Các thành viên HTX Quang Duy từng gắn bó với nghề sản xuất và buôn bán lạc vì xã Đồng Lạc vốn là địa phương phát triển mạnh loại cây trồng này.
Mở lối đi mới cho hạt lạc
Tuy nhiên, việc này không đơn giản vì khi vào mùa thu hoạch, gặp thời tiết xấu không phơi kịp thì lạc bị thối, mốc hoặc thương lái ngừng không lấy hàng... Có những thời điểm nhà nào cũng bị bị ế lạc vì phụ thuộc lớn vào thương lái. Trước thực trạng này, các thành viên đã đi đến quyết định sản xuất dầu lạc theo quy trình khép kín để mở lối đi cho cây lạc.
Để có một dây chuyền hoàn chỉnh cho việc chế biến dầu lạc, HTX đã liên kết với UBND xã Đồng Lạc, Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại tỉnh Bắc Giang… để trình bày đề án sản xuất và xin hỗ trợ kinh phí khuyến công tỉnh năm 2020. Cùng với nguồn vốn đầu tư của thành viên, HTX đầu tư ứng dụng máy móc, thiết bị trong sản xuất dầu thực vật như: máy ép dầu, máy lọc dầu, máy rang hạt, máy bóc vỏ mới 100%.
Để bảo đảm quy trình, HTX phải chọn nguyên liệu sạch (lạc không dùng thuốc trừ sâu, không thuốc diệt cỏ, không chất kích thích tăng trưởng, không phân bón hóa học và không dùng giống biến đổi gen) rồi chuyển vào máy bóc lạc. Sau đó sẽ loại bỏ thật kỹ những hạt lạc bị mốc, lép rồi cho vào máy ép.
HTX Quang Duy đầu tư máy móc hiện đại, phục vụ sản xuất dầu lạc. |
Công đoạn này quan trọng nhất vì nếu không loại bỏ được hạt mốc, lép thì khi cho vào ép sẽ làm máy bị dính, cháy, mùi khét, hỏng cả mẻ lạc. Tiếp đến đưa lạc vào khay và bật công tắc, điều chỉnh nhiệt độ phù hợp. Sau khoảng 15-20 phút, lạc được rang chín rồi chuyển sang bộ phận ép. Khi lạc cho ra những giọt dầu nguyên chất vàng ươm, đặc quánh chảy xuống sẽ được chuyển sang thùng lọc lắng cặn làm bằng inox rồi chắt ra chai. Phần bã được thu gom trong thùng chứa và được bán cho nhà vườn bón cho cây ăn quả hoặc chăn nuôi nên quy trình sản xuất không tồn dư chất thải gây ô nhiễm môi trường.
Đồng Lạc là một trong những xã có diện tích trồng lạc lớn của huyện Yên Thế. Nhờ có cơ sở chế biến dầu lạc của HTX Quang Duy mà đầu ra cho mặt hàng nông sản này tại địa phương được ổn định hơn. Người dân cũng phấn khởi bởi được HTX đứng ra thu mua với giá cao.
Chị Nguyễn Thị Hoa, người dân xã Đồng Lạc, cho biết trước đây chị chỉ bán với giá 10 nghìn đồng/kg lạc củ tươi, nay lúc nào cũng được HTX thu mua với giá từ 15.000 - 20.000 đồng/kg nên lợi nhuận từ trồng lạc cao hơn.
Hiện, HTX Quang Duy đang xây dựng thương hiệu “Dầu lạc Đại An”. Sản phẩm làm ra được đóng chai và có tem nhãn đầy đủ. Theo Ban giám đốc, dầu ăn là mặt hàng thiết yếu được sử dụng hàng ngày và không thể thiếu ở mỗi bữa ăn, khách hàng của HTX Quang Duy trải dài từ nông thôn tới thành thị. Hiện nay, thị trường của dầu lạc Đại An không chỉ tiêu thụ trong tỉnh mà còn mở rộng sang Thái Nguyên, Lạng Sơn, Hải Dương, Nghệ An… và được khách hàng rất tin dùng.
Khẳng định sản phẩm chuẩn OCOP
Để có được sản phẩm dầu lạc nguyên chất, HTX Quang Duy đã chủ động xây dựng vùng nguyên liệu lạc với các quy chuẩn khắt khe về giống, canh tác, trồng trọt, chăm sóc và thu hoạch.
Trước đây, người dân thường mua lạc trôi nổi trên thị trường, hoặc sử dụng giống lạc lâu ngày bị thoái hóa nên năng suất lạc bình quân không cao chỉ đạt 15 tạ/ha. Tuy nhiên, dưới sự liên kết của HTX với ngành nông nghiệp địa phương, người dân được cung cấp giống lạc đạt chỉ tiêu chất lượng, được hướng dẫn quy trình trồng lạc VietGAP.
Các hộ cũng phải thay đổi tập quán canh tác lạc truyền thống từ trồng trên đất bằng và áp dụng hình thức tưới tràn chuyển qua trồng lạc trên luống tưới rãnh và áp dụng các công thức thâm canh tiên tiến. Trong đó có biện pháp làm phân hữu cơ thay cho sử dụng phân vô cơ nhằm chống thoái hóa bạc màu đất. Ngoài ra, HTX còn vận động người dân chuyển những vùng đất sản xuất không hiệu quả sang trồng lạc xen canh hoặc thâm canh lạc để bảo đảm nguyên liệu phục vụ chế biến quanh năm.
Dầu lạc của HTX Quang Duy được công nhận là sản phẩm tiêu biểu của địa phương khi tham gia chương trình OCOP. |
Quy trình trồng lạc VietGAP được tổ chức quy củ đã giúp diện tích đất bị bỏ hoang tại địa phương giảm. Lạc là thảm thực vật giúp giảm tốc độ xói mòn, hạn chế tình trạng thoái hóa đất. Ngoài ra, sử dụng phân vi sinh thay cho phân vô cơ trước đây theo truyền thống của người dân hay dùng đã nâng cao độ phì nhiêu cho đất.
Với quy trình sản xuất bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm đi đôi với bảo vệ môi trường, sản phẩm dầu lạc Đại An của HTX Quang Duy đã được công nhận OCOP 3 sao cấp tỉnh. Đây cũng là cơ hội để HTX giới thiệu, quảng bá thương hiệu, liên kết sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm.
Định hướng trong thời gian tới, HTX Quang Duy sẽ mở rộng sang chế biến dầu vừng đồng thời đẩy mạnh quảng bá, giới thiệu, tìm đầu ra cho sản phẩm bằng cách liên kết với các siêu thị, chuỗi cửa hàng bán lẻ, sàn thương mại điện tử...
Như Yến