Thời điểm thành lập, HTX có tổng số vốn ban đầu gần 3 tỷ đồng để xây dựng nhà xưởng và trang bị máy móc phục vụ công tác chế biến.
Việc thành lập HTX được xem là bước đầu góp phần phát huy sức mạnh tập thể của từng thành viên trong việc cùng giúp nhau thực hiện có hiệu quả các hoạt động sản xuất, kinh doanh để nâng cao đời sống vật chất, tinh thần trong phát triển kinh tế. Đồng thời, HTX cũng góp phần quan trọng trong việc bảo vệ thương hiệu và tiêu thụ sản phẩm lạc trên địa bàn xã.
Thay đổi ý thức sản xuất
Vào thời điểm này, bình quân mỗi ngày, HTX thu mua 200 tấn lạc tươi, xuất bán cho các đối tác nước ngoài 170 tấn, phần còn lại được chế biến thành sản phẩm dầu lạc. Chất lượng dầu lạc của HTX được cơ quan chức năng chứng nhận đạt tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm.
Đặc biệt, thực hiện Đề án “Mỗi vùng quê một sản phẩm”, huyện Bắc Quang đã cho ra mắt nhiều sản phẩm đặc trưng, trong đó có dầu lạc của xã Đồng Yên.
Chị Mạc Thị Miến cho biết: Nhận thấy sản phẩm nông sản chủ lực tại địa phương ngoài lúa, ngô thì cây lạc được nhiều bà con trong xã và vùng lân cận gieo trồng 2 vụ/năm và ngày càng mở rộng diện tích.
Quá trình xây dựng phương hướng sản xuất kinh doanh, Hội đồng quản trị HTX đã tập trung chuyển đổi cơ cấu sản xuất, quy tụ các hộ trong xã cùng làm nhằm chuyển đổi phương thức sản xuất từ manh mún, nhỏ lẻ sang sản xuất quy mô lớn.
Ngoài việc chú trọng thâm canh cây lạc theo đúng kỹ thuật, HTX chủ động bỏ vốn, bao tiêu sản phẩm cho các thành viên và nông dân trong vùng. Đồng thời, giao mỗi bộ phận kinh doanh đảm nhận một khâu như tìm kiếm đối tác thu mua, tiêu thụ; có bộ phận tập trung vào khâu chế biến.
Giám đốc Mạc Thị Miến giới thiệu sản phẩm dầu lạc của HTX |
Vai trò của hợp tác xã
Kinh doanh hiệu quả nên số thành viên ban đầu của HTX chỉ có 7 người nay tăng lên đến 37 người. Anh Hoàng Văn Sang, thành viên HTX phấn khởi chia sẻ: Khi chưa vào HTX, thu nhập từ trồng lạc của gia đình chỉ đạt khoảng 20 triệu đồng/vụ; nay được sự đầu tư giống, vốn và bao tiêu sản phẩm nên thu nhập tăng lên 30 triệu đồng. Phương thức kinh doanh của HTX đã góp phần không nhỏ vào việc thay đổi ý thức sản xuất của nông dân trong vùng.
“Để có thể làm ra sản phẩm thơm ngon phải trải qua rất nhiều quy trình. Ngay từ khâu đầu tiên lựa chọn giống lạc cũng phải thật tỉ mỉ, phải chọn những hạt không bị mốc, hỏng; sau đó phơi khô, cho vào máy để tách vỏ; đem số nhân hạt còn lại sơ chế, loại bỏ hết những hạt lạc thối, hạt đổi màu và cho lạc vào rang thơm, ép lấy dầu”, chị Miến chia sẻ cách làm ra sản phẩm dầu lạc.
Nguồn nguyên liệu chủ yếu là HTX thu mua của người dân trên địa bàn các xã trong huyện và một số địa phương khác… Trung bình 1kg lạc tươi cho ra 0,7 lít dầu lạc. Giá bán dầu lạc ra thị trường 120.000 – 140.000 đồng/lít.
Hiện nay, sản phẩm chủ yếu được tiêu thụ cho người dân địa phương và những xã lân cận. Mặc dù mới đi vào hoạt động, nhưng theo ước tính mỗi năm HTX sản xuất được khoảng 25.000 – 30.000 lít dầu lạc.
Với phương thức sản xuất, kinh doanh hiệu quả, bình quân mỗi vụ thu mua và chế biến, tiêu thụ hàng nghìn tấn lạc cho nông dân trong xã và vùng lân cận, cho thấy mô hình HTX nông nghiệp kiểu mới đã phát huy hiệu quả, hình thành chuỗi liên kết giá trị nông nghiệp của xã Đồng Yên.
Đầu tháng 12/2018, HTX đã tổ chức lễ ra mắt sản phẩm, đồng thời ra mắt điểm sàn AFDEX (sàn giao dịch kết nối cung cầu nông nghiệp thực phẩm) của xã Đồng Yên.
Việc ra mắt sản phẩm tinh dầu lạc trên sàn AFDEX tạo điều kiện thuận lợi giúp người dân trên địa bàn đẩy mạnh chuyển đổi cây trồng cho phù hợp, tăng giá trị sản xuất, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân. Đây cũng là cơ hội để đưa sản phẩm dầu lạc vươn ra thị trường lớn.
Ông Nguyễn Doãn Chương, Phó Bí thư Đảng ủy xã Đồng Yên, đánh giá: Từ khi HTX thành lập đã giải quyết được việc làm cho người dân và đặc biệt là vấn đề đầu ra cho người trồng lạc; góp phần nâng cao đời sống các thành viên và người nông dân; thể hiện rõ vai trò cầu nối liên kết sản xuất giữa các hộ với nhau, liên kết HTX với các doanh nghiệp theo chuỗi giá trị, giúp cho bà con có thêm nhận thức về vai trò của kinh tế hợp tác và liên kết sản xuất trong phát triển kinh tế – xã hội của địa phương.
Hoàng Lê