Mới đây, tại TP.Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương đã diễn ra lễ ra mắt Hội Hoa lan Đất Thủ cùng sự kiện chuyển nhượng cây lan. Lễ ra mắt thu hút hàng trăm người yêu lan đột biến đến từ các tỉnh, thành phố trong cả nước.
Phát triển phong trào chơi lan
Ông Trần Thế Mạnh, thành viên sáng lập Hội, cho biết: Vài năm trở lại đây, phong trào chơi lan ở TP. Thủ Dầu Một nói riêng và Bình Dương nói chung phát triển rất mạnh. Những người chơi lan ở đây đều mong muốn thành lập một câu lạc bộ hay một hội để có sự gắn kết nhau hơn.
HTX chuyên kinh doanh hoa lan Mokara cắt cành. |
Nhân dịp này đã diễn ra sự kiện chuyển nhượng cây lan. Tổng số cây chuyển nhượng là 12 cây, với tổng giá trị chuyển nhượng hơn 20 tỷ đồng. Một số cây được chuyển nhượng có giá cao như lan 5 cánh trắng Bảo Duy trị giá 3,9 tỷ đồng, lan “Người đẹp Bình Dương” trị giá 2 tỷ đồng, lan “5 cánh trăng Như Ý” có giá trị 2,6 tỷ đồng, lan “5 cánh trắng Khổng Tước” có giá 1,5 tỷ đồng…
Bên cạnh hội hoa lan vừa ra đời thì thời gian qua ở TP. Thủ Dầu Một có HTX Sản xuất - Thương mại - Dịch vụ Hoa lan Đất Thủ đang để lại dấu ấn lớn trong việc sản xuất kinh doanh hoa lan, góp phần thêm vào bộ mặt tươi mới cho Bình Dương.
HTX Hoa Lan Đất Thủ được thành lập cách đây 4 năm, hiện đang cung cấp sỉ và lẻ hoa lan cắt cành. HTX được hình thành từ Câu lạc bộ trang trại hoa lan Bình Dương với 40 hộ thành viên ban đầu. HTX chuyên trồng hoa và cây cảnh, chủ yếu là hoa lan Mokara cắt cành (bán sỉ và lẻ).
Các thành viên HTX có khả năng cung ứng từ 700 - 800 cành lan mỗi ngày cho thị trường. Việc thành lập HTX đã giúp cho sự phát triển ngành nông nghiệp đô thị, nông nghiệp kỹ thuật cao của TP.Thủ Dầu Một cũng như tỉnh Bình Dương.
Thành viên của HTX thường xuyên được tập huấn kỹ thuật trồng lan theo đúng quy trình để bảo đảm chất lượng hoa đồng đều, đạt năng suất cao, đáp ứng được yêu cầu của thị trường trong nước và từng bước bảo đảm các yêu cầu về tiêu chuẩn, quy trình sản xuất theo chuẩn VietGAP để cung ứng cho thị trường các nước trong khu vực.
Thông thường, mỗi chậu lan của một thành viên HTX có giá khoảng 2 triệu đồng. Một số khách hàng đặt làm với giá từ đến 3,5 - 4,5 triệu đồng/chậu. Như vậy theo tính toán, mỗi năm, thu nhập từ mô hình trồng lan, thành viên HTX có thể thu vào khoảng 120 triệu đồng (đã trừ chi phí).
Kỳ vọng nhãn hiệu tập thể “Hoa lan Đất Thủ”
Theo ông Lê Văn Đạt, Giám đốc HTX, các thành viên đều thống nhất sản xuất chung một quy trình; HTX sản xuất chất lượng theo tiêu chuẩn ISO 2001- 2015. HTX đã xây dựng được nhãn hiệu hàng hóa tập thể Hoa Lan Đất Thủ do Cục sở hữu trí tuệ (Bộ KH&CN) cấp.
Bên cạnh đó, HTX duy trì sinh hoạt thường xuyên hàng tháng để chỉ đạo kỹ thuật trồng và chăm sóc, bảo vệ thực vật vườn lan. HTX còn trao đổi kinh nghiệm về kỹ thuật khoa học ứng dụng trong trồng lan để tăng năng suất và hiệu quả kinh tế.
Mô hình trồng lan của HTX Hoa lan Đất Thủ mang lại hiệu quả cho các thành viên. |
Nhìn lại quá trình hoạt động của HTX Hoa lan Đất Thủ, nhiều ý kiến cho rằng việc chuyển đổi từ mô hình CLB sang mô hình HTX kiểu mới là hướng đi đúng đắn. Bởi, trên cơ sở Luật HTX sẽ được đổi mới về tổ chức và hoạt động, hỗ trợ tốt hơn về kỹ thuật cho các thành viên, nhằm đảm bảo sản xuất kinh doanh ổn định.
Bên cạnh đó, HTX có năng lực đàm phán gia nhập thị trường cao hơn và hiệu quả hơn hẳn so với từng hộ riêng lẻ. Mặt khác, HTX cũng đóng vai trò bảo vệ quyền lợi cho hộ nông dân khi tham gia chuỗi giá trị hàng nông sản; việc liên kết giữa HTX và các tổ chức kinh tế khác sẽ được thiết lập và phát huy hiệu quả.
Điều mong mỏi là thời gian tới, HTX sẽ đẩy mạnh quảng bá nhãn hiệu tập thể “Hoa lan Đất Thủ” có thể vươn xa hơn. Hơn nữa, trong hoạt động của mình, HTX có thể vừa làm dịch vụ, vừa kinh doanh để có lợi nhuận cho thành viên, có khả năng mở rộng sản xuất và chủ động liên kết với thị trường, liên kết với các doanh nghiệp để từ đó tăng thu nhập, bảo vệ được quyền lợi của thành viên.
Thanh Loan