Theo thống kê của Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh, Vĩnh Phúc có trên dưới 100 làng nghề khác nhau, tạo việc làm và thu nhập cho hàng nghìn lao động. Đặc biệt, sự ra đời của các HTX là cầu nối quan trọng trong sự phát triển các làng nghề theo hướng bền vững, đem lại việc làm và thu nhập ổn định cho người lao động.
Sứ mệnh của HTX
Việc tiêu thụ sản phẩm của các làng nghề ở Vĩnh Phúc chủ yếu theo hướng “mạnh ai người ấy làm”. Các hộ tự sản xuất và tự tiêu thụ sản phẩm cho chính mình. Từ đó dẫn tới tình trạng nhà làm không xuể, nhà không có việc để làm, hoặc không bán được sản phẩm.
Một nhược điểm rất lớn của làng nghề là việc liên kết theo chuỗi từ thiết kế mẫu mã, sản xuất và tiêu thụ sản phẩm còn hạn chế.
Quy mô sản xuất của làng nghề chủ yếu là quy mô hộ gia đình; máy móc lạc hậu nên năng suất thấp, lượng tiêu hao nguyên vật liệu lớn dẫn đến ô nhiễm môi trường.
Trước tình trạng trên, một số làng nghề đã thành lập HTX nhằm tạo sự liên kết, tăng sức cạnh tranh trong cơ chế thị trường, như: Làng nghề rèn Lý Nhân (Vĩnh Tường), làng rắn Vĩnh Sơn (Vĩnh Tường), làng mộc Bích Chu (Vĩnh Tường), Làng nghề bún bánh xã Lũng Hòa (Vĩnh Tường), làng nghề đá Hải Lựu (Sông Lô)…
Trong các làng nghề, làng nghề rèn Lý Nhân (Vĩnh Tường) có thời gian đã gặp khó khăn về nguồn vốn đầu tư; nguồn lao động tại chỗ chưa thực sự đáp ứng được nhu cầu sản xuất, đặc biệt là tình trạng ô nhiễm môi trường. Từ khi HTX Cơ khí rèn Hải Dương ra đời đã tạo bước ngoặt cho người dân làng nghề.
HTX không ngừng đầu tư mở rộng nhà xưởng, mua sắm máy móc, trang thiết bị để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm. Bên cạnh việc đáp ứng nhu cầu của người dân trong tỉnh và các tỉnh lân cận, sản phẩm của HTX đã xuất khẩu sang thị trường các nước như: Lào, Trung Quốc và Campuchia.
Anh Nguyễn Minh Tú - Giám đốc HTX Hải Dương, cho biết sự ra đời của HTX giúp các thành viên và người dân liên kết sản xuất, trao đổi kinh nghiệm. Hơn nữa, HTX có tư cách pháp nhân đứng ra bao tiêu sản phẩm và xây dựng được nhãn hiệu hàng hóa nên các hộ sản xuất và người tiêu dùng đều yên tâm.
Nghề rèn đã được cơ khí hóa ở HTX Cơ khí rèn Hải Dương |
Giải bài toán môi trường
Sự ra đời của HTX trong làng nghề trên địa bàn tỉnh đã tạo việc làm thường xuyên cho nhiều lao động, nâng cao thu nhập cho người dân, thúc đẩy phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn.
Đặc biệt, các HTX đã đẩy mạnh đầu tư máy móc, ứng dụng kỹ thuật nhằm phát triển bền vững.
HTX Cơ khí rèn Hải Dương đã xây dựng được cụm nhà xưởng tập trung trên diện tích 500m2 nằm tách xa khu dân cư nên hạn chế được tình trạng ô nhiễm tiếng ồn.
Được sự hỗ trợ của chính quyền, HTX đã đầu tư lắp đặt hệ thống giảm thiểu khí bụi. Khi đưa vào sử dụng, hệ thống này đã làm giảm đáng kể các tác động tiêu cực đến môi trường, cải thiện sức khỏe cho người lao động và người dân xung quanh khu vực.
Sự phát triển theo hướng sản xuất sạch của HTX Hải Dương đã mở ra hướng phát triển bền vững cho làng nghề chế biến gỗ trên địa bàn tỉnh.
HTX Mây tre đan xuất khẩu Cao Thắng ra đời trên nền tảng của làng nghề tiểu thủ công nghiệp Triệu Đề (Lập Thạch) đã giải quyết được vấn đề ô nhiễm môi trường tại đại phương.
Nếu không có sự ra đời và đẩy mạnh sản xuất sạch của HTX mây tre đan xuất khẩu Cao Thắng thì các sản phẩm đều bị hao hụt 10 - 15% mây tươi ở khâu luộc, tẩm, thu mua. Khi đầu tư máy móc hiện đại, lượng nguyên liệu hao hụt giảm mạnh mà HTX không mất nhiều chi phí, đặc biệt, giảm được chất thải ra môi trường.
Như vậy, để tạo ra sức mạnh cạnh tranh cần phải gắn làng nghề với phát triển HTX. Mô hình HTX vừa tạo động lực cho từng hộ nghề, vừa giải quyết những nhu cầu chung trong sản xuất.
Chú trọng liên kết các hộ nghề sản xuất theo mô hình HTX hoặc THT là giải pháp quan trọng để phát triển làng nghề và giải quyết những khó khăn về ô nhiễm môi trường hiện nay.
Như Yến