Thực hiện từ năm 2010, phong trào thi đua “U Minh chung sức xây dựng nông thôn mới” đến nay đã trở lên sôi động khắp cả huyện và đạt được những kết quả bước đầu, theo đúng lộ trình đề ra, thực sự đi vào đời sống của nhân dân, góp phần tạo diện mạo nông thôn ngày càng đổi mới, nâng cao, văn hóa xã hội ngày càng tiến bộ, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo.
![]() |
Đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông nông thôn là điểm nhấn quan trọng trong Chương trình xây dựng nông thôn mới tại U Minh (Ảnh:Internet) |
Điểm nhấn quan trọng
Sau gần 10 năm thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới, ông Dư Bé Ba – Chủ tịch UBND huyện U Minh cho biết, một trong những lĩnh vực đạt kết quả tốt nhất là đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông nông thôn, đây cũng là điểm nhấn quan trọng, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội tại địa phương.
Theo ông Ba, lúc trước khi thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới, giao thông của huyện chủ yếu vẫn là đường thủy, việc đi lại, giao thương giữa các địa phương trong và ngoài huyện gặp rất nhiều khó khăn. Do đó, ngay khi bắt tay vào thực hiện xây dựng nông thôn mới, Đảng bộ, chính quyền huyện U Minh đã xác định phát triển hạ tầng giao thông là một trong những nhiệm vụ quan trọng.
Nhờ triển khai thực hiện đồng bộ và huy động được sức mạnh từ người dân, nên hệ thống lộ giao thông trên địa bàn huyện phát triển nhanh chóng.
Qua 10 năm triển khai thực hiện, huyện phối hợp với các sở, ban ngành cấp tỉnh đầu tư xây dựng, nâng cấp, sửa chữa 565km đường các cấp với tổng vốn đầu tư thực hiện hơn 259 tỷ đồng. Đến nay, đã có 5/7 xã đạt tiêu chí giao thông, chiếm tỷ lệ 71,42%, giúp đời sống nhân dân phát triển hơn, góp phần xây dựng bộ mặt nông thôn ngày càng khởi sắc.
Tạo tiền đề cho các công tác khác
Không chỉ vậy, việc phát triển hạ tầng giao thông cũng tạo tiền đề để thực hiện các công tác khác thuận lợi hơn. Điển hình như công tác tăng cường bảo vệ môi trường, phát triển du lịch bảo tồn và nghề truyền thống.
HTX Lâm nghiệp 19/5 với 500 ha rừng, gác kèo ong, bắt cá đồng… và riêng 30 ha làm du lịch. Ông Nguyễn Văn Vững - Giám đốc HTX cho biết, HTX có rất nhiều tiềm năng về hệ sinh thái rừng. Khách du lịch có thể vào rừng xem ong mật, lấy ong mật; dưới tán rừng là cá đồng, du khách tự tay dỡ lọp, giăng lưới, nướng cá… Phương tiện di chuyển vào rừng bằng xuồng máy cho du khách chiêm ngưỡng được vẻ đẹp nguyên sinh của hệ sinh thái rừng ngập mặn. Tuy nhiên, vài năm trước, việc đi lại và cơ sở hạ tầng vẫn còn nhiều khó khăn nên hoạt động này không mấy hiệu quả.
Anh Quách Văn Thưa (thành viên HTX Lâm nghiệp 19/5) trăn trở: "Lúc trước có làm du lịch 2 - 3 năm nhưng không thuận lợi lắm, đường lộ thì không thuận tiện, phải thuê đò bao mới vào khu du lịch được. Điều này gây không ít bất tiện cho thành viên cũng như du khách".
Tuy nhiên, đến nay, cơ sở hạ tầng, giao thông phát triển thuận lợi, du lịch cộng đồng không chỉ của HTX 19/5 mà của toàn huyện U Minh đều phát triển, từng bước chiến được cảm tình của du khách.
![]() |
Phát triển cơ sở hạ tầng giao thông đã tạo tiền đề cho du lịch cộng đồng phát triển |
Từ sự đồng lòng của người dân cùng sự nỗ lực của Đảng bộ và toàn bộ hệ thống chính trị, U Minh đến nay đã có 3 xã đạt chuẩn nông thôn mới; kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội của huyện có bước phát triển vượt bậc. Huyện đã xây dựng được tuyến đường ô tô kết nối thông suốt giữa trung tâm tỉnh với huyện và đến tất cả các xã, thị trấn; đường giao thông nông thôn bằng bê tông đã nối liền đến ấp, khóm, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu đi lại và giao thương hàng hóa của nhân dân.
Không chỉ vậy, quy mô giáo dục và hệ thống trường lớp phát triển đều khắp, tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia chiếm 61,9%. Cơ sở vật chất và chất lượng khám, điều trị bệnh không ngừng được nâng lên. Các chính sách an sinh xã hội được triển khai thực hiện tốt, nhất là công tác chăm lo cho gia đình có công với cách mạng, gia đình chính sách; công tác giảm nghèo bền vững, tỷ lệ hộ nghèo của huyện giảm bình quân hàng năm trên 4%...
Khánh Hồng