ATVSLĐ, PCCN của cả chủ cơ sở sản xuất lẫn NLĐ còn yếu |
Tại các làng nghề ở Việt Nam, nơi sản xuất thường đan xen với nhà ở. Hầu hết dân cư của làng tham gia vào quá trình sản xuất, nên nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe người dân rất lớn.
Những con số báo động
Do môi trường không khí, nước ngầm và nước mặt, đất đều bị ô nhiễm, nên số người dân tại các làng nghề bị mắc các bệnh đường hô hấp, đau mắt, bệnh ngoài da, tiêu hóa... rất cao. Ngoài ra, còn có nhiều bệnh nghề nghiệp (BNN) như: bụi phổi, ung thư, đau cột sống...
Tuy nhiên, hầu hết các nghiên cứu về làng nghề mới chỉ dừng lại ở việc mô tả cắt ngang (đánh giá hiện trạng môi trường và tình hình bệnh tật) mà chưa có những nghiên cứu dịch tễ đánh giá được mối liên quan của bệnh tật với các yếu tố ô nhiễm.
Theo các nghiên cứu của Viện Nghiên cứu KH-KT BHLĐ, sức khỏe dân cư tại các làng nghề tái sinh kim loại là có nhiều vấn đề nhất. Kết quả điều tra sức khỏe tại làng tái sinh chì Đông Mai (Hưng Yên) cho thấy: Triệu chứng chủ quan về hô hấp (tức ngực, khó thở) chiếm 65,6%, suy nhược thần kinh chiếm 71,8%, đa khớp mãn chiếm 46,9%, hồng cầu giảm chiếm 19,4%...
Tại làng nghề Văn Môn (Yên Phong, Bắc Ninh): Bệnh đường hô hấp chiếm 64,4%, suy nhược thần kinh 54,5%, bệnh ngoài da 23,1%.
Tại làng nghề Vạn Vân (Việt Yên, Bắc Giang): Bệnh đường hô hấp chiếm 44,4%, bệnh da liễu 68,5%, bệnh đường ruột 58,8%...
Trách nhiệm thuộc về ai?
Viện dẫn lý do các quyền lợi của NLĐ làm việc tại cơ sản xuất tại các làng nghề như ký hợp đồng lao động, đóng BHYT, BHXH, BHLĐ... không được quan tâm, chủ sử dụng lao động (SDLĐ) đưa ra lý do: Đây chỉ là cơ sở sản xuất làng nghề truyền thống, theo mùa vụ và những lao động là người nhà làm việc trong lúc nông nhàn, chỉ cần giao việc bằng miệng và trả lương đầy đủ là xong.
Mặt khác, do thiếu hiểu biết, NLĐ không muốn tham gia đóng BHXH, BHYT, chỉ cần tiền công cao. Do đó, khi xảy ra TNLĐ, họ đã không được hưởng một chế độ gì, phải tự lo các khoản chi phí, chủ SDLĐ chỉ “hỗ trợ” phần nào dựa trên “tình cảm” mà không hề mang tính bắt buộc.
Theo ông Lưu Duy Dần, Phó Chủ tịch, Tổng thư ký Hiệp hội Làng nghề Việt Nam, đây là tình trạng chung trong việc SDLĐ tại các DN, HTX, cơ sở sản xuất trong làng nghề. “Làm giàu là tốt, nhưng không thể làm bằng bất kỳ giá nào”, ông Dần khẳng định.
Đánh giá của ngành chức năng cho thấy, máy móc sử dụng trong sản xuất tại các làng nghề phần lớn không bảo đảm an toàn, nhiều thiết bị cũ kỹ, lạc hâu, không an toàn. Phần lớn máy móc không có tài liệu kỹ thuật để hướng dẫn, vận hành an toàn thiết bị, nếu có thì cũng rất sơ sài. Ngoài ra, tại các cơ sở sản xuất còn có không ít các loại máy tự chế, tự lắm ráp từ các bộ phận cũ, chắp vá tạm bợ.
Điều đáng nói nhất, nhận thức về công tác ATVSLĐ, PCCN của cả chủ cơ sở sản xuất lẫn NLĐ còn yếu. Phần lớn NLĐ được đào tạo nghề theo kiểu truyền miệng, cầm tay chỉ việc.
Về vấn đề này, ông Dần cho rằng, thực trạng đó lỗi một phần do bản thân NLĐ còn thiếu ý thức. NLĐ chưa chú ý đến môi trường làm việc, chưa coi trọng chính bản thân mình. Chủ cơ sở sản xuất trang bị BHLĐ, nhưng hầu hết NLĐ không sử dụng, dễ bị TNLĐ không đáng có.
M.Quang