Tại Thanh Hóa, ngành nghề nông thôn phát triển rất phong phú, đa dạng với 36 nghề, 118 làng nghề công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và hơn 100 làng nghề, làng nghề truyền thống được phân bố rải rác ở khắp các huyện, thị xã, thành phố. Thời gian qua, Thanh Hóa đã triển khai nhiều giải pháp để bảo tồn, phát triển ngành nghề nông thôn nhằm phát huy giá trị truyền thống, bản sắc văn hóa gắn với thúc đẩy phát triển sản xuất các sản phẩm truyền thống, làng nghề truyền thống, tạo việc làm cho người dân.
Nâng cao chất lượng làng nghề
Để đẩy mạnh phát triển ngành nghề nông thôn, là công cụ để công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn.
Phát triển ngành nghề nông thôn góp phần thúc đẩy hình thành các HTX, tổ hợp tác. |
Ông Cao Văn Cường, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Thanh Hóa cho biết, để hỗ trợ phát triển ngành nghề nông thôn gắn với phát triển KTTT, HTX, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu xóa đói, giảm nghèo, Sở đã hỗ trợ nhiều loại máy móc thiết bị, bao bì, tem mác sản phẩm cho các HTX trong các làng nghề trên địa bàn tỉnh.
Thông qua chương trình hỗ trợ máy móc, ứng dụng công nghệ hiện đại đã giúp người dân trong các làng nghề, HTX trên địa bàn tỉnh nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, góp phần ổn định cuộc sống cho người dân nông thôn.
Cùng với đó, tỉnh Thanh Hóa cũng đã thúc đẩy chương trình đào tạo nghề cho lao động nông thôn, nhất là lao động trong các vùng dự án, có nhu cầu chuyển đổi ngành nghề lao động. Người dân sau khi học nghề đã bước đầu áp dụng được kiến thức, kỹ năng mới vào sản xuất, góp phần tăng năng suất cây trồng, vật nuôi, tăng thu nhập xóa đói giảm nghèo. Kết quả công tác đào tạo nghề đã góp phần tích cực vào việc nâng cao chất lượng nhân lực nông nghiệp, nông thôn, tạo việc làm, tăng thu nhập, giảm nghèo bền vững.
“Thanh Hóa sẽ tập trung hỗ trợ phát triển sản phẩm chủ lực của tỉnh từ việc hỗ trợ đẩy mạnh cơ giới hóa quá trình sản xuất chế biến, hỗ trợ phát triển các HTX trong làng nghề, phát triển các sản phẩm OCOP, sản phẩm tiểu thủ công nghiệp gắn việc phát triển ngành nghề nông thôn và làng nghề trên địa bàn tỉnh”, ông Cao Văn Cường cho hay.
Cùng với đó, Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh cũng đề nghị UBND tỉnh thực hiện quy hoạch phát triển ngành nghề nông thôn gắn với quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế xã hội, quy hoạch phát triển NTM và Đề án tái cơ cấu nông nghiệp và bảo vệ môi trường.
Tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng và phát triển khoa học công nghệ trong hoạt động sản xuất của ngành nghề nông thôn, ưu tiên cho các lĩnh vực bảo quản, chế biến nông sản, hàng thủ công mỹ nghệ. Đồng thời, đẩy mạnh các chương trình bảo tồn, phát triển làng nghề theo hướng hài hòa giữa giữ gìn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống với đa dạng hóa và nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng nhu cầu thị trường.
Lãnh đạo Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh cho biết: Trong thời gian tới, Chi cục tiếp tục quan tâm việc thành lập mới các làng nghề, các HTX nông nghiệp, củng cố chất lượng hoạt động của các HTX trên địa bàn tỉnh. Trong đó, sẽ tiếp tục quan tâm hỗ trợ các HTX hoạt động kém để nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các HTX trên địa bàn. Thông qua hoạt động của các HTX sẽ thúc đẩy việc đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho lao động nông thôn.
HTX xóa nghèo từ phát triển làng nghề
Hiện nay, Thanh Hóa đã phát triển được nhiều sản phẩm của làng nghề được xuất khẩu, có thương hiệu trong và ngoài nước, như: đồ mộc (xã Hoằng Hà, huyện Hoằng Hóa), đồ đồng (xã Thiệu Trung, huyện Thiệu Hóa), cói mỹ nghệ (huyện Nga Sơn), tre nứa ghép (huyện Như Xuân)...
Phát triển ngành nghề nông thôn đem lại việc làm, thu nhập ổn định thực hiện tốt mục tiêu xóa đói, giảm nghèo. |
Đồng thời, một số làng nghề truyền thống đang hoạt động ổn định và có khả năng phát triển trong tương lai, cần duy trì bảo tồn, như: Các làng trồng hoa cây cảnh (xã Hợp Lý, huyện Triệu Sơn và xã Quảng Chính, huyện Quảng Xương), làng nghề đan lát (xã Hoằng Thịnh, huyện Hoằng Hóa), làng nghề mộc mỹ nghệ (xã Hoằng Hà, huyện Hoằng Hóa), làng nghề chế biến hải sản (phường Hải Thanh, thị xã Nghi Sơn)... Giá trị sản xuất của các làng nghề mỗi năm ước đạt hàng nghìn tỷ đồng, thu nhập bình quân của người lao động từ các nhóm ngành nghề trong làng nghề nông thôn đạt từ 3,5 - 7 triệu đồng/người/tháng.
Tại xã Tân Thọ, huyện Nông Cống, sự phát triển của các nghề thủ công mỹ nghệ trong nhiều năm qua đã giúp nhiều lao động nông thôn thoát nghèo, có công ăn việc làm và nguồn thu nhập ổn định. Do đó, cần đa dạng hóa các loại hình đào tạo, bồi dưỡng, thực hành nghề, kết hợp giữa truyền thống và hiện đại là giải pháp cơ bản để đảm bảo được nguồn nhân lực ổn định và lâu dài nghề thủ công mỹ nghệ.
Bà Nguyễn Thị Thắm, Giám đốc HTX thủ công mỹ nghệ Tân Thọ cho biết: Hiện nay, HTX thủ công mỹ nghệ Tân Thọ đã tạo việc làm cho từ 300 - 500 lao động với mức thu nhập bình quân dao động từ 3 - 7 triệu đồng/người/tháng. Các lao động đều là các chị em phụ nữ đa dạng độ tuổi, có những lao động gia đình hoàn cảnh khó khăn, là hộ nghèo, cận nghèo, những người khuyết tật, quá tuổi lao động, sức khỏe yếu, phụ nữ có con nhỏ từ khắp các địa phương như xã Tân Thọ, Tân Khang, Công Bình (Nông Cống), Quảng Long, Quảng Yên (Quảng Xương) và Đông Anh (Đông Sơn).
Đến nay, HTX thủ công mỹ nghệ Tân Thọ đã trở thành một trong những HTX hoạt động hiệu quả nhất trên địa bàn huyện Nông Cống với doanh thu ước đạt trên 1 tỷ đồng/tháng. Đồng thời cũng là một điểm tựa đáng tin cậy cho đối tượng người khuyết tật, các lao động có hoàn cảnh khó khăn có thêm thu nhập.
Có thể thấy, với những giải pháp thiết thực, cụ thể, đồng bộ, đặc biệt là sự đầu tư đúng mức, hy vọng trong giai đoạn tiếp theo, các làng nghề nông thôn và các HTX trên địa bàn tỉnh sẽ tiếp tục phát triển và hoạt động hiệu quả. Qua đó, đem lại việc làm, thu nhập ổn định cho bà con nông dân, góp phần cùng tỉnh Thanh Hóa thực hiện thắng lợi mục tiêu xóa đói, giảm nghèo mà tỉnh đề ra.
Đoàn Huyền