Phú Lương đang phát huy thế mạnh để xóa đói, giảm nghèo bền vững (Ảnh Tư liệu) |
Mục tiêu cốt lõi
Theo UBND huyện Phú Lương, mục tiêu cốt lõi của các chương trình xóa đói giảm nghèo tại địa phương là tập trung nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân.
Theo đó, những năm qua, huyện đã triển khai nhiều chương trình hỗ trợ phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị, nhất là đầu tư cho nông nghiệp sạch, an toàn theo hướng hữu cơ, góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu lao động và kinh tế nông thôn, từ đó tăng thu nhập người dân một cách bền vững.
Một trong các giải pháp then chốt trong công tác phát triển sản xuất, giảm nghèo bền vững là thúc đẩy các sản phẩm thế mạnh trên phạm vi tập trung, trọng điểm, tạo ra nhiều sản phẩm hàng hóa chất lượng cao, mang tính đặc trưng, lợi thế của mỗi vùng, miền.
Ông Ngô Thành Trung – Chủ tịch UBND huyện Phú Lương, cho biết: “Trong quá trình thực hiện mục tiêu, sự tham gia của các doanh nghiệp, HTX, tổ hợp tác có vai trò đặc biệt quan trọng, góp phần thúc đẩy liên kết, phát triển sản xuất hàng hóa theo chuỗi giá trị, trở thành điểm tựa cho người dân”.
Đối với khu vực kinh tế hợp tác, toàn huyện đang có 32 HTX, 1 quỹ TDND, thu hút 4.000 thành viên và 1.530 lao động thường xuyên. Hầu hết các HTX đang cho thấy hiệu quả tích cực, mở hướng phát triển sản xuất, vươn lên thoát nghèo, làm giàu cho thành viên, hộ nông dân liên kết.
Để phát triển HTX, huyện đã có nhiều chính sách hỗ trợ sản xuất, tổ chức các lớp tập huấn, nâng cao năng lực quản lý HTX cho cán bộ và thành viên; đẩy mạnh cơ giới hóa gắn với an toàn lao động; rút ngắn thủ tục đổi mới, thành lập HTX...
Hiệu quả của khu vực kinh tế hợp tác, HTX đã góp phần không nhỏ giúp người dân giảm nghèo bền vững, nâng cao đời sống và thu nhập. Minh chứng rõ nét nhất là tỷ lệ hộ nghèo của huyện hiện chỉ còn 1.123 hộ tương đương với tỷ lệ 4,12%, giảm gần 2.800 hộ so với năm 2016.
Vai trò của các HTX, tổ hợp tác là đặc biệt quan trọng giúp nông dân thoát nghèo, làm giàu (Ảnh TL) |
Liên kết là sức mạnh
Gần 15 năm thành lập và phát triển, nhờ nhạy bén trong tư duy sản xuất, HTX Cổ Lũng (xã Cổ Lũng) đã và đang liên tục có được những thành công ấn tượng, tạo việc làm ổn định cho các thành viên, đóng góp tích cực vào công tác xóa đói, giảm nghèo tại địa phương.
Ông Vũ Văn Cương - Giám đốc HTX, chia sẻ: “Bên cạnh việc quản lý, vận hành và bảo đảm an toàn lưới điện, HTX Cổ Lũng còn hoạt động trong nhiều lĩnh vực sản xuất kinh doanh khác như sản xuất, chế biến lâm sản, vật liệu xây dựng… Các lĩnh vực hiện đang phát triển ổn định và cho hiệu quả cao”.
Từ khi thành lập đến nay, doanh thu hàng năm của HTX liên tục tăng, với mức tăng trưởng bình quân 12 - 20%/năm. Nếu trong thời gian đầu, HTX chưa có khả năng đóng góp cho ngân sách, thì đến nay đã nộp ngân sách đều đặn cho địa phương, với mức đóng hàng trăm triệu đồng.
Tương tự, HTX Dịch vụ, Chăn nuôi và Trồng trọt Phấn Mễ (xã Phấn Mễ) thành lập từ tháng 4/2016, hiện có 11 thành viên, doanh thu bình quân đạt trên 1 tỷ đồng/năm. Hệ thống vận hành sản xuất của HTX đang được tổ chức rất khoa học.
Giám đốc HTX Nguyễn Xuân Hòa cho biết: “HTX ra đời không chỉ bảo đảm tính liên kết, tăng hiệu quả sản xuất, mà còn giúp các thành viên tiếp cận khoa học - kỹ thuật, phát triển sản xuất an toàn, mở hướng làm giàu bền vững, đóng góp xây dựng nông thôn mới”.
Cũng có thể kể đến HTX chè Khe Cốc (xã Tức Tranh), hiện có 15 thành viên, sản xuất trên tổng diện tích 15 ha. HTX được thành lập với sứ mệnh liên kết thành viên và các hộ trồng chè tại địa phương, tạo sức mạnh về vốn, nhân lực, ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất nâng cao năng suất.
Hiệu quả của các HTX chứng minh việc liên kết sản xuất là "chìa khóa mở cửa thành công" cho nông dân. Vì vậy, huyện Phú Lương dự kiến sẽ tiếp tục nâng cao vai trò của HTX, tổ hợp tác, đồng thời đẩy mạnh hỗ trợ nông dân phát triển sản xuất theo chuỗi, hướng tới giá trị bền vững.
Nhật Minh