Những năm đầu thập niên 90 của thế kỷ XX, cây mơ vàng được trồng nhiều ở các xã Cao Kỳ, Hòa Mục (huyện Chợ Mới), xã Đôn Phong, Dương Phong (huyện Bạch Thông), Xuất Hóa (TP. Bắc Kạn). Đã có thời điểm, nhà nhà trồng mơ, người người trồng mơ, cây mơ trồng gần nhà, trên nương rẫy, thậm chí xuống cả ruộng thấp, nhiều hộ phất lên nhờ loại cây này.
Sự ‘hồi sinh’ đem đến cuộc sống ấm no
Nhưng thịnh vượng chẳng được bao lâu, với lối sản xuất tự phát, thiếu quy hoạch ở thời điểm bấy giờ, cây mơ dần lụi tàn. Diện tích nhiều, sản lượng lớn nhưng không có nhà máy chế biến, phụ thuộc hoàn toàn vào tư thương nên đến đầu những năm 2000, quả mơ bán chẳng ai mua, cho không ai lấy.
Cây mơ vàng đang là loại cây trồng xóa đói, giảm nghèo và làm giàu bền vững cho nhiều hộ dân ở Bắc Kạn |
Rồi hàng chục năm trôi qua, cây mơ dần rơi vào quên lãng, không ai nhắc, cũng chẳng ai để ý đến loại cây trồng một thời “gây bão” trên thị trường.
Nhưng bất ngờ cây mơ lại “hồi sinh” mạnh mẽ, được chế biến xuất khẩu tới thị trường Nhật Bản nhờ đẩy mạnh liên kết theo mô hình HTX với doanh nghiệp, giúp đổi thay cuộc sống của nhiều nông dân.
Hiện nay, diện tích cây mơ được phân bổ chủ yếu ở các huyện Chợ Mới gần 400ha, Bạch Thông 101ha, TP.Bắc Kạn 100ha, Chợ Đồn khoảng 35ha… Nếu như trước năm 2015, nhiều người dân chặt bỏ cây mơ vì giá thành xuống thấp thì hiện nay với sự tham gia của các HTX, doanh nghiệp trong việc liên kết bao sản phẩm, diện tích mơ toàn tỉnh đã tăng lên hơn 600ha, trong đó gần 400ha đã cho thu hoạch, năng suất mỗi vụ đạt 66 tạ/ha, sản lượng đạt trên 2.400 tấn.
Cây mơ đang là loại cây trồng xóa đói, giảm nghèo và làm giàu bền vững cho nhiều hộ dân ở Bắc Kạn. Như ở Nà Nguộc, do ở cách xa trung tâm xã, đường sá đi lại khó khăn, chỉ cách đây chưa đầy chục năm, được coi là một trong những thôn nghèo, khó khăn nhất của xã Cao Kỳ (huyện Chợ Mới), người dân ít ruộng, đời sống luẩn quẩn trong thiếu thốn. Nhưng từ khi quả mơ được giá, chỉ hơn 5 năm trở lại đây, Nà Nguộc đã “lột xác” hoàn toàn, bản làng khang trang.
Ông Đặng Phúc Thanh, Trưởng thôn Nà Nguộc cho biết, thôn có 72 hộ thì số hộ có nhà xây kiên cố chiếm đến gần 70%, nhiều hộ xây nhà hai, ba tầng, chi phí hàng tỷ đồng. Toàn bộ các hộ trong thôn là người dân tộc Dao, nhờ trồng cây mơ nhiều hộ đã phất lên thoát nghèo, làm giàu nhanh chóng.
“Thôn có diện tích đất lâm nghiệp khá lớn nên trong số 72 hộ thì có đến 90% trồng cây mơ, hầu hết đã cho thu hoạch, hộ ít thì năm thu vài chục triệu, hộ nhiều vài trăm triệu đồng. Đây là nguồn thu rất lớn đối với người dân ở bản vùng cao như Nà Nguộc”, ông Thanh thông tin.
Đẩy mạnh liên kết, khắt khe về chất lượng
Đặc biệt, với sự liên kết giữa doanh nghiệp, HTX, người dân, tiềm năng phát triển cây mơ trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn còn rất nhiều triển vọng. Ông Đồng Phúc Toản, Chủ tịch UBND xã Cao Kỳ cho biết, hiện nay xã có 327ha cây mơ, diện tích đã cho thu hoạch trên 200ha. Tại những thôn như Nà Nguộc, Hua Phai, Chộc Toòng, Tổng Tàng, Bản Phố, Nà Cà 1, cây mơ đã trở thành cây trồng chủ lực giúp người dân thoát nghèo, làm giàu. Với những cánh rừng mơ bạt ngàn, vào mùa nở hoa rất đẹp nên xã cũng đang có kế hoạch phát triển sản phẩm du lịch.
Sản phẩm mơ được chế biến để xuất khẩu đi thị trường Nhật Bản. |
"Hiện nay trên địa bàn huyện Chợ Mới đã có nhà máy chế biến quả mơ để xuất khẩu sang Nhật Bản, liên kết với HTX chuyên thu mua, chế biến quả mơ. Đây là điều kiện rất tốt để đảm bảo giá bán quả mơ ổn định cũng như để xã tiếp tục mở rộng diện tích loại cây trồng này trong những năm tới”, ông Toản chia sẻ.
Cụ thể, trên địa bàn huyện Chợ Mới có 2 HTX đứng ra liên kết sản xuất và tiêu thụ mơ cho bà con gồm HTX Cao Kỳ và HTX Đoàn Kết. Đây cũng là các đơn vị làm trung gian liên kết trực tiếp với người dân để cung cấp quả mơ cho 2 doanh nghiệp xuất khẩu. Số lượng quả mà các HTX liên kết thu mua mỗi vụ lên đến hàng nghìn tấn (gồm bán cho doanh nghiệp xuất khẩu và bán ra ngoài thị trường).
Một trong những doanh nghiệp liên kết với HTX là Công ty TNHH MISAKI (Khu công nghiệp Thanh Bình, huyện Chợ Mới). Năm 2022, công ty đã bao tiêu hơn 600 tấn mơ với giá mua tại chỗ là 8.000 đồng/kg. Sản phẩm mơ được chế biến dưới dạng ô mai, mơ muối, đóng hộp và xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản, giá trị xuất khẩu năm vừa qua đạt 30 tỷ đồng. Tuy nhiên, năm 2023, Công ty thu mua được ít hơn năm ngoái nên có thể không đủ chế biến theo kế hoạch, nguyên nhân là do có nhiều tư thương đến tỉnh Bắc Kạn mua quả mơ hơn những năm trước.
Vì vậy, bài toán đặt ra ở lần “hồi sinh” này cũng yêu cầu khắt khe với cây mơ. Bà Trịnh Thị Thư, Đại diện HTX Đoàn Kết cho biết: Năm 2022, HTX thu mua khoảng 1.000 tấn quả, tuy nhiên số lượng quả đạt tiêu chuẩn cung cấp cho công ty chế biến mơ chỉ chiếm một nửa, số còn lại là quả nhỏ, chúng tôi phải bán ra ngoài với giá chỉ được khoảng 5.000 đồng/kg".
Ông Hà Sỹ Huân, Giám đốc Sở NN&PTNT Bắc Kạn thông tin: Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp giai đoạn 2020-2025 của tỉnh đã đưa cây mơ vào quy hoạch vùng, xác định các xã Thanh Mai, Thanh Vận, Cao Kỳ (Chợ Mới), Đôn Phong, Dương Phong, Mỹ Thanh (Bạch Thông), Chợ Đồn và TP. Bắc Kạn sẽ là các vùng trọng điểm trồng mơ.
Để phát triển cây mơ bền vững, tỉnh khuyến khích các tổ chức, cá nhân tham gia vào chuỗi sản xuất liên kết gắn với tiêu thụ sản phẩm, đồng thời tập trung ứng dụng khoa học kỹ thuật vào khâu chăm sóc để nâng cao giá trị sản phẩm. Chỉ có như vậy mới đảm bảo hài hòa lợi ích giữa các bên, gia tăng giá trị hàng hóa từ cây mơ.
“Khi đã có nhà máy tiêu thụ, việc ứng dụng khoa học kỹ thuật vào chăm sóc cây mơ là giải pháp quan trọng để nâng tầm giá trị quả. Những năm tới, diện tích mơ cho thu hoạch sẽ tăng lên, vì vậy cần sự vào cuộc quyết liệt hơn nữa của các cấp, ngành, người dân để xây dựng vùng nguyên liệu mơ chất lượng, phục vụ sự ổn định cho hoạt động chế biến, xuất khẩu lâu dài”, ông Huân nhấn mạnh.
Nguyệt Ánh