Xuất hiện từ cuối thập niên 60 của thế kỷ trước, nghề làm miến đao tại vùng cao Bản Xèo (Bát Xát, Lào Cai) từng rất phát triển. Nhưng Chiến tranh biên giới cùng những biến động kinh tế - chính trị khác đã khiến nghề làm miến đao dần bị mai một.
Cuối thập niên 60, theo chính sách khai hoang của Chính phủ khi đó, những người dân Nam Trực (Nam Định) đã lên vùng cao Bát Xát để khai hoang, phát triển kinh tế. Họ đã lập ra thôn Thành Sơn.
Nghề xa xưa
Những tiền nhân của thôn Thành Sơn này nhanh chóng nhận ra cách phát triển kinh tế vừa phát huy thế mạnh địa phương, vừa tận dụng được kinh nghiệm xa xưa của đất Nam Định: Làm miến.
Nói thế mạnh địa phương là vì nguyên liệu làm miến là từ củ Đao riềng đỏ - loài cây mọc hoang bạt ngàn trên núi Bản Xèo. Còn nghề làm miến thì đã xuất hiện ở đất Nam Định không biết tự bao giờ.
Những mẻ miến đao đầu tiên sản xuất ra ngay lập tức đã được người dân quanh vùng chấp nhận. Sợi miến khi nấu giòn, dai sợi nhưng lại mềm, không nát. Nước nấu miến không bao giờ đục và cho hương vị riêng biệt.
Tiếng lành đồn xa, từ Mường Hum, Bản Vược, tiếng tăm của miến Đao Bản Xèo dần lan ra khắp các nơi trong và ngoài tỉnh. Thời hoàng kim, vào mùa sản xuất (thường bắt đầu từ tháng 10 âm lịch và chỉ kéo dài trong 3 tháng) những hộ dân làm miến Đao ở Bản Xèo mỗi vụ làm ra cả tấn miến sợi. Sản phẩm làm ra đến đâu tiêu thụ hết đến đấy.
Tuy nhiên, những biến động sau đó đã khiến nghề làm miến tại Bản Xèo dần bị mai một. Mãi đến năm 2012, với sự hỗ trợ của chính quyền, nghề làm miến tại xã Bản Xèo mới dần khôi phục.
Để hỗ trợ cho người dân, chính quyền cũng đã vận động thành lập HTX Thành Sơn và hỗ trợ đầu tư dây chuyền trang thiết bị chế biến củ Đao riềng với kinh phí gần 1 tỷ đồng bằng nguồn vốn xây dựng nông thôn mới. Đồng thời, cho HTX Thành Sơn sử dụng mặt bằng và khu vực nhà công nhân của nhà máy thủy điện với diện tích 10.000 m2 để làm xưởng sản xuất miến đao. Nhờ đó, nghề làm miến đao tại Bản Xèo được khôi phục nhanh chóng, thương hiệu "Miến đao Thành Sơn" dần lấy lại được tiếng vang của mình.
Năm 2017, sản phẩm Miến đao Thành Sơn đã được Bộ Nông Nghiệp và Phát triển Nông thôn cấp Giấy chứng nhận thương hiệu vàng Nông nghiệp Việt Nam, giúp miến đao Thành Sơn tăng sức cạnh tranh trên thị trường.
Khác với miến đao của các địa phương khác, miến đao Thành Sơn 100% là bột đao riềng đỏ tự nhiên, qui trình chế biến theo phương pháp thủ công, tuyệt đối tuân thủ nguyên tắc vệ sinh an toàn thực phẩm.
HTX luôn kiểm soát chặt chẽ trong các khâu sản xuất và chế biến |
Phát huy truyền thống
Quy trình làm miến được chăm chút từ đầu vào của sản phẩm là củ đao riềng đỏ. Các thành viên của HTX Thành Sơn được tập huấn về kỹ thuật chăm sóc cây đao riềng để tạo năng suất cao và phương pháp bảo quản, chế biến miến đao an toàn.
Cây đao trồng từ khoảng tháng 3 đến tháng 11 thì cho thu hoạch củ. Bột đao riềng đỏ được dự trữ và chế biến thành miến sợi đặc biệt thơm ngon với hương vị riêng biệt. Sợi miến nấu giòn, dai nhưng lại mềm và không bị nát.
Nhờ nguồn nguyên liệu đặc biệt khác hẳn với các sản phẩm khác và được minh bạch qui trình sản xuất, chế biến có truy xuất nguồn gốc, nên dù miến đao Thành Sơn đắt hơn đôi chút so với nhiều loại miến trên thị trường, nhưng người tiêu dùng sau khi đã ăn thử đều dễ dàng chấp nhận, khiến đầu ra của sản phẩm khá thuận lợi.
Sau gần 7 năm thành lập, từ chỗ chỉ có vài ha năm 2012, đến nay vùng nguyên liệu đao riềng đỏ cung cấp cho HTX đã lên tới gần 500 ha.
Năm 2018, sản lượng miến đao thương phẩm của HTX đạt khoảng 86 tấn, tổng doanh thu đạt khoảng 6 tỷ đồng, tạo việc làm thường xuyên cho 26 lao động (là thành viên HTX) với thu nhập bình quân 4,5 - 5 triệu đồng/người/tháng.
Hiện nay, HTX đang tiếp tục triển khai việc mở rộng vùng nguyên liệu, dự kiến, HTX sẽ mở nâng tổng diện tích trồng cây đao lên 600 ha. Đồng thời, mở rộng quy mô, nâng cấp nhà xưởng sản xuất, lắp đặt thêm 3 máy nghiền liên hoàn, lắp đặt trạm biến áp 180 KVA để bảo đảm hoạt động sản xuất miến đạt hiệu quả cao.
HTX sẽ kiểm soát chặt chẽ hơn trong các khâu sản xuất và chế biến, tiếp tục cải tiến mẫu mã bao bì sản phẩm, để mặt hàng nông sản hướng tới thị trường trong và ngoài nước trong thời gian tới.
Hồng Nhung