Các HTX trên địa bàn tỉnh đang đẩy mạnh liên kết với doanh nghiệp để phát triển sản xuất lớn (Ảnh: Tư liệu) |
Sản xuất theo hợp đồng
“Thăng hạng” từ mô hình tổ hợp tác, HTX Nông nghiệp Đồng Tâm 3 (xã Thường Thắng, huyện Hiệp Hòa) đang có được những thành công ấn tượng từ mô hình trồng rau sạch. Được thành lập từ năm 2017, HTX đến nay có 52 hộ thành viên.
Ông Nguyễn Văn Nghiệp – Giám đốc HTX, cho biết: “HTX đang phát triển 2.500 m2 nhà màng trồng dưa vàng, dưa chuột, rau cao cấp và trên 10 ha lúa hữu cơ. Để phát triển bền vững, ngay từ đầu, HTX đã chú trọng sản xuất hiện đại gắn với bảo vệ môi trường”.
Sản phẩm HTX có bao bì quy chuẩn, có tem truy xuất nguồn gốc, không chỉ có mặt tại nhiều siêu thị ở Bắc Giang, Hà Nội, TP Hồ Chí Minh mà còn xuất khẩu.
Để đưa sản phẩm đến với nhiều thị trường khó tính, HTX đang thực hiện hợp đồng với một doanh nghiệp của Nhật Bản, sản xuất 9 loại xà lách theo công nghệ BLOF.
Đầu năm 2019, HTX tham gia vào Liên hiệp HTX Nông nghiệp hữu cơ Hiệp Hòa, cùng với 6 HTX thành viên khác ký kết hợp đồng sản xuất, tiêu thụ sản phẩm với CTCP Chế biến thực phẩm xuất khẩu G.O.C (Lạng Giang) và một số siêu thị như Hapro Mart, Fivimart (Hà Nội).
Tương tự, HTX nông nghiệp Quang Trung (xã Tân Giới, huyện Tân Yên) cũng đang ký kết hợp đồng sản xuất với doanh nghiệp để xây dựng chuỗi giá trị.
Nhờ hiệu quả trong liên kết sản xuất – tiêu thụ, HTX liên tục phát triển ổn định, từ 7 thành viên ban đầu, hiện HTX đã có 15 thành viên, tổng diện tích gần 30 ha chuyên trồng dưa chuột các loại, cà chua bi và rau chế biến.
Kể từ năm 2016 đến nay, Liên minh HTX tỉnh Bắc Giang đã hỗ trợ cho hàng loạt HTX, tổ hợp tác xây dựng các hợp đồng liên kết với doanh nghiệp để phát triển sản xuất lớn theo chuỗi giá trị. Điển hình như HTX nông nghiệp xanh Yên Thế (huyện Yên Thế), HTX nông nghiệp Hưng Thịnh (huyện Hiệp Hòa)…
Liên kết sản xuất lớn giúp HTX đảm bảo lợi ích cho thành viên (Ảnh TL) |
Đẩy mạnh sức lan tỏa
Số liệu thống kê cho thấy, trong 5 năm qua, tỉnh Bắc Giang đã hỗ trợ cho 15 HTX xây dựng sản xuất theo chuỗi giá trị, tập trung ở các ngành nghề như sản xuất mỳ, nấm ăn, rau an toàn, thịt lợn sạch…
Không chỉ dựa vào những chính sách trợ lực của tỉnh, nhiều địa phương cũng đang có những cách làm hay để nâng cao hiệu quả của khu vực kinh tế hợp tác, HTX.
Điển hình như tại Việt Yên, ngành nông nghiệp huyện đã khuyến khích các HTX cùng sản xuất một lĩnh vực có thể xem xét thành lập liên hiệp HTX chuyên canh tác rau, nuôi trồng thủy sản và nuôi lợn VietGAP. Huyện sẽ có cơ chế về vốn giúp các đơn vị đầu tư sản xuất.
Đại diện UBND huyện Việt Yên cho hay, toàn huyện hiện có 54 HTX nông nghiệp. Từ năm 2017 đến nay, huyện đã bố trí hơn 1,4 tỷ đồng hỗ trợ các đơn vị thực hiện những mô hình ứng dụng công nghệ cao và đơn vị sản xuất theo chuỗi, đồng thời chủ động phối hợp với cơ quan chuyên môn tổ chức đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực cho cán bộ quản lý HTX.
Trên địa bàn các huyện Yên Dũng, Lạng Giang, Tân Yên, Hiệp Hòa… cũng đang đẩy mạnh thành lập mới các HTX ứng dụng công nghệ cao có chuỗi liên kết sản xuất. Ngay khi được thành lập, các HTX sẽ được UBND huyện hỗ trợ vốn, tư vấn kỹ thuật, xây dựng chiến lược phát triển...
Bà Nguyễn Thị Thúy Dung – Phó Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh Bắc Giang, cho biết trong thời gian tới, tỉnh sẽ tiếp tục hỗ trợ nhân rộng những mô hình hiệu quả, phấn đấu mỗi huyện thành lập ít nhất một liên hiệp HTX có liên kết bao tiêu theo chuỗi.
Hưng Nguyên