cùng nhau hưởng thành quả", hầu hết các CCB trong HTX đều hăng hái tham gia phát triển HTX, mỗi người đều có trách nhiệm cùng lao động, cùng hưởng thụ và vì lợi ích chung. Các thành viên đều tự nguyện góp đất, góp tiền mua cây giống, góp công lao động.
Hàng năm, HTX đã xây dựng kế hoạch hoạt động và phát triển như: tổ chức trồng mới, chặt tỉa, thu hoạch… sau khi bàn bạc và được sự nhất trí cao giữa các thành viên với mục tiêu duy trì nguồn thu hiệu quả và lâu dài.
Doang thu hơn 1 tỷ đồng mỗi năm
Đến nay, HTX có gần 60 ha quế, gần 2 ha tre măng Bát độ và một số diện tích bồ đề. HTX đi vào hoạt động giúp các thành viên yên tâm và tin tưởng vào đầu ra của sản phẩm, từ đó mạnh dạn hơn trong việc đầu tư chuyển đổi cơ cấu cây trồng.
Trung bình mỗi năm, doanh thu của HTX đạt hơn 1 tỷ đồng từ quế vỏ và tre măng Bát độ (Ảnh: TL) |
Trung bình mỗi năm, HTX thu hoạch khoảng 40 - 50 tấn quế vỏ và gần 20 tấn tre măng Bát độ, mang về doanh thu khoảng hơn 1 tỷ đồng. Sau khi trừ các chi phí mua cây giống, thuê máy móc mở đường giao thông vào khu sản xuất, HTX chia lợi nhuận từ 80 - 100 triệu đồng cho mỗi thành viên.
Thành công trong hoạt động sản xuất kinh doanh của HTX là điều kiện để các thành viên CCB tích cực tham gia các phong trào hoạt động của địa phương, đóng góp công sức, tiền của làm đường giao thông nông thôn, các công trình xã hội và thực hiện các tiêu chí để xây dựng nông thôn mới.
Nói như ông Lê Quang Minh - Chủ tịch Hội CCB xã Đào Thịnh, HTX lâm, nông nghiệp 3/2 đã trở thành nền tảng liên kết giữa doanh nghiệp, nông dân để tăng sức cạnh tranh cho sản phẩm nông sản địa phương. Mô hình này cũng phát huy hiệu quả trong việc góp phần thay đổi cách nghĩ, cách làm, nâng cao hiệu quả sản xuất, đặc biệt là đẩy mạnh liên doanh, liên kết "4 nhà”, bảo đảm đầu ra ổn định, tăng doanh thu và tạo việc làm cho nông dân lao động, đặc biệt là con em của hội viên CCB và cựu quân nhân.
Hoàng Lê