Phát triển du lịch làng đang trở thành xu hướng của nhiều địa phương trong tỉnh Quảng Nam nhằm tận dụng lợi thế tại chỗ, hướng đến cải thiện đời sống vật chất, tinh thần người dân. Đặc biệt, mô hình này còn nâng cao ý thức người dân trong việc bảo vệ môi trường và các tài nguyên thiên nhiên, nhân văn.
Làng Cẩm Phú được chọn thí điểm xây dựng làng du lịch cộng đồng nhằm kết nối, đón đầu sự lan tỏa khách từ Hội An trên con đường di sản, khởi đầu cho kế hoạch tiếp theo là thúc đẩy du lịch Gò Nổi phát triển trong tương lai.
Đưa làng nối phố
Làng Cẩm Phú cách TP Hội An 15km về phía Tây bằng đường bộ và 10km bằng đường sông, cách Mỹ Sơn 20km về phía Đông, có vị trí nằm trên con đường Di sản Hội An và Mỹ Sơn.
Làng Cẩm Phú còn lưu giữ nhiều cảnh đẹp thôn quê (Ảnh: TL) |
Cẩm Phú là một ngôi làng thuần Việt được bao bọc bởi con sông Thu Bồn và sông Trùm Ngô, có khí hậu tương đối mát mẻ, có những rặng tre làng, đường làng, các bàu nước tự nhiên tạo ra những tiềm năng về du lịch sinh thái, có các vườn trái cây, cánh đồng đất đai màu mỡ, các điểm di tích lịch sử văn hóa, món ăn ẩm thực đậm chất làng quê Việt Nam… Tất cả "vốn quý" này phù hợp cho sự đầu tư và phát triển du lịch sinh thái làng quê.
Ngoài ra, nơi đây trước kia còn nổi tiếng với nghề trồng dâu nuôi tằm và ươm tơ dệt lụa (Phú Bông) và nếu được đầu tư phát triển theo hướng du lịch cộng đồng thì việc khôi phục lại làng nghề là rất khả thi.
Theo đó, Cẩm Phú sẽ là một mô hình du lịch làng gần phố tiếp theo của thị xã Điện Bàn nhằm tận dụng những thuận lợi về hạ tầng và dịch vụ, nhất là lượng khách từ hai trung tâm du lịch Hội An và Đà Nẵng.
Đặc biệt, việc chọn Cẩm Phú không chỉ thúc đẩy phát triển kinh tế, thay đổi sinh kế người dân mà còn góp phần tạo điều kiện để chính quyền địa phương quy hoạch lại không gian làng như vườn cây ăn quả, vườn nông nghiệp, khôi phục nghề trồng dâu nuôi tằm, xây dựng những con đường hoa, phát động cải tạo cảnh quan sinh thái theo hướng nông thôn mới kiểu mẫu…
Phát triển du lịch cộng đồng làng Cẩm Phú
Làng Cẩm Phú không chỉ có phong cảnh làng quê yên bình gắn với những địa danh như bãi bồi Gò Đình, bãi bồi Gò Nam, vườn Biện Hòa, Bàu Lở, đình làng Cẩm Lậu, làng trồng hoa Cẩm Phú, di miếu Thần Nông…, mà còn là nơi duy trì nhiều ngành nghề độc đáo như gỗ nghệ thuật Âu Lạc, trồng dâu nuôi tằm, ươm tơ dệt lụa, dệt vải, đan mây...
Một số cá nhân tại địa phương đã kết hợp với các công ty lữ hành hình thành các dịch vụ đưa đón khách (Ảnh: TL) |
Nhận thấy tiềm năng từ làng quê mình, một số hộ dân trong làng đã và đang tổ chức đón khách tham quan theo mô hình du lịch cộng đồng. Đặc biệt, một số cá nhân kết hợp với các công ty lữ hành hình thành các dịch vụ đưa đón khách, trung bình mỗi tuần từ 3 - 5 tour, chủ yếu là khách Tây Âu. Đây chính là nền móng để địa phương tiếp tục đầu tư và hình thành làng du lịch cộng đồng Cẩm Phú.
Theo đó, HTX Nông nghiệp làng Cẩm Phú - Gò Nổi được thành lập với 7 thành viên, do ông Nguyễn Phong Lợi làm Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Giám đốc.
Ông Lê Hoàng Hà - Giám đốc Công ty Du lịch Emic Travel, thành viên Hội đồng quản trị HTX Nông nghiệp làng Cẩm Phú - Gò Nổi cho biết, dự kiến trong 10 năm tới, làng du lịch cộng đồng Cẩm Phú sẽ được đầu tư khoảng 10 tỷ đồng xây dựng các sản phẩm dịch vụ - du lịch.
Cụ thể như điểm chụp hình, nhà đón tiếp, các mô hình chăn nuôi trong dân; xây dựng điểm chụp hình nghệ thuật và ngắm hoàng hôn trên đồng, trên sông Thu Bồn; xây dựng khu vực cưỡi trâu, chăn vịt, massage cá, chăm sóc thỏ, nuôi gà; trải nghiệm làng nghề, cách làm món ăn truyền thống...
Có thể nói, phát triển du lịch cộng đồng đang trở thành hướng đi chủ đạo của Điện Bàn những năm qua nhằm tạo sinh kế, thay đổi cuộc sống người dân gắn với bảo tồn các giá trị văn hóa, sinh thái làng quê. Trong đó, HTX Nông nghiệp làng Cẩm Phú - Gò Nổi được xem là mô hình thí điểm của thị xã Điện Bàn nhằm thúc đẩy phát triển nông nghiệp gắn với du lịch cộng đồng địa phương.
Nhật Nam