Phần lớn các sản phẩm OCOP do các HTX sản xuất đều áp dụng công nghệ mới, nâng cao chất lượng sản phẩm, nâng tầm thương hiệu, tạo cơ hội cho các sản phẩm OCOP vươn xa trên thị trường.
Ứng dụng công nghệ vào sản xuất
Ở xã Yên Thọ, huyện Như Thanh, nhiều người biết tới các sản phẩm hữu cơ của HTX Nông sản hữu cơ Trúc Phượng, đặc biệt là các sản phẩm nấm bào ngư xám, mộc nhĩ, linh chi đỏ, trà túi lọc linh chi… đều đã đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao cấp tỉnh. Hiện nay, HTX có diện tích trồng nấm 5.000m2, cho doanh thu hơn 1,7 tỷ đồng mỗi năm.
Hiện nay, nấm bào ngư là mặt hàng bán chạy nhất và cũng là sản phẩm được đầu tư trồng nhiều nhất ở HTX. Để sản phẩm đến với đông đảo người tiêu dùng, HTX đã vận dụng tất cả các phương thức bán hàng trong đó có thương mại điện tử. Gần đây, các sản phẩm của HTX đã có mặt trên các sàn thương mại điện tử như Sovo.vn, Shopee...
Được sự hỗ trợ của các cấp, ngành địa phương, đến nay các sản phẩm nấm của HTX nông sản hữu cơ Trúc Phượng đang ngày càng khẳng định vị trí, thương hiệu trên thị trường. |
Anh Lê Đình Trúc, Giám đốc HTX kể, trồng nấm vốn là nghề gia truyền của gia đình, anh được truyền lại từ cha, ông. Tuy nhiên, thời gian đầu do vẫn trồng theo phương pháp truyền thống nên sản lượng không cao, kinh tế gia đình vì thế không có “của ăn, của để”. Trong bối cảnh đó, anh Trúc quyết tâm nâng tầm nghề trồng nấm bằng cách đi học hỏi các phương pháp trồng nấm hiện đại, vừa cho sản phẩm hữu cơ, an toàn, vừa nâng sản lượng, đáp ứng yêu cầu khắt khe của thị trường trong bối cảnh mới.
HTX có được thành công như hôm nay là nhờ việc liên tục cập nhật và áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất và quản lý. Đặc biệt, việc sử dụng mạng xã hội giúp HTX kết nối được với các chuyên gia, kỹ sư nông nghiệp để nhờ tư vấn, hay chuyên gia kinh tế hỗ trợ mở rộng thị trường tiêu thụ. Đồng thời, kết nối được các mô hình để học tập kinh nghiệm lẫn nhau.
Hiện nay, HTX nông sản hữu cơ Trúc Phượng đã đầu tư dây chuyền đóng bịch nguyên liệu tự động công suất 2.000 bịch/giờ, dây chuyền khử trùng, đóng gói sản phẩm, nhà cấy giống, nhà ươm, nhà nuôi trồng nấm theo quy trình GMP (Good Manufacturing Practices: tiêu chuẩn thực hành sản xuất tốt áp dụng trong sản xuất), nhằm đảm bảo chất lượng ổn định, đạt tiêu chuẩn đã đăng ký và điều kiện vệ sinh an toàn trong quá trình sản xuất, không chỉ nâng cao năng suất lao động mà còn đảm bảo tiêu chuẩn an toàn thực phẩm.
“Sau khi hoàn thiện các tiêu chuẩn hàng hóa để đạt chứng nhận OCOP, sản phẩm đã nhận được sự tin tưởng của khách hàng với lượng tiêu thụ tăng lên từ 30 - 50%. Một số đối tác trong và ngoài tỉnh đã đến tham quan cơ sở sản xuất và đặt vấn đề ký kết đơn hàng với số lượng lớn”, anh Trúc nói.
Chú trọng xây dựng, bảo hộ nhãn hiệu
Bên cạnh việc tập trung áp dụng các công nghệ mới, phương pháp tiếp cận thị trường mới… Các HTX ở Thanh Hóa còn chú trọng xây dựng thương hiệu, đặc biệt là bảo hộ nhãn hiệu hàng hóa. Điều này có thể xem là sự sống, còn đối với các sản phẩm OCOP trong bối cảnh có nhiều sự cạnh tranh như hiện nay.
Miến gạo của HTX Dịch vụ sản xuất miến gạo Thăng Long không chỉ là niềm tự hào của người dân huyện Nông Cống mà còn giúp phát triển kinh tế địa phương, nâng cao đời sống cho người dân. |
HTX Dịch vụ sản xuất miến gạo Thăng Long, huyện Nông Cống là một trong những đơn vị đầu tiên tham gia chương trình OCOP ở Thanh Hóa. HTX đã liên kết với 200 hộ sản xuất giống lúa Khang dân để làm miến theo tiêu chuẩn VietGap. HTX đã tận tình hướng dẫn các hộ sản xuất, chế biến đảm bảo vệ sinh an toàn vệ sinh thực phẩm. Đặc biệt, HTX chú trọng tới nâng tầm thương hiệu, đổi mới bao bì, nhãn mác, làm phong phú hình thức sản phẩm.
Ông Trương Hữu Hoa, Giám đốc HTX Dịch vụ sản xuất miến gạo Thăng Long cho biết, trước đây, ông cho rằng sản phẩm khi ra thị trường chỉ cần bảo đảm chất lượng, được chứng nhận an toàn vệ sinh thực phẩm là có thể cạnh tranh được. Tuy nhiên, sản phẩm miến gạo Thăng Long khi ấy chỉ có thể tiêu thụ trên thị trường tự do, việc chen chân vào các siêu thị, hệ thống tiêu dùng hiện đại là rất khó.
“Ngay khi tỉnh triển khai Chương trình OCOP, để chuẩn hóa điều kiện tham gia, HTX đã quan tâm chú trọng bảo hộ nhãn hiệu sản phẩm. Nhờ đó, sản phẩm được chứng nhận OCOP 3 sao cấp tỉnh, có sức tiêu thụ tăng 2,5 lần so với trước đó. Đồng thời, sản phẩm có ưu thế trong cạnh tranh trên thị trường”, ông Hoa nói.
Hiệu quả của việc được công nhận OCOP và chú trọng xây dựng hình ảnh, thương hiệu sản phẩm đã thể hiện rõ vào doanh số bán hàng. Nếu như trước đây, 1 tháng HTX chỉ bán được khoảng 30 tấn miến/tháng, nay thị trường mở rộng đến các tỉnh miền Trung, miền Nam… Mỗi tháng bán được trên 100 tấn. “HTX có kế hoạch đưa ra một số lô, mẫu mã bao bì, đa dạng sản phẩm để nâng hạng lên 4 sao, 5 sao quốc gia”, ông Hoa cho biết.
Nâng cao khả năng cạnh tranh nhờ tham gia OCOP
Tính chủ động “nhập cuộc” trong việc nâng tầm các sản phẩm thế mạnh địa phương như hai HTX kể trên có rất nhiều, điều này cũng dễ hiểu khi các sản phẩm OCOP của Thanh Hóa hiện nay đã “vượt biên giới tỉnh” có mặt ở hầu hết các thị trường trong nước và xuất khẩu ra nước ngoài.
Điều này cũng được thể hiện trong một thống kê của Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Thanh Hóa. Theo đó, tính đến tháng 4/2023, toàn tỉnh đã có 62 sản phẩm lĩnh vực nông nghiệp, làng nghề được cấp văn bằng bảo hộ thương hiệu. Trong đó, văn bằng bảo hộ chỉ dẫn địa lý gắn với địa danh địa phương được cấp cho 5 sản phẩm, gồm: Mắm tôm Hậu Lộc, cói Nga Sơn, bưởi Luận Văn, quế ngọc Thường Xuân, vịt Cổ Lũng Bá Thước; 15 sản phẩm địa phương được cấp văn bằng bảo hộ đối với nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận, gồm: nước mắm Do Xuyên - Ba Làng, Chè lam Phủ Quảng, mắm tép Hà Yên, tương làng Ái, rượu Quảng Xá, bánh gai Tứ Trụ, nón lá Trường Giang, tơ Hồng Đô, nước mắm Khúc Phụ, miến gạo Thăng Long, kẹo nhãn Lang Chánh, mực khô Sầm Sơn, nước mắm Sầm Sơn, cam Xuân Thành, bánh lá răng bừa Xuân Lập. Ngoài ra, toàn tỉnh cũng có hơn 200 sản phẩm của các doanh nghiệp sản xuất, chế biến nông, lâm, thủy sản được chứng nhận nhãn hiệu.
Theo như lời lãnh đạo một số HTX thì khi tham gia chương trình OCOP, họ được nâng cao năng lực về xây dựng phương án kinh doanh, quản trị sản xuất, được hỗ trợ tư vấn phát triển và hoàn thiện sản phẩm… Qua đó, giúp nâng cao hiệu quả hoạt động của các HTX, giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho các thành viên; góp phần tích cực thực hiện mục tiêu tái cơ cấu ngành nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới.
Tuy nhiên, cũng phải thẳng thắn việc tham gia OCOP vẫn còn những nơi chưa thực sự ‘mặn mà’ và gặp một số khó khăn. Đại diện Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Như Thanh, cho biết: Bên cạnh những hạn chế từ nội tại chủ thể sản xuất như việc áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật chưa đồng bộ, chất lượng mẫu mã một số sản phẩm chưa đồng đều thì công tác dự báo, thông tin, quy hoạch, quản lý quy hoạch trong phát triển nông sản hàng hóa cũng chưa kịp thời, dẫn đến chủ thể thiếu chủ động trong xây dựng kế hoạch sản xuất cho hiệu quả. Bên cạnh đó, do phần lớn chủ thể OCOP là các HTX, hộ gia đình nên chuyên môn về việc xây dựng, phát triển, quản lý thương hiệu sản phẩm chưa cao.
Theo các chuyên gia, để các sản phẩm OCOP của Thanh Hóa ngày càng đa dạng, phong phú thì sự chủ động “nhập cuộc” của các chủ thể là các HTX, hộ sản xuất, DN là điều vô cùng quan trọng. Đơn cử, để việc xây dựng bảo hộ nhãn hiệu đạt hiệu quả cao, góp phần nâng cao giá trị, sức cạnh tranh của sản phẩm OCOP trên thị trường, các sở, ngành liên quan cần hướng dẫn các địa phương phát triển nhãn hiệu, thương hiệu dựa trên các quyền sở hữu trí tuệ đối với địa danh dùng cho sản phẩm nông nghiệp đặc thù.
Cùng với đó, cần nâng cao vai trò của quản lý Nhà nước về kiểm soát sử dụng nhãn hiệu trên thị trường. Ngoài ra, các địa phương chú trọng hình thành các chuỗi giá trị sản phẩm mang nhãn hiệu tập thể; chứng nhận, chỉ dẫn địa lý để đưa sản phẩm cuối cùng ra thị trường.
Đặc biệt, cần phát huy tối đa vai trò của HTX trong xây dựng và phát triển sản phẩm OCOP. Bởi, HTX chính là một trong những chủ thể trọng tâm tham gia chương trình OCOP, thúc đẩy phát triển kinh tế nông thôn, giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người dân.
Trà My