Theo chính quyền xã Chiềng Hắc, chương trình nông thôn mới (NTM) đã mang lại nhiều lợi ích cho người dân. Những bản khó khăn giờ đã có điện, nước sạch sinh hoạt, đường bê tông đi lại thuận tiện, cuộc sống của bà con ngày một khá lên. Khi bước vào thực hiện xây dựng NTM, Chiềng Hắc coi đây là “bài toán khó” vì xuất phát điểm thấp. Tuy nhiên, bằng nhiều giải pháp cụ thể, thiết thực, sự đóng góp tiền của, công sức của các tổ chức, cá nhân, đến nay, Chiềng Hắc đã đạt chuẩn NTM.
Lực đẩy kinh tế
Về Chiềng Hắc hôm nay, màu xanh của cây trái phủ kín khắp các sườn đồi. Những con đường bê tông nối dài tới những bản vùng thấp, vùng cao giúp người dân thuận tiện đi lại và vận chuyển hàng hóa. Đặc biệt là sự đổi thay từ cách nghĩ, cách làm của người dân nơi đây khi từng bước thay đổi từ sản xuất manh mún sang tập trung phát triển sản xuất hàng hóa.
Nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trong trồng rau, trồng cây ăn quả mang lại cho người dân thu nhập hàng trăm triệu đồng/ha/năm. Cùng với đó, nhiều công trình được nhân dân đồng lòng thực hiện đã góp phần cùng địa phương hoàn thành các tiêu chí trong xây dựng NTM.
HTX Hoa Quả Sơn là mô hình kinh tế tiêu biểu ở Chiềng Hắc |
Tiêu biểu là mô hình sản xuất của HTX Hoa Quả Sơn khi chú trọng sản xuất na theo hướng hàng hóa. Những quả na nặng khoảng 1 kg/quả trước đây thường khiến khách hàng nghi ngờ về nguồn gốc xuất xứ khi cho rằng đây không phải ở Mộc Châu nên không mua.
Để thuyết phục người tiêu dùng, HTX phải quay video clip cảnh chăm sóc, thu hái quả na Thái tại vườn. Từ đó, HTX đã thuyết phục được khách hàng đặc biệt là các siêu thị ở Hà Nội.
Thành công từ quả na giúp HTX mở rộng diện tích 30 ha và trồng thêm các loại cây ăn quả khác như nhãn, xoài, thanh long ruột đỏ... Với mong muốn xây dựng thương hiệu sản phẩm, HTX Hoa Quả Sơn đã và đang áp dụng quy trình sản xuất VietGAP, có sổ nhật ký ghi chép quy trình chăm sóc cây ăn quả, sử dụng các loại phân hữu cơ bón cây và dùng túi bọc quả để đảm bảo chất lượng sản phẩm...
Nhờ được doanh nghiệp ký bao tiêu sản phẩm, HTX không còn lo lắng tình trạng được mùa mất giá, không chỉ vậy, vào mùa thu hoạch, HTX còn tạo việc làm thời vụ cho hàng chục lao động.
Nếu như trước đây, HTX phải lấy ngựa đề thồ hoa quả từ các sườn đồi xuống thì nay, từ nguồn vốn của chương trình xây dựng NTM, các cơ quan chức năng tỉnh, huyện, xã đã hỗ trợ xi măng để HTX làm đường bê tông lên vùng sản xuất, tạo điều kiện cho xe ô tô về tận nơi chở hàng.
Mấu chốt từ nâng cao thu nhập
Khi bắt tay vào xây dựng nông thôn mới và ngay cả khi được công nhận, chính quyền địa phương đã xác định tiêu chí thu nhập là tiêu chí quan trọng tác động đến các tiêu chí khác nên xã đẩy mạnh phát triển sản xuất gắn với tái cơ cấu nông nghiệp, chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn, nâng cao đời sống cho người dân.
Xã đã vận động nhân dân tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương, mở rộng diện tích cây ăn quả trên đất dốc, rau màu, ngô ủ ướp...
Con đường ở bản Tà Niết (Chiềng Hắc) đã được bê tông hóa |
Toàn xã hiện có 1.200 ha cây ăn quả các loại, góp phần nâng cao thu nhập và tạo việc làm cho người dân, thu nhập bình quân của xã đạt 32,3 triệu đồng/người/năm. Tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 8,7%. Cả xã đã bê tông 47 km đường trục bản, liên bản, ngõ xóm, với kinh phí gần 46 tỷ đồng, trong đó người dân đóng góp trên 20 tỷ đồng. Ngoài ra, 14 bản đã có nhà văn hóa và các công trình trường học, điện lưới, trạm y tế đều được đầu tư khang trang, phục vục các nhu cầu văn hóa, sức khỏe của người dân.
Để tiếp tục nâng cao thu nhập cho lao động ở nông thôn, xã tiếp tục triển khai hiệu quả đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, ưu tiên thúc đẩy hỗ trợ phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị, đồng thời củng cố, đổi mới các hình thức tổ chức sản xuất trong nông nghiệp và nâng cao hiệu quả hoạt động các HTX theo Luật HTX năm 2012… từ đó góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động và kinh tế nông thôn, nâng cao thu nhập, xóa đói, giảm nghèo bền vững.
Huyền Trang