Nhiều hộ nuôi cá ở Cát Tiên đang gặt thành công lớn nhờ chăn nuôi an toàn |
Nông dân triệu phú
Chuyển đổi sang nuôi các lồng an toàn sau hơn 10 năm gắn bó với nghề trồng lúa, ông Nguyễn Hoàng Cầu chia sẻ: “Việc chuyển từ cấy lúa sang nuôi cá lồng là bước ngoặt đổi đời của gia đình tôi, nếu trước đây, cả năm bán sức ở trên đồng cũng chỉ đủ đồng ra đồng vào, cuộc sống khó khăn, thì nay, nhà tôi đã có của ăn của để”.
Ông Cầu cho biết gia đình bắt đầu triển khai nuôi cá vào năm 2017. Được sự giúp đỡ của bạn bè, cán bộ kỹ thuật nông nghiệp địa phương, ông quyết định đầu tư hơn 100 triệu để làm lồng bè, nhập giống, phát triển nuôi cá an toàn.
Đến nay, cùng với việc cấy lúa, gia đình ông Cầu phát triển hơn 20 lồng cá diêu hồng, năng suất đạt trên 5 tấn cá thương phẩm/tháng, doanh thu đạt 400 – 500 triệu đồng/năm. Đặc biệt, nhờ sản xuất an toàn, chất lượng cá vượt trội, các sản phẩm của gia đình ông luôn được đối tác đến tận vựa thu mua.
Tương tự, gia đình ông Nguyễn Hữu Tình (xã Gia Viễn) phát triển mô hình nuôi cá lồng trong lòng hồ thủy lợi Đắk Lô. Kể từ năm 2016 đến nay, bình quân mỗi năm ông phát triển hơn 40 lồng cá, với nhiều loại cá giá trị cao, được thị trường ưa chuộng như cá lăng, cá diêu hồng…
“Với quy trình sản xuất an toàn, khoa học, bình quân mỗi tháng tôi thu về trên dưới 10 tấn cá các loại. Nhờ thị trường mở rộng, giá cả ổn định, mỗi năm tôi thu về 800 triệu đến 1 tỷ đồng. Cuộc sống đã thay đổi rõ rệt so với trước đây”, ông Tình chia sẻ.
Hiệu quả vượt trội về kinh tế giúp mô hình thủy sản ngày càng lan tỏa sức ảnh hưởng trên địa bàn huyện Cát Tiên, thu hút hàng chục hộ dân trên địa bàn tham gia phát triển mô hình.
Mô hình nuôi cá VietGAP gắn với ATLĐ sẽ được chú trọng phát triển |
Chú trọng ATLĐ
Ông Trần Quang Trừng – Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Cát Tiên cho biết mô hình nuôi cá lồng theo hướng hàng hóa gắn với an toàn lao động (ATLĐ) đang mang lại nguồn thu nhập lớn cho nông dân và phong trào đang phát triển mạnh. Đặc biệt, tại khu vực hồ Đắk Lô, nhiều gia đình đầu tư vốn để làm lồng bè nuôi các loại cá với quy mô lớn để tăng thu nhập.
Điểm nhấn của mô hình nuôi cá lồng bè là sự thay đổi về tư duy sản xuất của nông dân trong quá trình chăm sóc. Không chỉ chú trọng áp dụng khoa học – kỹ thuật mới, các hộ ngày quan tâm đến các vấn đề vệ sinh thực phẩm, bảo vệ môi trường, đặc biệt là ATLĐ để hướng đến sự phát triển bền vững.
“Để nâng cao hiệu quả, địa phương đã tăng cường tuyên truyền, tập huấn về kỹ thuật, ATLĐ cho người dân. Nhưng quan trọng nhất vẫn là ý thức về ATLĐ, vệ sinh thực phẩm của người dân đang ngày càng được nâng cao, qua đó giúp mô hình nuôi cá lồng đang ngày càng đi vào ổn định, cho hiệu quả cao”, ông Trừng nhấn mạnh.
Đơn cử, trong quá trình cải tạo ao hồ, người dân đã bắt đầu sử dụng các đồ bảo hộ đúng quy định khi lội xuống xử lý đáy ao, tránh tiếp xúc trực tiếp với bùn bẩn, chất thải trong ao, qua đó giảm thiểu tác động tiêu cực đến sức khỏe.
Bên cạnh hoàn thiện quy trình sản xuất, chú trọng ATLĐ, các hộ dân trên địa bàn huyện cũng đang chủ động triển khai đa dạng hóa sản phẩm, nhằm đáp ứng nhu cầu thị trường, đồng thời đẩy mạnh kết nối thị trường nhằm nâng cao giá trị sản phẩm.
Hạ Vi