Đánh giá tiềm năng của giống chuối nuôi cấy mô, Giám đốc Trung tâm Phát triển nông nghiệp Hà Nội (Sở NN&PTNT Hà Nội) Hoàng Thị Hòa cho biết, Hà Nội hiện có hơn 3.000ha trồng chuối - là một trong 4 loại cây trồng đặc sản của Thủ đô.
Hiện tại, hơn 70% diện tích trồng chuối của Hà Nội là các giống chuối nuôi cấy mô, trong đó 300ha trồng chuối nuôi cấy mô ứng dụng công nghệ cao và vùng trồng chuối này đủ điều kiện xuất khẩu sang một số thị trường khó tính như: Hàn Quốc, Nhật Bản…
Thu nhập 250 - 300 triệu đồng/ha
Xã Vân Nam (huyện Phúc Thọ) là một trong những vùng trồng chuối lớn nhất Hà Nội. Theo Giám đốc HTX Nông nghiệp Vân Nam Doãn Văn Thắng, xã có hơn 10ha trồng chuối nuôi cấy mô. Năm 2016, sản phẩm chuối Vân Nam đã được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) công nhận nhãn hiệu tập thể. Hiện, trung bình loại chuối này cho hiệu quả kinh tế từ 250 - 300 triệu đồng/ha/năm.
Cũng theo đại diện của HTX Nông nghiệp Vân Nam, trồng theo phương pháp truyền thống thì mỗi buồng chỉ đạt trọng lượng từ 20-25kg và thường chín không đều. Trong khi đó, chuỗi nuôi cấy mô sau 10 tháng trồng và chăm sóc, cây đã bắt đầu trổ buồng, mỗi buồng được 11-13 nải, quả to, đẹp mã, sản lượng tăng từ 15 - 20% so với giống truyền thống.
Trung bình 1 lần trồng chuối có thể duy trì tiếp đời chồi thứ nhất (để 2 chồi) lấy từ chồi của cây mẹ hiện có tại địa phương. Như vậy, 1 ha chuối nuôi cấy mô sang năm thứ 2 trở lên sẽ cho lợi nhuận cao hơn rất nhiều so với năm đầu tiên. Trong năm đầu tiên, ngoài lợi nhuận thu hoạch từ cây chuối thì các hộ đã tận dụng đất trống để sản xuất các loại cây rau nhằm tăng thêm thu nhập.
Thực tế, giống nuôi cấy mô đồng đều về tuổi cây và chất lượng sản phẩm cao. Đây cũng là điều kiện cho việc xây dựng vùng nguyên liệu chuyên canh, áp dụng đồng bộ quy trình kỹ thuật trong canh tác, phục vụ cho công nghiệp chế biến và xuất khẩu.
Tương tự, những năm gần đây, nông dân vùng bãi xã Kim Sơn (huyện Gia Lâm) cũng đưa giống chuối nuôi cấy mô vào sản xuất. Một người trồng chuối ở xã Kim Sơn cho hay, chuối nuôi cấy mô cho sản lượng và hiệu quả kinh tế cao gấp 2-3 lần so với giống chuối truyền thống và chỉ sau 10 tháng trồng là cho thu hoạch.
Theo Chủ tịch UBND xã Kim Sơn Nguyễn Hùng Cườn, toàn bộ vùng bãi của xã được chuyển đổi sang trồng cây ăn quả. Trong số gần 250ha có đến hơn 100ha trồng chuối và đều là giống chuối nuôi cấy mô. Hiện, phần lớn chuối được tiêu thụ tại các siêu thị, chuỗi cửa hàng sạch của Hà Nội.
Chuối nuôi cấy mô cho thuy hoạch chỉ sau 10 tháng trồng (Ảnh: Internet) |
Hình thành vùng sản xuất
Thời gian qua, Trung tâm Phát triển cây trồng Hà Nội đã cung ứng giống chuối nuôi cấy mô và mở các lớp tập huấn kỹ thuật trồng mới, chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh cho cây chuối. Cùng với đó, hướng dẫn nông dân sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, ứng dụng công nghệ bảo quản cận và sau thu hoạch để phục vụ nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng.
Chuối nuôi cấy mô cho sản lượng và hiệu quả kinh tế cao gấp 2-3 lần so với giống chuối truyền thống (Ảnh: Internet) |
Nhờ đáp ứng được các yêu cầu về số lượng, chất lượng và mẫu mã mà nhiều HTX như HTX Nông nghiệp Vân Nam đã đưa được sản phẩm chuỗi vào các siêu thị lớn. Tuy nhiên, theo đại diện UBND xã Vân Nam, mặc dù sản lượng chuối của Vân Nam hàng năm vẫn được tiêu thụ hết nhưng trên thực tế, cách thức tiêu thụ chưa thực sự hiệu quả, giá bán và số lượng chuối thương phẩm vẫn phụ thuộc nhiều vào thương lái.
Theo đó, để đẩy mạnh việc đưa sản phẩm chuối vào các hệ thống siêu thị, cửa hàng, các bếp ăn tập thể trên địa bàn Thủ đô, Trung tâm Phát triển cây trồng Hà Nội đã tích cực tư vấn nông dân quản lý, sử dụng nhãn hiệu tập thể hiệu quả. Đồng thời, tiếp tục hỗ trợ nông dân quảng bá, xây dựng chuỗi liên kết sản xuất – tiêu thụ sản phẩm.
Đáng chú ý, mới đây, UBND TP Hà Nội đã có Quyết định số 437/QĐ-UBND về việc phê duyệt kế hoạch cơ cấu lại ngành nông nghiệp TP Hà Nội giai đoạn 2019-2020, Hà Nội sẽ duy trì khoảng 2.200ha trồng chuối.
Giám đốc Trung tâm Phát triển nông nghiệp Hà Nội Hoàng Thị Hòa cho rằng, để phát triển thế mạnh của chuối nuôi cấy mô, Hà Nội tiếp tục quy hoạch trồng chuối tại các xã vùng bãi thuộc huyện: Mê Linh, Gia Lâm, Phúc Thọ, Thường Tín, Ba Vì…
Đối với những vùng trồng chuối đạt tiêu chuẩn VietGAP như các xã Vân Nam (huyện Phúc Thọ), Kim Sơn, Chu Minh (huyện Ba Vì)..., ngành nông nghiệp tập trung đưa công nghệ cao vào sản xuất, liên kết các mô hình kinh tế hợp tác với nông dân và với doanh nghiệp xây dựng mô hình trồng chuối xuất khẩu.
Bên cạnh đó, chuối cũng là cây có suất đầu tư khá thấp, dễ trồng, thu hồi vốn nhanh nên rất phù hợp cho đa dạng khả năng tài chính cũng như trình độ sản xuất của nông dân, vì thế có nhiều thuận lợi để khả năng mở rộng sản xuất.
Minh Khuê