Nâng cao hiệu quả hoạt động của các HTX nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa
Mô hình HTX nông nghiệp nói chung, tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) nói riêng ở Thanh Hóa được đánh giá là một trong những điển hình cho sự phát triển cả về số lượng và chất lượng, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, tạo việc làm, tăng thu nhập, xoá đói, giảm nghèo cho bà con nơi đây.
Theo số liệu thống kê mới nhất, số HTX xếp loại tốt là 130 HTX, số HTX xếp loại khá là 283 HTX, số HTX xếp loại trung bình là 200 HTX, số HTX yếu kém là 21 HTX, HTX chưa đủ tiêu chuẩn xếp loại là 65 HTX, 45 HTX tạm dừng hoạt động...
Khu vực miền núi, vùng DTTS Thanh Hóa có diện tích 853.148,7 ha (chiếm 76,77% diện tích tự nhiên toàn tỉnh) bao gồm 11 huyện (Cẩm Thủy, Thạch Thành, Ngọc Lặc, Như Thanh, Như Xuân, Thường Xuân, Lang Chánh, Bá Thước, Quan Hóa, Quan Sơn và Mường Lát) và 7 huyện giáp ranh có xã miền núi. Đây là khu vực sản xuất có nhiều tiềm năng, thế mạnh với các nông sản phong phú, đa dạng, nhiều sản phẩm là đặc trưng, đặc sản của vùng có giá trị kinh tế cao.
Nhìn chung, với điều kiện tự nhiên của khu vực miền núi, DTTS, đặc biệt là điều kiện khí hậu, thời tiết và địa hình đặc thù của một số địa bàn đã tạo điều kiện thuận lợi để khu vực miền núi, DTTS có thể sản xuất các sản phẩm nông nghiệp đặc trưng, đặc sản của vùng. Trong đó, thông qua các mô hình HTX nông nghiệp, nhiều sản phẩm có khả năng phát triển sản xuất hàng hóa và tiếp cận thị trường kênh phân phối hiện đại (các siêu thị, trung tâm thương mại, các chuỗi cửa hàng tiện lợi).
Quy mô sản xuất của các sản phẩm khá đa dạng, ở nhiều mức độ khác nhau. Một số sản phẩm đặc trưng, đặc sản của các HTX nông nghiệp vùng DTTS được sự quan tâm của địa phương, có thị trường phát triển tốt hiện đã có quy mô sản xuất tương đối rộng, có thể kể đến như: Quýt hôi Quốc Thành có tổng quy mô sản xuất khoảng 31 ha, Rau an toàn bản Năng Cát 5ha, Củ dong (Cẩm Thủy) 32 ha, Sắn dây (Cẩm Thủy) 80ha, Khoai mán vàng (Cẩm Thủy) 50ha, Hành chăm (Cẩm Thủy) 30ha, Nghệ đỏ (Như Xuân) 35ha, Quế (Thường Xuân) 600ha, Vịt Cổ Lũng, tổng đàn năm 2017 là 30.850 con, Mật ong rừng (Như Xuân) 500 đàn, Gà đồi (Quan Hóa) trên 100.000 con, Lợn cỏ (Quan Hóa) trên 1.000 hộ nuôi...
Bên cạnh đó, một số sản phẩm quy mô sản xuất còn nhỏ, chỉ dừng lại ở một số hộ nhất định, như: Chè vằng tự nhiên (Như Thanh), Măng tre bát độ (Như Xuân), Miến dong (Ngọc Lặc), Mật mía (Như Thanh), Đào lai mận (Mường Lát)…
Bên cạnh những thành công đang có, cần thẳng thắn nhìn nhận quá trình phát triển HTX ở Thanh Hóa còn nhiều điểm nghẽn cần khơi thông. Đầu tiên, đội ngũ cán bộ HTX nông nghiệp, đặc biệt là vùng DTTS còn yếu, thiếu cán bộ chuyên môn, trình độ chuyên môn của cán bộ quản lý và người lao động trong HTX vùng DTTS Thanh Hóa chưa đáp ứng yêu cầu để ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất kinh doanh, triển khai các mô hình sản xuất theo chuỗi giá trị.
Năng lực nội tại của các HTX nông nghiệp trên địa bàn tỉnh đặc biệt là vùng DTTS còn yếu, thiếu nguồn lực cho đầu tư sản xuất kinh doanh, cơ sở hạ tầng của đa số HTX còn thấp kém, nhiều HTX chưa có trụ sở làm việc, khu trưng bày và giới thiệu sản phẩm, thiếu trang thiết bị máy móc phục vụ sản xuất. Hệ thống kết cấu hạ tầng, thủy lợi, cơ sở sản xuất, dịch vụ, chế biến, bảo quản nông sản... chưa đáp ứng được yêu cầu sản xuất, nên khó hình thành được những vùng sản xuất chuyên canh quy mô lớn.
Chính sách khuyến khích hỗ trợ kinh tế tập thể tuy được ban hành tương đối đầy đủ từ Trung ương đến địa phương song, do hạn chế về nguồn kinh phí nên công tác triển khai thực hiện các chính sách hỗ trợ chưa đạt hiệu quả cao. Bên cạnh đó, công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ quản lý HTX đã được quan tâm nhưng kinh phí bố trí ít nên hạn chế số lượng tham gia. Chính sách đầu tư kết cấu hạ tầng chậm triển khai trong thực tế. Số lượng HTX được thụ hưởng chính sách rất ít, dự án quy mô nhỏ, làm hạn chế tiềm năng liên kết vùng, nâng cao quy mô và sức cạnh tranh cũng như hiệu quả khai thác của công trình hỗ trợ.
Trong bối cảnh đó, các chuyên gia cho rằng, tỉnh Thanh Hóa cần tăng cường thực hiện phát triển khu vực HTX theo Luật HTX năm 2012, đặc biệt là đối với các huyện miền núi, vùng đồng bào DTTS Thanh Hóa. Đồng thời phổ biến, tuyên truyền để nâng cao nhận thức đội ngũ cán bộ quản lý, thành viên HTX, người dân và triển khai các chương trình hành động cụ thể nhằm đạt được mục tiêu của Đề án phát triển, củng cố và nâng cao hiệu quả hoạt động của HTX nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, giai đoạn 2021 – 2025.
Tiếp tục xây dựng và triển khai kế hoạch củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động của các HTX nông nghiệp hoạt động chưa hiệu quả để đạt tiêu chí có hiệu quả. Duy trì và phát triển hơn nữa các HTX Nông nghiệp đã và đang phát triển.
Phát huy đối tượng cây trồng, vật nuôi, dược liệu, sản phẩm lợi thế để xây dựng các mô hình phát triển sản xuất phù hợp với từng vùng, miền. Khai thác tiềm năng lợi thế của khu vực miền núi, vùng đồng bào DTTS, tạo sinh kế, việc làm các hộ gia đình khu vực miền núi. Xây dựng thương hiệu và công nhận các sản phẩm OCOP tại địa phương.
Các HTX Nông nghiệp thường xuyên tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại, các hoạt động quảng bá, giới thiệu sản phẩm của đồng bào DTTS, đưa sản phẩm của các thành viên, người dân đến tay người tiêu dùng đạt hiệu quả cao nhất.
Ngoài ra, UBND tỉnh Thanh Hóa cần tiếp tục hỗ trợ các giải pháp về cơ chế, chính sách đối với HTX nông nghiệp, hỗ trợ đầu tư kết cấu hạ tầng và chế biến sản phẩm, hỗ trợ thành lập mới các mô hình HTX nông nghiệp... Xây dựng và nhân rộng mô hình HTX nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, có sản phẩm gắn với chuỗi giá trị, phát triển bền vững.
Duy Thế