Trước đây, đồng bào Hrê ở vùng cao Ba Tơ rất khó khăn trong việc tìm đầu ra cho nông sản. Nhưng nay, sản phẩm đặc trưng nơi đây đã có điểm tiêu thụ ổn định, thông qua đơn vị kết nối là HTX Nông nghiệp Cao Muôn Ba Tơ (xã Ba Thành).
Giảm nghèo nhờ HTX
HTX Nông nghiệp Cao Muôn Ba Tơ chính là là cầu nối giữa người dân và doanh nghiệp khi đưa các sản phẩm nông nghiệp vào các nhà hàng, siêu thị, cửa hàng thực phẩm sạch.
Hoạt động hiệu quả của HTX Cao Muôn Ba Tơ đã giúp nhiều người dân trong huyện vươn lên thoát nghèo (Ảnh: TL) |
HTX có sự tham gia của gần 15 thành viên, chủ yếu là các hộ nông dân chuyên trồng, nuôi các cây, con đặc sản của địa phương.
Để làm phong phú các sản phẩm, các thành viên HTX còn học hỏi, tìm tòi, nghiên cứu ra nhiều cách chế biến các món ngon hấp dẫn, phục vụ mọi đối tượng khách hàng như ớt xiêm ngâm với sả rừng, rượu sim, rượu sâm...
Bước đầu, sau khi trừ các chi phí và trả lợi nhuận cho bà con, HTX thu về hơn 100 triệu đồng mỗi tháng. Thị trường tiêu thụ rộng mở khắp nơi. Ngoài bán sản phẩm trực tiếp, hình thức bán hàng online còn được ứng dụng, tiếp cận được nhiều đối tượng khách hàng ở nhiều nơi.
Bên cạnh việc giúp người dân tiêu thụ nông sản, đặc sản vùng cao, HTX còn liên kết với THT chuyên dệt, may thổ cẩm ở Làng Teng để tiêu thụ sản phẩm cho bà con.
“Ngày trước, sản phẩm làm ra không có nơi tiêu thụ. Thông qua THT và HTX, tôi đã có một nơi để thể hiện tài năng, cũng như tiêu thụ sản phẩm. Sản phẩm làm ra đã có nhiều khách hàng đặt từ trước. Thu nhập ngày càng khấm khá hơn”, chị Phạm Thị Im, thành viên THT chia sẻ.
Ba Tơ là huyện nghèo 30a của tỉnh Quảng Ngãi nên những mô hình kinh tế như HTX Cao Muôn Ba Tơ là rất cần thiết. HTX ra đời đã hỗ trợ người dân biết canh tác, sản xuất phù hợp với định hướng thị trường, biến thế mạnh sẵn có thành giá trị kinh tế, thành thu nhập để người dân giảm nghèo và thoát nghèo thành công.
Hiệu quả từ công tác giảm nghèo
Lãnh đạo UBND huyện Ba Tơ cho biết, để đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo nhanh và bền vững, Đảng bộ huyện đã huy động và triển khai hiệu quả các nguồn lực của Nhà nước và nhân dân.
Việc đầu tư xây dựng những cây cầu treo giúp cho việc đi lại thuận tiện, người dân phát triển kinh tế, góp phần xóa đói giảm nghèo (Ảnh: TL) |
Từ nguồn vốn hỗ trợ của tỉnh và trung ương, Ba Tơ đã lồng ghép với Chương trình 30a, 135... đầu tư xây dựng nhiều hạng mục công trình dân sinh, hạ tầng thiết yếu như giao thông, thủy lợi, điện, trạm y tế và trường học. Trong đó, ưu tiên đầu tư xây dựng các công trình ở các xã, thôn đặc biệt khó khăn.
Ngoài ra, từ nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, đến nay, huyện đã bố trí hàng trăm tỷ đồng hỗ trợ người dân về cây, con giống, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật... để phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo.
Bên cạnh đó, huyện cũng khuyến khích người dân phát triển trang trại, gia trại; phát triển chăn nuôi trâu, bò theo mô hình nuôi nhốt chuồng; khôi phục việc chăn nuôi heo, gà bản địa; vận động nhân dân chuyển đổi đất sản xuất lúa không hiệu quả sang trồng đậu phụng, bắp và trồng cỏ, chăn nuôi gia súc...
Đặc biệt, huyện Ba Tơ kêu gọi và thu hút 7 doanh nghiệp đầu tư vào các cụm công nghiệp ở lĩnh vực chế biến lâm sản, với tổng mức đầu tư hơn 100 tỷ đồng. Qua đó, góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập cho lao động địa phương.
Ba Tơ còn tạo điều kiện cho người dân vay vốn ưu đãi để phát triển kinh tế. Hằng năm, huyện giải quyết việc làm cho khoảng 1.500 lao động... Với những nỗ lực trên, tỷ lệ hộ nghèo của huyện Ba Tơ giảm hằng năm từ 4,4 - 6%.
Tuy rằng chặng đường giảm nghèo cho đồng bào còn nhiều khó khăn, nhưng chính quyền địa phương vẫn đang nỗ lực giúp bà con tiếp cận nhanh các chương trình, dự án hỗ trợ của Nhà nước, đầu tư phát triển nhiều mô hình kinh tế, bảo đảm thu nhập, ổn định cuộc sống. Hy vọng người dân vùng khó khăn, vùng sâu sẽ từng bước vươn lên, nhanh rút ngắn con đường thoát nghèo nhanh.
Nhật Nam