Vừa tận dụng được diện tích bỏ hoang, vừa biến những khó khăn thách thức thành lợi thế, lại nâng giá trị kinh tế cao gấp 2,5 lần so với canh tác truyền thống, đó là kết quả từ mô hình cá - lúa mà HTX nông nghiệp An Mỹ (xã An Mỹ, huyện Mỹ Đức, TP.Hà Nội) triển khai trong suốt thời gian qua.
Hiệu quả rõ rệt
Ông Bùi Văn Oanh, Giám đốc HTX nông nghiệp xã An Mỹ cho biết, trước đây, hơn 30 ha trong tổng diện tích đất nông nghiệp của HTX vốn được gọi là “rốn nước” ở xã An Mỹ – nơi lụt sớm nhất và nước rút chậm nhất, nên hiệu quả sản xuất các cây trồng cũ rất thấp.
Với quyết tâm làm giàu trên chính “mảnh đất khó” của quê hương, HTX An Mỹ bắt tay vào quy hoạch 17ha ruộng trũng theo mô hình kết hợp cá - lúa với sự nhiệt tình tham gia của 70 thành viên.
Ban đầu, các thành viên tiến hành đầu tư, cải tạo mô hình như đào ao, đắp bờ, xử lý các tác nhân gây hại như côn trùng, sên…để cho lúa và cá phát triển tốt. Đồng thời, HTX lựa chọn những giống cá truyền thống chủ yếu là các loại như: trắm, chép, trôi, rô phi và mè, phù hợp với môi trường của cá và lúa, đem lại năng suất cao.
Bên cạnh sản xuất, HTX nông nghiệp An Mỹ đã chủ động mở rộng thị trường, bắt tay với doanh nghiệp liên kết, xây dựng thành công nhiều mô hình nông nghiệp mới. Đến nay, HTX có 345ha diện tích đất nông nghiệp với 2.750 thành viên.
“Qua đánh giá năng suất thu nhập bình quân canh tác từ 150 – 170 triệu đồng/ha/năm đã nâng lên 200 – 250 triệu đồng/ha/năm, trong khi chi phí cho sản xuất lúa giảm đi từ 10 – 15% so với không thả cá”, Giám đốc HTX Bùi Văn Oanh chia sẻ.
Mô hình cá lúa đang trở thành đòn bẩy giảm nghèo tại nhiều địa phương. |
Mô hình cá – lúa những năm qua cũng đem lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân xã Hà Tiến, huyện Hà Trung, tỉnh Thanh Hóa. Được biết, đến nay, toàn xã Hà Tiến đã chuyển đổi được gần 10 ha đất trồng lúa kém hiệu quả để phát triển mô hình cá – lúa, đồng thời kết hợp diện tích mặt nước để chăn nuôi vịt, nâng cao hiệu quả kinh tế.
Hiện toàn xã có 3 Tổ hợp tác phát triển mô hình. Để nhân rộng, xã đang tích cực hỗ trợ thành lập các HTX, khuyến khích người dân liên kết sản xuất khoa học.
Kể từ năm 2018 đến nay, được UBND xã Hà Tiến khuyến khích, hỗ trợ, tạo điều kiện, gia đình ông Đỗ Văn Quý, thành viên Tổ hợp tác nông nghiệp Hà Tiến đã chuyển đổi gần 1 ha đất trồng lúa kém hiệu quả để phát triển mô hình trồng lúa kết hợp nuôi các loại cá mè, trôi... để nâng cao thu nhập.
Động lực làm giàu
Ông Đỗ Văn Quý cho hay, khi được cán bộ nông nghiệp của xã Hà Tiến và Tổ hợp tác hỗ trợ kỹ thuật, gia đình đã đào sâu ruộng và đắp bờ cao hơn, kiên cố để giữ nước, có mương bao quanh ruộng và ao chứa cá khi chuyển vụ.
Không những thế, ông còn sử dụng chế phẩm vi sinh để cải tạo môi trường nước và nền đáy ruộng nuôi cá, giúp nâng cao sức đề kháng của cá, giảm thiểu ô nhiễm trong ruộng nuôi, đồng thời giúp hạn chế vi khuẩn có hại, nâng cao hiệu quả sử dụng thức ăn cho cá.
“Mô hình cá - lúa kết hợp này mang lại hơn 100 triệu đồng/năm cho gia đình tôi. Ngoài ra, khi chuyển đổi sang mô hình này còn giúp luân canh, cải tạo đất tốt hơn, giảm chi phí làm đất cho vụ sau”, ông Quyết phấn khởi nói.
Tương tự, quyết định chuyển đổi mô hình chuyên canh lúa 2 vụ sang kết hợp trồng lúa và thả cá đang mở ra hướng đi đầy tiềm năng cho người dân xã Phú Lộc, huyện Nho Quan, tỉnh Ninh Bình.
Qua tìm hiểu cho thấy, Phú Lộc là xã thuần nông, song có địa hình trũng, thường xuyên bị ngập úng vào mùa mưa, gây rất nhiều khó khăn khi người dân triển khai mô hình lúa 2 vụ đơn thuần, tuy nhiên lại vô cùng thích hợp khi triển khai nuôi cá ngay trong ruộng lúa.
Theo thống kê, toàn xã Phú Lộc đang có gần 300 ha sản xuất lúa - cá kết hợp. Chỉ tính riêng HTX thủy sản Phú Lộc, đơn vị đi đầu của mô hình, đã có tổng diện tích lên tới gần 240 ha.
Qua nhiều năm thực hiện, mô hình lúa - cá kết hợp đang cho thấy giá trị cao, mở ra hướng đi nhiều tiềm năng cho người dân địa phương, với giá trị bình quân đạt trên 100 triệu đồng/năm. Đây là mức thu nhập cao so với mặt bằng chung tại một xã thuần nông không chỉ ở Ninh Bình mà là trên địa bàn cả nước.
Có thể thấy, các mô hình cá - lúa đang đang mang lại giá trị kinh tế cao, trở thành động lực giảm nghèo cho người tại rất nhiều địa phương trên cả nước. Tuy nhiên, vấn đề quy hoạch để phát triển mô hình theo hướng hàng hóa, xây dựng chuỗi giá trị, nâng tầm thương hiệu cho sản phẩm vẫn là một “bài toán” không dễ giải.
Trong thời gian tới, các địa phương cần đẩy mạnh các nguồn lực hỗ trợ để giúp người dân, HTX hoàn thiện quy trình sản xuất, nâng cao khoa học - kỹ thuật, tăng cường kết nối, mở rộng thị trường tiêu thụ, nâng giá bán sản phẩm. Hướng tới xây dựng thương hiệu cá – lúa đặc trưng , từ đó nâng cao doanh thu, lợi nhuận, tạo hướng đi lâu dài cho người dân.
Huyền Trân