Cải thiện đời sống
Theo chia sẻ của ông Nguyễn Xuân Linh, thành viên THT chăn nuôi bò sinh sản thôn Nghĩa Kếp, hai năm trước đây, đàn bò của gia đình ông có số lượng nhiều hơn hiện giờ. Tuy nhiên, giờ chỉ còn hai vợ chồng nên ông bán bớt bò, để lại 2 con bò mẹ để tiện chăm sóc.
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Hòa Bình đã có nhiều hộ dân phát triển nghề chăn gia súc (Ảnh: TL) |
Với diện tích hơn 3.000 m2 đất ruộng vườn, ông tận dụng trồng cỏ làm thức ăn cho gia súc.Vào những ngày hè, khi cỏ trên đồi lên nhiều, thỉnh thoảng ông lại lùa bò lên đồi đi ăn thêm. Bên cạnh đó, chuồng trại của gia đình ông luôn được gia cố, vệ sinh thường xuyên, đảm bảo việc nuôi dưỡng, chăm sóc gia súc an toàn, sạch sẽ.
"Từ năm 2014, khi chuyển đổi sang chăn nuôi bò sinh sản, thu nhập của gia đình tôi đã được cải thiện và ổn định hơn trước rất nhiều", ông Linh phấn khởi nói.
Cũng là thành viên của THT chăn nuôi bò sinh sản thôn Nghĩa Kếp, bà Nguyễn Thị Thúy được nhiều người khen ngợi là hộ chăn nuôi "mát tay". Bởi, hễ bò được gia đình bà Thuý chăm sóc sẽ lớn nhanh và mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Mô hình của gia đình bà Thúy có hệ thống chuồng trại kiên cố, vệ sinh thường xuyên nên lúc nào cũng sạch sẽ, thoáng mát. Khu chuồng trại quy hoạch nằm trong khu vườn cây cao tỏa bóng, có tường bao bọc xung quanh. Mỗi khi thời tiết nóng bức, bà dắt bò ra ngoài chuồng, cột dây vào những gốc cây to nên đàn bò được sống trong không gian rộng rãi, mát mẻ.
Ngoài diện tích cỏ trồng giúp bò có đủ nguồn thức ăn ở cả 4 mùa, bà cho bò ăn thêm cám ngô, cám gạo bổ sung để tăng sức đề kháng và nguồn dinh dưỡng. Nhờ chọn được giống lai tốt, khỏe mạnh, nên bò sinh sản đều. Ba con bò mẹ nuôi từ năm 2015 đến nay đã đẻ được 7 con bê, mỗi con được nuôi, chăm sóc từ 5 - 6 tháng, bán được từ 10 - 12 triệu đồng.
Nhân rộng mô hình
Ông Nguyễn Công Chính, Trưởng thôn Nghĩa Kếp cho biết, Nghĩa Kếp là thôn thuần nông nên có điều kiện tự nhiên khá thuận lợi để phát triển nghề chăn nuôi, trồng trọt. Để thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, thôn đã hình thành được các mô hình THT nhằm thu hút, tập hợp những nông dân có cùng sở thích, mục tiêu giúp nhau làm giàu, giảm nghèo bền vững.
Mô hình chăn nuôi bò sinh sản của gia đình bà Nguyễn Thị Thúy được đánh giá cao về hiệu quả (Ảnh: TL) |
Hiện nay thôn có ba mô hình THT tiêu biểu và hiệu quả là THT trồng cây có múi, THT chăn nuôi gà và THT chăn nuôi bò sinh sản, trong đó mô hình THT chăn nuôi bò sinh sản đã mang lại hiệu quả cao.
Theo đại diện Hội nông dân huyện Lương Sơn: “Từ kết quả mang lại của THT chăn nuôi bò sinh sản, thời gian tới, Hội sẽ đầu tư vốn để phát triển mô hình này. Đồng thời, phối hợp với các cơ quan chức năng hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi bò và phòng chống dịch bệnh cho bò để xây dựng mô hình liên kết trong chăn nuôi được tốt”.
Với 16 thành viên, THT chăn nuôi bò sinh sản thôn Nghĩa Kếp hiện đang chăn nuôi 37 con bò sinh sản. Đàn bò trong THT được nuôi nhốt và chăn thả tập trung, chuồng nuôi bò cũng được vệ sinh sạch sẽ, phân được thu gom vào những nơi quy định để đem bón cây trồng phát triển. Điều đó, cũng đã góp phần giảm chi phí cho việc đầu tư chăm sóc cây trồng đối với các hộ dân và góp phần đảm bảo vệ sinh môi trường sống xung quanh.
Nhờ đó, đời sống hộ thành viên đều ở mức trung bình khá trở lên. Các hộ dân đều có nhận thức tốt về việc chủ động nguồn thức ăn dự trữ, thực hiện chăm sóc, phòng bệnh cho đàn bò để việc chăn nuôi duy trì bền vững, đạt hiệu quả cao.
Có thể nói, THT Chăn nuôi bò sinh sản thôn Nghĩa Kếp là cách làm mới, phù hợp đầu tư phát triển kinh tế nông thôn. Đến nay, mô hình đã lan rộng ra cả thôn với tổng số đàn bò sinh sản trong thôn hiện có trên 60 con, góp phần tăng thu nhập bình quân đầu người của thôn năm 2019 khoảng 20 triệu đồng.
Nhật Nam