Ông Muộn là 1 trong 2 HTX được thành lập với mục tiêu nâng tầm sản xuất nông nghiệp địa phương. Sau hơn 1 năm phát triển, HTX đang có 7 hộ thành viên, 20 hộ liên kết, phát triển sản xuất trên tổng diện tích hơn 28 ha, tổng vốn lưu động trên 1,5 tỷ đồng, doanh thu bình quân 3 tỷ đồng/năm.
Sản xuất chuẩn IPM
Những năm qua, thành viên HTX và các hộ sản xuất lúa VietGAP trên địa bàn xã triển khai các giống lúa OM 5451, OM 6162 và ST 24, đồng thời, được tập huấn quy trình canh tác đồng bộ ở tất cả các khâu từ xử lý đất, chăm sóc, đến sử dụng thiên địch (sinh vật giúp tiêu diệt dịch hại), phân bón, thu hoạch…
Điểm nhấn lớn nhất là quy trình quản lý dịch hại tổng hợp IPM đang được HTX áp dụng, với 5 nguyên tắc cơ bản gồm trồng và chăm sóc cây khỏe, thăm đồng thường xuyên, nông dân trở thành chuyên gia đồng ruộng, phòng trừ dịch hại an toàn và cuối cùng là bảo vệ thiên địch.
Ông Nguyễn Văn Tiếp - Giám đốc HTX, cho biết: “Bên cạnh nâng cao năng suất, chất lượng, mẫu mã sản phẩm, áp dụng IPM vào sản xuất lúa VietGAP đem lại 4 cái lợi. Đầu tiên là an toàn thực phẩm, thứ hai là bảo vệ môi trường, thứ ba là an toàn lao động, thứ tư là truy xuất nguồn gốc”.
Đơn cử, IPM thiên về sử dụng thiên địch để ngăn dịch hại, giúp người sản xuất giảm lượng thuốc bảo vệ thực vật, qua đó tiết kiệm 30 - 45% chi phí. Hiện các loại thiên địch đang được HTX bảo vệ là ong đen diệt trứng bọ xít, ong xanh diệt trứng sâu đục thân, ong đen kén trắng diệt sâu non cuốn lá…
“Để tạo môi trường cho thiên địch phát triển, thành viên HTX và nông dân trên trong xã được hướng dẫn trồng xen cây họ đậu trên bờ ruộng, sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật sinh học không độc hại với thiên địch… Không chỉ có lợi với thiên địch, giải pháp này đem lại lợi ích tuyệt vời cho môi trường, bảo vệ sức khỏe cho người sản xuất”, Giám đốc Nguyễn Văn Tiếp nhấn mạnh.
HTX Ông Muộn đang gặt thành công với lúa VietGAP |
Điểm tựa cất cánh
Nhờ sản xuất khoa học, hơn 130 ha đồng lúa VietGAP xã Lý Văn Lâm (trong đó có 28 ha của HTX) duy trì năng suất 6 - 7 tấn/ha. HTX bảo đảm lợi nhuận trên 150 triệu đồng/ha (gồm tôm và lúa), thu nhập bình quân của thành viên, người lao động HTX đạt 48 triệu đồng/ người/năm.
Ông Nguyễn Thanh Hợp (ấp Ông Muộn) - thành viên liên kết của HTX, chia sẻ: “Việc chuyển từ sản xuất tự do sang trồng lúa VietGAP là bước ngoặt đổi đời của người dân trong xã. 100% sản phẩm làm ra được HTX bao tiêu, hệ thống thủy lợi khép kín giúp việc canh tác hiểu quả và an toàn hơn rất nhiều”.
Việc được hỗ trợ kịp thời, bao tiêu sản phẩm và đảm bảo lợi ích kinh tế khiến các hộ dân trên địa bàn xã tin tưởng và tuân thủ đúng lịch thời vụ, quy trình sản xuất do HTX và địa phương khuyến cáo, từ đó, giúp các cánh đồng nâng cao năng suất, an toàn thực phẩm, góp phần bảo vệ môi trường sinh thái.
Đặc biệt, sản xuất an toàn giúp HTX tạo ra những sản phẩm chất lượng, đảm bảo sức cạnh tranh trên thị trường. Hiện, các sản phẩm của HTX đang được nhiều siêu thị, cửa hàng, thương lái trên địa bàn tỉnh ký hợp đồng thu mua, đồng thời, được giới thiệu, tiêu thụ và được đánh giá cao tại thị trường Tp.HCM.
Để lan tỏa, HTX Ông Muộn đang đẩy mạnh cơ giới hóa nhằm nâng cao năng suất lao động, với nhiều loại máy móc hiện đại như máy gặt đập liên hoàn, phương tiện vận chuyển, kho bảo quản… Không chỉ phục vụ thành viên, HTX còn hướng lợi ích đến các hộ sản xuất lúa trên toàn xã.
Ông Trần Quyết Toán - Phó Chủ tịch xã Lý Văn Lâm, đánh giá: “HTX Ông Muộn cùng với HTX nông nghiệp Lý Văn Lâm đang là những cánh chim đầu đàn trong lĩnh vực sản xuất lúa VietGAP tại địa phương. Thời gian tới, xã sẽ tiếp tục hỗ trợ các HTX phát triển, tạo điểm tựa cho nông dân sản xuất theo hướng hiện đại”.
Nhật Minh