Đi vào hoạt động từ cuối năm 2019, HTX Quang Hà tập trung đầu tư, xây dựng nhà xưởng, máy móc thiết bị để sản xuất dầu nguyên chất, đáp ứng an toàn vệ sinh thực phẩm và giá trị dinh dưỡng cho người tiêu dùng. Đến nay, sản phẩm “Dầu lạc Phát Lộc” của HTX đã được cấp mã số, mã vạch, tem truy xuất nguồn gốc sản phẩm; có chứng nhận sở hữu trí tuệ, nhãn hiệu sản phẩm.
Mở hướng cho thực phẩm sạch
Dầu lạc ở Thái Nguyên có từ lâu, không thể thiếu trong mỗi bữa ăn gia đình của người dân quê. Xuất phát từ nhu cầu này, sau khi xuất ngũ về quê, chàng trai 9X Dương Đình Quang, Giám đốc HTX Quang Hà đã nghĩ ngay đến việc lập nghiệp từ ép dầu lạc cung cấp ra thị trường. Mặt khác, việc ép dầu lạc vừa tận dụng nguồn nguyên liệu sẵn có, vừa giải quyết vấn đề đầu ra, tăng thu nhập cho bà con trong vùng.
Các công đoạn sản xuất dầu lạc của HTX đều sử dụng bằng máy móc, dây chuyền hiện đại. |
Khi mới đi vào hoạt động, HTX gặp không ít khó khăn, bởi thị trường nhỏ hẹp, người tiêu dùng cũng chưa biết đến nhiều. Tuy nhiên, với quyết tâm xây dựng thương hiệu “Dầu lạc Phát Lộc” chất lượng vượt trội, đến nay sản phẩm của HTX đã được đón nhận.
Hiện, xưởng máy ép dầu thực vật của HTX có 1 máy bóc vỏ, 1 máy rang, 1 máy ép và 1 máy lọc dầu. Với hệ thống máy móc này, trung bình mỗi ngày công suất ép dầu lên tới 500 - 600 lít.
Theo kinh nghiệm của các thành viên HTX, nguyên liệu được sàng lọc rất kỹ lưỡng, loại bỏ hết những hạt hỏng, lép hay bị đổi màu. Sau đó, đem vào máy rang và tiến hành ép dầu, lọc, để lắng tạp chất trong thời gian một tuần để sản phẩm không bị cặn, màu sắc đẹp mắt. Nhờ sử dụng kỹ thuật ép lạc chín với công thức riêng biệt đã giữ lại hương thơm đặc trưng cùng những dưỡng chất tự nhiên tốt nhất cho sức khỏe.
Với quy trình sản xuất như vậy, cứ một 100kg lạc khô sau khi qua các công đoạn xử lý và đem ép sẽ cho ra khoảng từ 27 - 30 lít dầu nguyên chất. Chưa kể, các phụ phẩm từ lạc, như: phần bã sau khi ép dầu sẽ được phân loại và bán lại cho các nhà vườn để bón cây ăn quả, chăn nuôi gia súc; phần vỏ khô làm chất đốt, bảo vệ môi trường.
Cũng theo anh Quang, so với các sản phẩm dầu ăn trên thị trường, dầu lạc Phát Lộc có giá bán khá cao với mức 120.000 đồng/lít nhưng vẫn tạo được sự cạnh tranh bởi tính ưu việt của sản phẩm. Sản phẩm được làm từ 100% hạt lạc có chất lượng của địa phương, ép nguyên chất, đặc biệt không sử dụng chất làm màu, phụ gia.
Vụ lạc tháng 6-7 vừa qua, HTX đã ép được khoảng 25 tấn lạc nhân, tương đương với 7.500 lít dầu xuất bán ra thị trường, thu lãi 250 triệu đồng.
Liên kết xây dựng vùng nguyên liệu
Anh Quang chia sẻ, trong thời buổi cơ chế thị trường như hiện nay, khi mà không ít mặt hàng lương thực, thực phẩm, rau củ quả, hàng tiêu dùng thiết yếu có sử dụng chất bảo quản, hóa chất ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng, thì những sản phẩm sạch như dầu lạc nguyên chất của HTX Quang Hà đang được nhiều khách hàng ưu tiên hướng tới.
Ngoài chế biến dầu thực vật, HTX Quang Hà còn hình thành vùng nguyên liệu, gắn kết người nông dân với chuỗi sản xuất. |
Hiện nay, sản phẩm dầu lạc của HTX không chỉ tiêu thụ ở trong tỉnh mà còn được người dân ở các tỉnh, thành phố khác như Hà Nội, Bắc Ninh, Bắc Giang, Tuyên Quang, Hải Phòng, TP Hồ Chí Minh… đặt mua và sử dụng thường xuyên. Mặc dù chịu hưởng của dịch bệnh Covid-19, nhưng HTX vẫn có đều những đơn hàng cung cấp nghìn lít dầu cho chuỗi thực phẩm sạch ở Hà Nội.
Nhằm bảo đảm nguồn nguyên liệu sạch, HTX cũng đã sản xuất thử nghiệm các giống lạc ở nhiều địa phương. Do mỗi loại lạc được trồng ở vùng đất có độ phì nhiêu khác nhau nên khi ép tinh dầu, chất lượng cũng khác nhau.
Sau một thời gian thử nghiệm, đến nay, HTX đang liên kết với 130 hộ nông dân xã Tân Hòa, Tân Thành, Tân Kim, Tân Khánh... làm vùng nguyên liệu chính.
Theo hình thức liên kết này, HTX Quang Hà sẽ thu mua toàn bộ sản phẩm lạc của người dân, với giá cả theo thị trường.
Anh Dương Đình Quân, xóm Đồng Bốn, xã Tân Thành cho biết: Những năm trước, hầu hết nhà nào cũng trồng lạc, nhà trồng ít thì 3 - 4 sào, nhà nhiều thì 8 - 9 sào, cây lạc thu hoạch đồng loạt nên thương lái thường xuyên ép giá, chỉ bán được với giá 16.000 - 20.000 đồng/kg lạc khô.
Kể từ khi có HTX thu mua, anh Quân cũng như bà con trong vùng không còn lo lắng cảnh được mùa mất giá nữa. Tháng 6 vừa qua, anh Quân thu được 1,7 tấn lạc, toàn bộ sản phẩm đã được HTX Quang Hà thu mua với giá 24.000 đồng/kg, cao hơn từ 1-2 giá so với các thương lái, nhờ đó đã giúp gia đình anh thu về 40,8 triệu đồng.
Ngoài ra, HTX đang nghiên cứu đưa một số giống lạc mới có chất lượng, sản lượng tốt để bà con trồng; hướng dẫn bà con kỹ thuật canh tác lạc an toàn; khuyến khích sử dụng phân hữu cơ, thuốc bảo vệ thực vật vi sinh, thảo dược.
Đến nay, HTX Quang Hà có 22 thành viên, trong đó chủ yếu là bà con nông dân trồng lạc, đậu nành, vừng trên diện tích 5ha.
Vừa qua, 3 sản phẩm dầu lạc, dầu mè và dầu đậu nành của HTX đều đạt OCOP 4 sao cấp huyện. Đây sẽ là tiền đề để HTX hướng vào hệ thống siêu thị, góp phần nâng cao giá trị và ổn định thị trường cho sản phẩm.
Mai Ngọc