Sinh năm 1956, ông Tý tham gia nhập ngũ, phục vụ trong quân đội khi mới 19 tuổi. Sau thời gian phục vụ trong quân ngũ, ông trở về quê hương, lập gia đình rồi bắt tay vào làm kinh tế. Do thiếu kinh nghiệm trong sản xuất, chưa biết phát huy hết tiềm năng, lợi thế của địa phương, gia đình ông gặp vô vàn khó khăn.
Không cam chịu đói nghèo, ông Tý đã tham gia nhiều lớp tập huấn, đi học hỏi kinh nghiệm sản xuất ở nhiều nơi trong huyện, trong tỉnh và bắt tay vào trồng trọt kết hợp với chăn nuôi gia súc, gia cầm. Tuy nhiên, thu nhập chỉ mức trung bình, tạm đủ chi tiêu sinh hoạt trong gia đình.
Khai thác tiềm năng sẵn có
Nhận thấy mảnh đất Bảo Nhai giàu tiềm năng trong lĩnh vực phát triển du lịch, với nhiều danh lam thắng cảnh như Hang Tiên, di tích đền Trung Đô, các bản làng du lịch cộng đồng, có sông Chảy đi qua, năm 2002, ông đã đầu tư hai thuyền để chuyên chở khách đi tham quan các danh lam thắng cảnh ở hai bên bờ sông.
Năm 2004, ông đã đứng ra vận động các hộ dân ở thôn Bảo Tân 2, xã Bảo Nhai thành lập HTX Dịch vụ vận tải du lịch Hùng Dũng, với gần 14 thành viên, do ông làm Giám đốc. Ông Tý cho biết: Khi HTX vận tải Hùng Dũng mới thành lập, do chưa có kinh nghiệm trong điều hành, quản lý, nên HTX đã gặp rất nhiều khó khăn, đặc biệt là khâu vận hành, tổ chức các tour tuyến du lịch. Sau nhiều năm hoạt động, HTX cũng đi vào ổn định, thu hút nhiều khách du lịch trong và ngoài nước.
HTX chủ yếu đưa khách du lịch tham quan theo hai tuyến: Bảo Nhai - Trung Đô, Cốc Ly - Bảo Nhai và ngược lại. Vào thời điểm đông khách, 30 chiếc thuyền của HTX ngược xuôi liên tục, trung bình mỗi năm vận chuyển 6.000 lượt khách. Tuy nhiên, từ khi Thủy điện Bắc Hà tích nước, sông Chảy cạn trơ đáy, khiến nhiều đoàn khách bỏ tour tham quan bằng thuyền, lượng khách đặt tuyến giảm đáng kể.
HTX chỉ còn duy trì 10 thuyền, vận chuyển khoảng 1.000 lượt khách. “Nhiều đơn vị lữ hành đã đặt tour, nhưng khi du khách đến nơi, họ kiên quyết không xuống thuyền vì nước cạn. Nhiều khách đi trên dòng sông cạn này chắc cũng không muốn quay lại lần thứ hai”, ông Tý cho biết.
Trước những khó khăn đó, để nâng cao chất lượng phục vụ, với vai trò Giám đốc, ông Tý mạnh dạn mở thêm nhiều loại hình dịch vụ mới. Từ các nguồn vốn tích góp, năm 2010, ông Tý mở thêm dịch vụ nhà hàng và mô hình nhà nghỉ cộng đồng (homestay) nhằm phục vụ du khách.
Đặc biệt, khi mật độ nước sông không ổn định (do hoạt động của nhà máy thủy điện), ông cùng với các thành viên HTX mở rộng thêm mô hình vận tải xe trâu, để đưa du khách đi tham quan các làng bản, các di tích trên địa bàn.
Để khắc phục khó khăn, ông Tý cho mở rộng thêm nhiều loại hình dịch vụ mới |
Đổi mới cách thức hoạt động
Nhờ tính độc đáo, mới mẻ của hoạt động này, lượng khách du lịch tìm đến với HTX ngày càng đông, khiến doanh thu từ dịch vụ tăng đáng kể. Chưa đầy 5 năm khi mô hình vận tải bằng xe trâu đi vào hoạt động, doanh thu của HTX tăng thêm 200 - 250 triệu đồng/năm; tạo việc làm thường xuyên cho gần 30 lao động địa phương với thu nhập 4 - 5 triệu đồng/người/tháng.
Để HTX hoạt động hiệu quả, ông Tý và các thành viên không ngừng sáng tạo và đổi mới cách thức hoạt động, tăng thêm các dịch vụ nhằm phục vụ nhu cầu ngày càng cao của khách du lịch… Hiện, HTX là địa chỉ lý tưởng của nhiều du khách trong và ngoài nước.
Ông Lương Văn Nam, Phó chủ tịch UBND xã Bảo Nhai, đánh giá: “Việc thành lập HTX của ông Tý đã góp phần giới thiệu tiềm năng du lịch của địa phương đến với du khách thập phương, thu hút ngày càng nhiều khách du lịch đến với Bảo Nhai, góp phần giải quyết việc làm, tăng thêm thu nhập cho nhiều lao động địa phương, giúp địa phương hoàn thành các chương trình phát triển kinh tế xã hội...”.
Không chỉ làm kinh tế giỏi, ông Tý còn là hội viên cựu chiến binh gương mẫu, nhiệt tình tham gia các phong trào hoạt động của Hội, giúp hội viên có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, tạo việc làm, hỗ trợ vốn sản xuất kinh doanh cho nhiều hội viên trong xã. Ông nhiều lần được chính quyền, đoàn thể các cấp biểu dương, khen thưởng, trở thành tấm gương làm kinh tế giỏi để các thế hệ trẻ học tập và noi theo.
Hoàng Lê