Anh Duy cho biết, trước đây, bố mẹ mình sản xuất mỳ chủ yếu theo phương pháp thủ công, mỗi ngày chỉ làm ra được hơn 1 tạ, tiêu thụ sản phẩm dựa hoàn toàn vào việc bán lẻ ở các chợ địa phương, có ngày mỳ tồn đắp đống trong nhà. Trăn trở vấn đề bao tiêu sản phẩm, năm 2016, anh quyết định đứng ra thành lập HTX mỳ gạo Hùng Lô với 9 thành viên, chuyên sản xuất kinh doanh mỳ gạo, bún khô, phở khô.
Vạn sự khởi đầu nan
Khi mới ra đời, HTX phải đối mặt với hàng loạt khó khăn. Thiếu vốn, 9 thành viên không dám đầu tư các trang thiết bị hiện đại, mãi sau này mới có các chính sách ưu đãi cho vay vốn tín chấp để khắc phục khó khăn.
Mặt khác, do các thành viên không đồng đều về độ tuổi nên không thống nhất được quy trình sản xuất. Vì là làng nghề sản xuất có từ lâu đời (trên 50 năm), nên các thành viên có người nhiều tuổi, người ít tuổi, tư duy rất khác nhau.
Những người trẻ được tiếp cận với khoa học kỹ thuật nên dễ dàng vận hành máy móc, trang thiết bị sản xuất mới, trong khi các bậc "tiền bối" rất e ngại.
Người trẻ chịu bỏ tiền ra để mua máy móc hiện đại, trong khi những người nhiều tuổi hơn vẫn thực hiện theo hình thức truyền thống.
Khó khăn lớn nhất là diện tích mặt bằng làm trụ sở, sân phơi, đóng gói của HTX thời gian đầu thiếu thốn trầm trọng.
"Làm nghề này phải có diện tích đất để khu nhà xưởng, máy móc, sân phơi…, khi phát triển mạnh thì cần phải có diện tích xử lý nước thải trước khi thải ra môi trường", anh Duy chia sẻ.
Bằng sự nỗ lực và quyết tâm, những vướng mắc ban đầu dần được các thành viên HTX khắc phục. Sản phẩm mỳ gạo của Hùng Lô có ưu thế cạnh tranh trên thị trường so với các loại mỳ khác. Khách hàng sử dụng sản phẩm mỳ gạo của HTX đều khen ngon, chất lượng.
Với sản lượng sản xuất hiện tại của HTX, mỳ gạo Hùng Lô gần như không đủ để cung cấp cho thị trường, thậm chí các thành viên trong HTX không dám chào hàng thêm các đơn vị khác.
Thương hiệu mỳ gạo Hùng Lô không chỉ có mặt ở Phú Thọ mà còn vươn đến nhiều thị trường lớn như: Hà Nội, Yên Bái, Lào Cai, Thanh Hóa, Tp.HCM, Vũng Tàu…
Hiện nay, HTX có thêm 3 thành viên mới, trong đó có 2 thành viên tham gia sản xuất và 1 thành viên tham gia với hình thức đại lý phân phối.
Giá bán hiện tại đối với sản phẩm mỳ trần, không đóng bao là 15.000 – 17.000 đồng/ kg; loại đóng bao, nhãn mác có giá 20.000 – 27.000 đồng/kg tùy thuộc vào nguyên liệu gạo sản xuất.
HTX mỳ gạo Hùng Lô đã tạo việc làm cho hàng chục lao động trong xã với mức thu nhập từ 3,5 triệu đồng/ người trở lên, sản lượng sản xuất mỗi tháng khoảng 30-40 tấn, đạt doanh thu khoảng 4 tỷ đồng/năm.
Do sản xuất mỳ gạo phụ thuộc nhiều vào thời tiết nắng mưa thất thường, nên vấn đề nan giải nhất của HTX là cần một lò sấy mỳ. Đặc biệt, vào thời điểm cuối năm, hàng bán chạy nên phải sản xuất nhiều trong khi thời tiết hay mưa hoặc lạnh khiến cho sản phẩm dễ bị lên men, ẩm mốc, phải vứt bỏ, gây thiệt hại kinh tế.
Tháng 1/2018, HTX mỳ gạo Hùng Lô tiến hành đầu tư, đưa vào vận hành thử nghiệm hệ thống sấy mì trị giá hơn 200 triệu đồng, góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm.
Giám đốc HTX mỳ gạo Hùng Lô Cao Đăng Duy kiểm tra sản phẩm đang phơi |
Không ngừng đổi mới sáng tạo
Mô hình lò sấy là sự kết hợp giữa kinh nghiệm của người sản xuất với nơi chế tạo ra máy. Đến nay, việc áp dụng máy sấy vào sản xuất mỳ đang cho hiệu quả rất tốt, đạt 80-90% kỳ vọng.
Trước đây khi chưa có máy sấy, những ngày trời mưa, HTX không thể sản xuất khiến sản lượng và tốc độ tiêu thụ bị gián đoạn, nhưng từ khi có máy sấy, hoạt động sản xuất được đảm bảo liên tục, HTX hoàn toàn chủ động được trong việc sản xuất ra sản phẩm.
Là một HTX kiểu mới, các thành viên luôn đề cao tinh thần học hỏi, phát hiện những sản phẩm cải tiến, từ các sản phẩm đóng gói với khối lượng lớn đến các sản phẩm đóng gói khối lượng nhỏ hơn để phù hợp với nhu cầu sử dụng của khách hàng.
Đồng thời, sản xuất các sản phẩm mới để cung ứng ra thị trường những dòng sản phẩm đa dạng, mang đến nhiều sự lựa chọn cho người tiêu dùng hơn.
Đặc biệt, qua tìm hiểu trên mạng và các kênh thông tin, Giám đốc Cao Đăng Duy nhận thấy gạo lứt bán tại một số siêu thị có màu khác biệt và bắt mắt, nên các thành viên đã nghiên cứu và tiến hành thử nghiệm sản xuất mỳ từ loại gạo này.
Gạo lứt có giá trị dinh dưỡng cao hơn các loại gạo khác, rất tốt cho tim mạch, phù hợp với những người ăn kiêng, giảm cân…, trên thị trường đang được bán với mức giá khá cao 25.000 – 30.000 đồng/kg.
Tuy nhiên, loại gạo này khá khô, nấu cơm khó ăn, phải rang nên nghiền rồi hòa uống giống như ngũ cốc. Xuất phát từ đó, anh Duy cho rằng chế biến dưới dạng mỳ sẽ dễ ăn hơn.
Đến nay, HTX đã sản xuất thử nghiệm sản phẩm mỳ gạo lứt, tiêu thụ được khoảng vài tấn nhưng chưa được theo ý muốn đề ra do tính "đỏng đảnh" của loại gạo này. Dự kiến, cuối năm nay, sau khi được "tinh chỉnh", mỳ gạo lứt sẽ được tung ra thị trường đại trà phục vụ người tiêu dùng.
Mỳ gạo Hùng Lô nổi tiếng với sợi mỳ nhỏ, trắng, sạch, nấu chín không bị nát |
Về hướng phát triển trong thời gian tới của HTX, anh Duy cho biết các thành viên xác định dần dần cải tiến về quy trình sản xuất và trang thiết bị máy móc. Đây là yếu tố được quan tâm hàng đầu nhằm đưa ra một sản phẩm chung chất lượng.
Đặc biệt, HTX tập trung sản xuất mẫu mã, chủng loại bao bì, quy cách đóng gói khác nhau để người tiêu dùng có nhiều sự lựa chọn. Theo đó, HTX sẽ cho ra đời các gói sản phẩm 200 –300 gram phù hợp cho những gia đình ít người hoặc nhu cầu bảo quản, sử dụng một lần của khách hàng.
HTX sẽ mở rộng sân phơi, nơi sản xuất, đóng gói sản phẩm, thiết bị máy mọc gắn với đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, phù hợp với tiêu chuẩn chất lượng của các cơ quan nhà nước.
Để làm được điều đó và phát triển được mô hình HTX bền vững, gắn với chuỗi giá trị, anh Duy và các thành viên trong HTX mong muốn các cấp chính quyền tạo điều kiện về quỹ đất để phát triển làng nghề.
Để mở rộng quy mô, quỹ đất rất quan trọng, có vốn mà không có quỹ đất thì cũng không thể sản xuất được. Hiện tại, mỗi hộ chỉ có diện tích 100- 200m2, còn trụ sở, mặt bằng phơi của HTX vẫn phải đi thuê và tận dụng không gian mặt đường, sân bãi làm nơi phơi.
Hà Xuyên – Minh Thành