Mới đây, Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre, Trần Ngọc Tam - Trưởng ban Chỉ đạo các chương trình mục tiêu quốc gia (BCĐ) tỉnh, đã chủ trì cuộc họp BCĐ xem xét công nhận các xã đạt chuẩn nông thôn mới (NTM) và NTM nâng cao (NC).
Tăng tốc xây dựng NTM
BCĐ tỉnh đã tiến hành bỏ phiếu công nhận xã đạt chuẩn. Kết quả, thành viên BCĐ tỉnh thống nhất cao công nhận 17 xã đạt chuẩn xã NTM, gồm: Lộc Thuận (Bình Đại), Tân Phong, Thạnh Phong (Thạnh Phú), Hưng Lễ, Sơn Phú, Thạnh Phú Đông, Mỹ Thạnh (Giồng Trôm), Sơn Hòa, Tân Phú, Tam Phước, Phú An Hòa (Châu Thành), Hương Mỹ, Ngãi Đăng, An Định, An Thạnh (Mỏ Cày Nam), Hòa Lộc (Mỏ Cày Bắc) và Mỹ Thạnh (Ba Tri). 7 xã đạt chuẩn NTMNC gồm: Phú Sơn, Sơn Định, Vĩnh Thành (Chợ Lách), An Phú Trung (Ba Tri), Cẩm Sơn (Mỏ Cày Nam), Quới Điền và Thới Thạnh (Thạnh Phú). Đến nay, toàn tỉnh có 80 xã đạt chuẩn NTM, 20 xã đạt chuẩn NTMNC, huyện Chợ Lách đạt huyện NTM và TP. Bến Tre hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM.
Chương trình NTM đang góp phần làm cho bộ mặt nông thôn ở Bến Tre ngày càng phát triển. |
Đồng thời, xem xét, góp ý dự thảo quyết định ban hành các bộ tiêu chí (TC) về NTM giai đoạn 2021 - 2025 gồm: Bộ TC huyện NTM, huyện NTMNC, xã NTM, xã NTMNC, xã NTM kiểu mẫu, ấp NTM, ấp NTM kiểu mẫu; Quy định mô hình ấp thông minh, mô hình xã thông minh.
Bên cạnh những nỗ lực hoàn thành nhiệm vụ đúng lộ trình được giao, nhiều địa phương của tỉnh Bến Tre cũng thúc đẩy tiến độ xây dựng nông thôn mới được nhanh chóng, hoàn thiện trước nhiệm kỳ để đời sống của người dân được cải thiện hơn nữa. Đặc biệt, đưa kinh tế của tỉnh Bến Tre nói chung, kinh tế vùng nông thôn nói riêng phát triển vượt bậc để có thể nâng cao năng lực cạnh tranh với các địa phương tại khu vực đồng bằng sông Cửu Long.
Như ở Giồng Trôm, nhiều xã đã về đích NTM đang tạo nên những điển hình để các địa phương khác học tập, thông qua việc tạo điều kiện cho các mô hình HTX phát triển, nhiều xã đã giúp cuộc sống người dân thay đổi từng ngày.
Xã Sơn Phú thuộc tiểu vùng IV của huyện Giồng Trôm, cách trung tâm thành phố Bến Tre 05km, cách trung tâm huyện 24 km. Năm 2010, xã được công nhận xã văn hóa. Xã có diện tích tự nhiên là 1472,19 ha, trong đó diện tích đất nông nghiệp là 1050,7 ha và 421,49 ha đất phi nông nghiệp; đơn vị hành chính gồm 8 ấp. Toàn xã có 2.251 hộ với 7.627 nhân khẩu, được phân bố đều trên 8 ấp.
Trên địa bàn xã có Hợp tác xã Dịch vụ Nông nghiệp Sơn Phú, hoạt động ở mức khá với hình thức thu mua dừa khô, phân bón và bán gạo hữu cơ... Kết quả kinh doanh năm 2021 doanh thu đạt 645 triệu đồng, bước đầu mang lại hiệu quả trong xây dựng và phát triển kinh tế tập thể tại địa phương. Xã thành lập 1 tổ hợp tác cải tạo và nâng cao năng suất vườn dừa ấp 6, có 13 thành viên, diện tích 95,5 ha, ký hợp đồng đầu vào với cơ sở Văn Hây và đầu ra với Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Sơn Phú.
Huyện Mỏ Cày Bắc cũng là một trong những địa phương đi đầu trong phong trào NTM, trong đó huyện tạo điều kiện để các HTX phát triển, góp phần vào xây dựng NTM.
Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp Thành An (Mỏ Cày Bắc) tỉnh Bến Tre đã phối hợp với địa phương giải quyết những tồn đọng về phân bón, tìm kiếm thị trường tiêu thụ cho mặt hàng gạo sạch, an toàn và đã gặt hái những thành công nhất định. HTX được UBND huyện trao tặng giấy khen vì có thành tích xuất sắc trong việc triển khai và thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW và Luật HTX năm 2012 trên địa bàn huyện Mỏ Cày Bắc...
Giám đốc HTX Nông nghiệp Thành An Phạm Văn Lâu xác định: HTX kiểu mới phải tạo lợi nhuận cho người dân, tạo niềm tin sản xuất cho nông dân và tạo vùng sản xuất hiệu quả, chất lượng. Người dân là lực lượng chính tạo ra chuỗi giá trị sản phẩm, sự thành công cho tập thể. Thay đổi thói quen tiêu dùng, cách nhìn về HTX cũ trong lòng người dân vẫn còn là vấn đề trăn trở và nan giải.
HTX phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể cùng chính quyền địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền và kêu gọi người dân sử dụng sản phẩm gạo sạch, an toàn. HTX thống nhất chi 100 đồng/kg theo số lượng mà chính quyền ấp vận động người dân mua từ HTX, góp vào nguồn quỹ của ấp. Trên hết, để động viên tinh thần ấp cùng thực hiện tốt Nghị quyết số 13/NQ-TW, HTX tiếp cận và tạo niềm tin trong dân. Từ đó người dân phấn khởi tham gia HTX kiểu mới.
Tạo mọi điều kiện phát triển KTTT, HTX
Ở Bến Tre hiện nay, khu vực KTTT, HTX được xem là một trong những nòng cốt trong phát triển kinh tế nông thôn, là cơ sở để hoàn thành xây dựng NTM, bởi vậy từ người đứng đầu đến các sở, ngành đều dành sự quan tâm đặc biệt cho khu vực kinh tế này.
Liên minh HTX tỉnh Bến Tre cho biết đến thời điểm hiện tại, toàn tỉnh có 177 HTX hoạt động trong 6 lĩnh vực (công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và xây lắp điện, nông nghiệp - thủy sản, quỹ tín dụng nhân dân, thương mại - dịch vụ, kinh doanh tổng hợp, giao thông - vận tải, tài nguyên - môi trường).
Các HTX nông nghiệp ở Bến Tre đang góp phần xây dựng thành công chương trình NTM trên địa bàn.
Trong đó, có 80 HTX tham gia chuỗi giá trị nông sản chủ lực của tỉnh. Số HTX thuộc lĩnh vực nông nghiệp chiếm số lượng lớn trong tổng số HTX (71,68%)
Tổng số thành viên HTX là 45.658 người, với 2.932 lao động thường xuyên. Tổng doanh thu 9 tháng đầu năm 2022 ước đạt khoảng 110 tỷ đồng; thu nhập bình quân của thành viên đạt từ 5,5 - 6 triệu đồng/người/tháng.
Về tổ hợp tác (THT), đến thời điểm hiện tại, toàn tỉnh có 1.125 THT, với 21.010 thành viên. Trong đó có 895 THT thực hiện chuyển đổi và hoạt động theo Nghị định 77/2019/NĐ-CP của Chính phủ.
Theo Liên minh HTX tỉnh Bến Tre, hoạt động của kinh tế hợp tác còn một số bất cập. Đó là nhận thức của một số thành viên còn chưa đầy đủ, thiếu tinh thần tự nguyện trong tham gia THT, HTX, nhất là tham gia sản xuất theo chuỗi giá trị.
Tại buổi làm việc với Liên minh HTX tỉnh mới đây, Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre Lê Đức Thọ, cho biết hiện Bến Tre còn nhiều lĩnh vực để phát triển THT, HTX. Thời gian qua, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh rất quan tâm và đã có cơ chế, chính sách, chủ trương phát triển kinh tế hợp tác. Hệ thống chính trị cũng đã tích cực vào cuộc. Điều đó đã đem lại kết quả tích cực trong phát triển loại hình kinh tế hợp tác.
Với các sở, ngành, địa phương liên quan, ông Lê Đức Thọ đề nghị cần tích cực vào cuộc để hỗ trợ THT, HTX tháo gỡ khó khăn theo thẩm quyền.
“Cần hỗ trợ HTX trong ứng dụng công nghệ, xây dựng tiêu chuẩn GAP, thương hiệu, nhãn hiệu, truy xuất nguồn gốc để sản phẩm tiếp cận thị trường tiêu thụ trong và ngoài nước. Tạo điều kiện cho HTX xúc tiến thương mại, tham gia hội chợ, triển lãm để quảng bá sản phẩm. Cần tạo thuận lợi, tháo gỡ vướng mắc để HTX có trụ sở làm việc”, ông Thọ nói.
Trà My