Mô hình nuôi dê đang mở hướng làm giàu cho người dân xã Hồng Kỳ (Ảnh Tư liệu) |
Hướng đi tiềm năng
Năm 2012, những đàn dê đầu tiên xuất hiện ở Hồng Kỳ, với tổng đàn chỉ vài chục con. Mô hình nuôi dê đã nhanh chóng mở ra hướng làm kinh tế mới đầy hiệu quả cho người dân trên địa bàn xã, số hộ phát triển mô hình liên tục được nhân lên.
Năm 2016, xã Hồng Kỳ đã thành lập câu lạc bộ nuôi dê, thu hút hơn 50 thành viên tham gia, duy trì tổng đàn dê khoảng 1.300 con, cho thu nhập mỗi năm khoảng 7 tỷ đồng, trừ chi phí, thành viên câu lạc bộ thu lãi khoảng 2 - 3 tỷ đồng.
Hơn 3 năm phát triển mô hình nuôi dê, chị Nguyễn Thị Nghề (bản Cầu Tư, xã Hồng Kỳ) chia sẻ những năm qua, giá bán dê thương phẩm ổn định ở mức 150.000 – 160.000 đồng/kg. Thị trường ổn định, người nuôi dê có thể thu về lợi nhuận khoảng 1,5 – 2 triệu đồng/con, sau 3,5 tháng chăm sóc.
“Nuôi dê tốn ít công chăm sóc hơn các loại gia súc, gia cầm khác. Dê ăn tạp nên ngoài trồng cỏ, có thể tận dụng thêm nguồn thức ăn phong phú là lá, cỏ quanh nhà. Dê đạt 35 - 40 kg/con thì có thể xuất chuồng. Mỗi năm, gia đình tôi nuôi 3 lứa, mỗi lứa 30 con, trừ chi phí cũng thu được 80 - 90 triệu đồng”, chị Nghề phấn khởi nói.
Với những thành công đã có và mục tiêu nâng tầm thương hiệu dê Hồng Kỳ, tháng 7/2019, HTX sản xuất, tiêu thụ Dê và Ong mật Hồng Kỳ được thành lập theo Luật HTX 2012 trên tinh thần tự nguyện, hợp tác cùng phát triển với 9 thành viên ban đầu và 32 hộ liên kết.
Sự thành lập của HTX dựa trên “Đề án nâng cao chất lượng đàn dê thương phẩm giai đoạn 2019 - 2020” được huyện Yên Thế phê duyệt hồi đầu năm 2019, chủ trương chú trọng quy hoạch vùng chăn nuôi dê để mở rộng quy mô tổng đàn, phát triển theo hướng sạch, an toàn, hướng tới xây dựng nhãn hiệu “dê Yên Thế”.
HTX Hồng Kỳ là điểm tựa cho các hộ chăn nuôi (Ảnh TL) |
Đẩy mạnh kỹ thuật
Ông Nông Trần Hiên – Giám đốc HTX Hồng Kỳ, cho hay: “Sự ra đời của HTX hướng tới mục tiêu nâng cao kỹ thuật cho các hộ chăn nuôi, gia tăng năng suất, chất lượng thịt dê, đồng thời xây dựng thương hiệu, mở rộng thị trường, nâng cao giá trị cho dê Hồng Kỳ”.
Về kỹ thuật, khi tham gia HTX, các thành viên và hộ liên kết sẽ được trao đổi kinh nghiệm chăn nuôi, nâng cao kiến thức phòng, trị bệnh cho đàn dê.
Về thị trường, HTX đứng ra tìm kiếm đối tác, mở rộng thị trường tiêu thụ, đảm bảo giá bán cao cho nông dân. Đặc biệt, không bỏ qua những thế mạnh của công nghệ thông tin, HTX đã lập trang web riêng, đồng thời đăng tải hoạt động trên mạng xã hội như Zalo, Facebook để thu hút thêm khách hàng, đối tác thu mua.
Kết quả, sau gần một năm đẩy mạnh quảng bá tiêu thụ, sản phẩm của HTX đã đến được các thị trường có nhu cầu tiêu thụ thịt dê lớn như Ninh Bình, Hải Phòng, Bắc Ninh, Thái Nguyên, Hà Nội… với giá bán ổn định.
Sự hoàn thiện về cả trình độ kỹ thuật và thị trường tiêu thụ đang giúp HTX Hồng Kỳ ngày càng vững vàng, trở thành “bệ phóng” làm giàu cho các hộ thành viên.
Hiện, bình quân mỗi tháng, HTX cung ứng cho các hộ nuôi dê toàn huyện gần 500 con dê giống. Bao tiêu sản phẩm với giá cao cho các hộ nuôi dê tại các xã như Đồng Hưu, Đồng Tiến, Đồng Vương, Canh Nậu, Xuân Lương…
Cùng với Hồng Kỳ, nghề chăn nuôi dê cũng đã phát triển tại một số xã ở Yên Thế, góp phần cải thiện thu nhập cho nhiều hộ gia đình. Đây cũng là cơ sở để huyện Yên Thế xây dựng và ban hành Đề án Phát triển chăn nuôi dê thương phẩm, gắn với xây dựng nhãn hiệu chứng nhận dê Yên Thế giai đoạn 2019 - 2020, hướng tới những thành công trong tương lai.
Hưng Nguyên