Du lịch sinh thái đang mở ra hướng đi mới cho thành viên HTX, mang lại giá trị kép về kinh tế, môi trường (Ảnh Tư liệu) |
Du lịch sinh thái mang lại hiệu quả kinh tế cao
Ông Đặng Trúc Phương, Giám đốc HTX, cho biết năm 2018, sau thời gian dài nghiên cứu, chuẩn bị các điều kiện về cơ sở hạ tầng, HTX quyết định ký hợp đồng với công ty du lịch Scivi để xây dựng tour du lịch trên địa bàn xã.
Sau gần nửa năm chuẩn bị, HTX bắt đầu đón những lượt khách đầu tiên từ tháng 9/2018. Các thành viên HTX đã đóng góp ghe máy, đầu tư nâng cấp tàu du lịch để đưa đón khách đến tham quan HTX mỗi ngày.
Phía doanh nghiệp đầu tư thêm áo phao, bàn ghế, bắt cầu tàu, hỗ trợ kinh phí mua xe đạp phục vụ du khách. HTX chịu trách nhiệm liên kết với nhà dân, phục vụ vấn đề ăn uống, nghỉ ngơi cho du khách trong mỗi chuyến thăm.
Cùng với đó, HTX vẫn đang tiếp tục đầu tư các kho bãi, khu vực bán hàng, lắp máy sản xuất chỉ xơ dừa, mụn dừa, dệt thảm, sản xuất thủ công mỹ nghệ từ dừa… để du khách có thể tham quan, trải nghiệm, tìm hiểu rõ hơn về văn hóa bản địa.
“Cái lợi lớn nhất của du lịch sinh thái bên cạnh kinh tế còn là giá trị về môi trường. Để phục vụ du lịch, 100% diện tích sản xuất của HTX áp dụng quy trình VietGAP. Các loại thuốc trừ sâu, phân bón hóa học được loại bỏ, thay vào đó là phân thuốc hữu cơ, vi sinh, đảm bảo môi trường sạch, không khí trong lành”, Giám đốc Đặng Trúc Phương nhấn mạnh.
Sản xuất, chế biến dừa vẫn là lĩnh vực chủ lực của HTX (Ảnh TL) |
Giữ vững “nghề tay phải”
Mặc dù, du lịch sinh thái trải nghiệm đang mở ra hướng đi đầy tiềm năng về kinh tế và môi trường cho HTX. Tuy nhiên, nghề chính của HTX hiện tại vẫn là sản xuất, chế biến dừa và các sản phẩm từ dừa Bến Tre.
Được thành lập vào năm 2017, HTX đang có 185 thành viên, trong đó 75% là các hộ trồng dừa. Cùng với 3 HTX khác cùng kinh doanh, sản xuất dừa theo chuỗi giá trị, HTX Định Thủy thành lập đã góp phần tạo đầu vào, đầu ra ổn định cho nhiều nông dân, hộ sản xuất, kinh doanh trên địa bàn.
HTX mua dừa của thành viên không qua trung gian, đồng thời bán phân bón hữu cơ cho nông dân với giá rẻ hơn bên ngoài. Để mở rộng đầu ra, HTX hợp đồng mua bán với công ty TNHH chế biến dừa Lương Quới 2 sản phẩm là cơm dừa trắng với giá 8.200 đồng/kg và phần da dừa.
Các sản phẩm còn lại của thành viên HTX như nước dừa, gáo, vỏ, xơ dừa đều được các doanh nghiệp, cơ sở các ngành nghề khác thu mua, phục vụ cho sản xuất.
Ngoài ra, những chiếc gáo dừa đẹp sẽ được HTX chọn lọc để bán cho các cơ sở sản xuất đồ mỹ nghệ. Trung bình mỗi ngày, công nhân làm việc tại HTX sơ chế từ 7 - 8 ngàn trái dừa, cho ra thành phẩm từ 2,5 - 3 tấn cơm dừa trắng.
Chị Bùi Thị Mai – thành viên HTX, chia sẻ, vào HTX, thành viên có nhu cầu sẽ được HTX hỗ trợ về kỹ thuật, quan trọng nhất là cuối vụ có người thu mua tại chỗ, giá thành ổn định, không còn lo bị thương lái chơi xấu.
Đang có những bước phát triển ổn định, tuy nhiên, HTX cũng còn không ít những khó khăn cần tháo gỡ, trong đó có vấn đề thiếu vốn đầu tư để hiện đại hóa và mở rộng sản xuất.
Giám đốc Đặng Trúc Phương cho hay: “Hiện tại, HTX rất cần vốn để đầu tư máy sản xuất chỉ xơ dừa. Để nâng cao hiệu quả hoạt động, HTX rất mong được sự quan tâm, hỗ trợ của các ngành chức năng".
Hưng Nguyên